Tiền nợ xấu có thể xây được 3 sân bay Long Thành
Cập nhật lúc 15:43
“Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để
phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế. Số tiền này có thể
làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà Quốc
hội đang bàn”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng so sánh.
Đại biểu Hoàng Thị Thu
Trang (Nghệ An). Ảnh Như Ý
Thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu sáng 7/6, đại biểu Hoàng
Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ
xấu rất khó khăn. Việc thi hành án dân sự còn có nhiều trường hợp bị thu hồi
tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án.
“Tổ chức tín dụng khi thu hồi tài sản phải làm thế nào? Họ tự làm hay
thuê lực lượng khác? Trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu
nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị
quyết, nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ
không có hiệu quả trong thực tế”, đại biểu Trang cảnh báo.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) cho hay, giai đoạn 2012 -2016 toàn hệ
thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó các
tổ chức tín dụng xử lý được 55% và Công ty VAMC xử lý 44,6%.
Tuy về mặt bản chất, VAMC chỉ là “nhà kho” tạm giữ nợ xấu vì chi phí
áp dụng cho trích lập dự phòng và tiền mặt vẫn thuộc các tổ chức tín dụng,
nhưng VAMC đã cho thị trường thấy rõ được bức tranh xử lý nợ xấu của nền kinh
tế.
“Cái được trong nợ xấu của nền kinh tế nước ta là tài sản, có được tài
sản đảm bảo bán được ngân hàng, nhưng tổ chức tín dụng lại rất khó vì bán cho
nước ngoài thì vướng trần room nhà đầu tư nước ngoài” – đại biểu Quốc phân
tích, đồng thời cho rằng, cần tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia
của các thành phần kinh tế và người dân.
Cũng theo đại biểu, Phạm Phú Quốc, nếu tài sản bảo đảm là chiếc xe hơi
thì các hãng kinh doanh vận tải như Uber, Grab, taxi và người dân sẽ quan
tâm. Thị trường không chỉ dành cho tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu mà các thành
phần kinh tế khác đều tham gia.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) thì cho rằng, giải quyết nợ xấu cần sự
vào cuộc của khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Chính
phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ
xấu, bán theo giá thị trường và công khai minh bạch.
Muốn nghị quyết khả thi và có sự đồng thuận cao, theo đại biểu Vũ Thị
Lưu Mai (Hà Nội), nên hình dung trước khó khăn thách thức để có giải pháp phù
hợp. Ví dụ như việc xử lý tài sản bảo đảm, cần cân nhắc thêm để hài hoà lợi
ích. Theo nghị quyết, thời hạn thu giữ tài sản tương đối ngắn (10 ngày). Vì
thế, cần có thêm thời gian để người bị thu hồi thu xếp nơi ở mới, nhất là đối
người già, trẻ em.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ViettinBank, ĐBQH Nguyễn Văn Thắng cho rằng,
nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt
động cho vay thì còn nợ xấu. Theo ông Thắng, nợ xấu cao, đột biến đến mức
phải có sự can thiệp của Nhà nước, có nguyên do xuất phát từ các cú sốc của
nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở nhiều quốc gia.
Đại biểu ngành ngân hàng nêu con số, mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực
xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức
chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có nợ xấu hơn
10% mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đây là sự nỗ lực rất lớn của
Đảng, Nhà nước.
“Trong số 600 ngàn tỷ
đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có
10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ
chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ
thống tổ chức tín dụng. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để phục
vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế. Số tiền này có thể làm
được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội
đang bàn”, ông Thắng nêu.
(Theo Tiền phong) Luân Dũng
|
Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét