Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Tàu sắt đắp chiếu: Phải chăng doanh nghiệp đi đêm với ngư dân để chạy tội?

Cập nhật lúc 11:15

 

(Tin tức thời sự) - Sau khi Bình Định đề nghị CA vào cuộc vụ tàu sắt đắp chiếu đã xuất hiện thông tin nhà máy đóng tàu đi đêm với chủ tàu, yêu cầu rút đơn.
Bất ngờ hỗ trợ ngư dân
Vụ việc hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Định bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng khiến dư luận bức xúc nhiều ngày qua.
Sáng 9/6, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, đã gọi điện chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Đáng chú ý, sau thông tin trên được đưa ra, bắt đầu xuất hiện nghi vấn các nhà máy đóng tàu “đi đêm” với chủ tàu vỏ thép yêu cầu rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định độc lập.
Chia sẻ với báo chí, nhiều ngư dân như khẳng định, phía Công ty Nam Triệu đã đề nghị họ ký vào “văn bản thỏa thuận và cam kết” với đề nghị im lặng, không khiếu nại, từ chối thẩm định tàu hỏng.
 Tau sat dap chieu: Phan ung la cua doanh nghiep
Văn bản thỏa thuận và cam kết với ngư dân. Ảnh: TTO
Văn bản trên được lập vào ngày 3/6, tức là trước thời điểm tổ thẩm định độc lập tiến hành kiểm tra các tàu gồm 3 bên.
Bên A là Công ty Nam Triệu do ông Bùi Hữu Hùng, phó tổng giám đốc làm đại diện. Bên B là Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (đơn vị cấp máy để lắp vào tàu vỏ thép) do ông Lê Hoàng Phong, giám đốc Công ty làm đại diện. Còn bên C là các ngư dân.
Theo phản ánh, người dân sẽ được hỗ trợ khoản tiền khoảng 200 triệu đồng, có hộ lên tới 500-600 triệu đồng từ 2 Công ty này để đổi lấy việc rút xong toàn bộ nội dung kiến nghị vào ngày 5/6/2017 tại Sở NNPTNT Bình Định và các cơ quan liên quan.
Thậm chí, văn bản này còn quy định, sau khi ngư dân nhận đủ tiền sẽ không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với  2 Công ty trên, tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung đơn kiến nghị  đã gửi đến công ty và các cơ quan có liên quan. Đặc biệt, ngư dân còn phải cam kết không khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và tuyệt đối không cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan cho các cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên khi lên tiếng giải thích về vấn đề này, ông Bùi Hữu Hùng đã phủ nhận toàn bộ thông tin đi đêm với ngư dân khiến 8 chủ tàu làm đơn rút khiếu nại.
 Tau sat dap chieu: Phan ung la cua doanh nghiep
Tại cuộc đối thoại với ngư dân, đại diện ủy quyền phân phối máy Doosan tại VN cho rằng nguyên nhân hư hỏng phần nhiều do chủ tàu đã vận hành sai hướng dẫn.
“Chúng tôi thấy tàu của ngư dân hỏng, thời gian nằm bờ dài, sửa chữa lâu nên công ty hỗ trợ. Ngư dân thiệt hại thực tế thì hỗ trợ thế thôi chứ không "đi đêm" gì đâu”, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Hùng khẳng định.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Nguyên - giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương cho biết, việc trả thêm tiền cho ngư dân là hỗ trợ để các hộ này đưa tàu đi sửa chữa, ăn ở trong thời gian sửa tàu.
Trước sự mập mờ của 2 Công ty trên, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải yêu cầu Công an điều tra những khuất tất, khả năng có chuyện "đi đêm" đằng sau những con tàu vỏ thép mới đóng xong đã hư hỏng nặng.
Hỏng hóc phải thông báo cho hãng
Thái độ trên của 2 doanh nghiệp trên hoàn toàn trái ngược với những gì từng diễn ra trong buổi đối thoại trực tiếp với người dân được tổ chức hôm 26/5 tại Bình Định.
Vào thời điểm đó, ông Bùi Thanh Hải - đại diện ủy quyền phân phối máy Doosan tại Việt Nam cho rằng nguyên nhân hư hỏng phần nhiều do chủ tàu đã vận hành sai hướng dẫn.
Trong khi đó ông Chulhe Jeong - trợ lý tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của Doosan lại nói khi có sự cố, ngư dân phải lập tức báo với hãng máy để lắp các thiết bị phù hợp, không nên tự ý làm khi chưa có chỉ dẫn.
Dù người dân bức xúc tuy nhiên đại diện Doosan vẫn khẳng định sẽ chỉ bảo hành thay mới phụ tùng từng bộ phận chứ không thay máy mới cho ngư dân.
Đáng chú ý, tại thời điểm phát hiện sự cố, các chủ tàu đã làm đơn và liên lạc nhiều lần với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng như Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Tuy nhiên theo chia sẻ của ngư dân, cơ sở đóng tàu chỉ cử cán bộ kỹ thuật sửa chữa các hư hỏng nhẹ, chưa thực hiện bảo hành vỏ tàu. Đặc biệt, các Công ty trên còn tìm cách đổ lỗi cho người dân và chối bỏ trách nhiệm.
Thông tin với báo chí, Phan Trọng Hổ, Giám đóc Sở NNPTNT Bình Định cho hay, sau khi nghe các kiến nghị của ngư dân, các Công ty đóng tàu cho rằng việc tàu cá bị hư hỏng là do ngư dân bảo dưỡng, bảo trì tàu không phù hợp. Bởi trước kia bà con sử dụng tàu vỏ gỗ quen với quy trình 6 tháng mới bão dưỡng, còn bây giờ tàu vỏ thép thì khi đi về phải bảo dưỡng ngay.
Rút đơn cũng phải điều tra
Ông Teddy Trương Thưởng, đại diện của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) tại Singapore, cho hay, các kỹ sư của hãng đã kiểm tra và phát hiện máy chính và máy phát điện mang nhãn Mitsubishi của 8 chiếc tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng cho ngư dân Bình Định có dấu hiệu bị cải hoán.
Chia sẻ với Đất Việt chiều 10/6 về thông tin này, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cảm thấy rất bức xúc. Theo ông Lăng, vụ việc đã đến nước này, cần phải giao cho cơ quan công an, xử lý hình sự.
"Cơ quan chức năng cần làm rõ những nghi vấn xung quanh vấn đề này. Ngay cả khi người dân rút đơn kiện thì các ban ngành có liên quan vẫn phải điều tra chân tướng sự việc cho rõ ràng", ông Lăng nói thêm.
(Theo Đất Việt) Hà Đông tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét