Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Nhà báo Trần Mỹ và câu chuyện “dấn thân”
Cập nhật lúc 10:21 
Kì 1:

Trước khi về Báo Người cao tuổi, nhà báo Trần Mỹ đã nổi tiếng trong làng báo với loạt phóng sự sắc bén điều tra vụ án rừng Tánh Linh, Kì án Vườn Điều và Giải án oan cho ông Huỳnh Văn Nén; được nhiều người dân đặt biệt danh là “Ma Bình Thuận”. Từ năm 2012, Trần Mỹ chọn Báo Người cao tuổi làm đất dụng võ…

Báo Người cao tuổi - “Đất dụng võ” của “Ma Bình Thuận”
Báo Người cao tuổi có thương hiệu trong làng báo, bởi tụ hợp được các cây bút có danh về đầu quân, trong số đó có Trần Mỹ, người 20 năm trước nổi tiếng với loạt phóng sự điều tra Vụ án rừng Tánh Linh.
Năm 17 tuổi, Trần Mỹ tham gia lực lượng thanh niên xung phong mở đường trên nước bạn Lào, rồi trở thành lính công binh của Đoàn 559. Rời tay súng, yêu thích nghề viết báo, ông trở phóng viên Báo Thuận Hải. Hơn 7 năm ở tòa soạn này, sau những năm tháng đổi mới, ngòi bút của Trần Mỹ không chỉ viết những bài báo khen ngợi, mà còn chỉ rõ những sai phạm của một số người có chức có quyền trong cơ chế “mở cửa”.
Những bài báo này tòa soạn khó dùng, “không có đất dụng võ”, ông bỏ nghề báo từ năm 1987, để làm nghề khác. Nhưng duyên nghiệp cứ theo bám riết, khiến ông trở thành người viết báo tự do từ năm 1994, thường xuyên cộng tác với Báo Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Lao động, Văn nghệ, Pháp luật…
 Như một cơ duyên, ông về “đầu quân” cho Báo Người cao tuổi, cùng các phóng viên Trọng Thắng (biệt danh Lưu Gù, tác giả của loạt bài viết “Sóng gió Cồn Vành”, đô thị Trần Lãm ở Thái Bình), Xuân Đương (biệt danh “Cọp xám” Khánh Hòa), giờ thêm Trần Mỹ biệt danh “Ma Bình Thuận”, và những đồng nghiệp cùng chí hướng như các nhà báo Mạc Hồng Kỳ, Quang Sơn, Chính Hạnh, Quang Thắng, Hải Hưng, Hoàng Linh, Nghiêm Thị Hằng, Kiều Liệu, Mạnh Quân… góp phần làm nên thương hiệu Báo Người cao tuổi
Nếu Báo Người cao tuổi là đất dụng võ, thì Trần Mỹ – người con sinh ra trên quê hương Hà Tĩnh, sau nhưng năm tháng trôi dạt bôn ba giữa cuộc đời, đã dừng chân ở Bình Thuận, miền đất này trở thành quê hương thứ hai của ông. Sóng gió từ đất này đã nhào nặn nên cây bút Trần Mỹ. Sắc sảo và quyết liệt khi đối diện với những vấn đề hóc búa của xã hội, từ Vụ án rừng Tánh Linh, ông “khui” vụ phá rừng lớn nhất lịch sử.

Phòng Pháp luật - Bạn đọc Báo Người cao tuổi (Trần Mỹ- người mặc áo trắng đeo cà vạt kẻ
Phòng Pháp luật – Bạn đọc Báo Người cao tuổi (Trần Mỹ- người mặc áo trắng đeo cà vạt kẻ
 Rồi oan nghiệt trong vụ án giết người xui khiến ông vướng vào chữ tâm mà “ngược dòng” phá Vụ án Vườn Điều vào năm 2006. Trải 10 năm gian truân phá án, được sự hỗ trợ của những người bạn tốt, bằng tấm lòng trong, nhà báo Trần Mỹ đã nhìn ra toàn bộ sự giả dối và giải oan án 17 năm cho ông Huỳnh Văn Nén. 
Có đất dụng võ, Trần Mỹ lại tiếp tục dấn thân vào “tâm bão” của đời sống, chỉ ra những khuất tất trong việc giải tỏa, đền bù một số dự án; đến với những phận đời đang chịu nhiều bất công, cùng họ bước về phía ánh sáng công lí. Giờ tuy lớn tuổi, nhưng sự xông xáo và sắc sảo của ông vẫn nguyên vẹn tinh thần của người cựu chiến binh.
Vụ án rừng Tánh Linh – chiến công đầu
Còn nhớ đầu năm 1997, khi tôi còn là phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nghe danh nhà báo Trần Mỹ dũng cảm phá vụ án rừng Tánh Linh. Nghe mà ngưỡng mộ, bởi chính tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam, những phóng viên bảo vệ rừng, gần với Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, nhưng với rừng xa xôi lắm, nên rừng Tánh Linh chảy máu mà phóng viên không biết, bộ ngành không hay.
Ngày ấy, đầu năm 1997, phương tiện đi lại còn khó khăn, cuộc sống cũng khó khăn, gia đình Trần Mỹ đang định cư ở Phan Rang (Ninh Thuận). Nhận được đơn ông Nguyễn Tăng Thắng tố cáo vụ phá rừng Tánh Linh, Trần Mỹ vượt trên 300 km vào tận Tà Pao tìm gặp ông Thắng để rồi nhà báo và người dân cùng lên rừng theo dấu lâm tặc.

Cuộc hội ngộ của ông  Đặng Văn Hải, Trần Mỹ, Kim Quốc Hoa và ông Nguyễn Thận năm 2012
Cuộc hội ngộ của ông Đặng Văn Hải, Trần Mỹ, Kim Quốc Hoa và ông Nguyễn Thận năm 2012

Vào thời điểm này, rừng Tánh Linh là lãnh địa của “hùm xám miền Đông” Đinh Mạnh Hổ. Bài “Bình Thuận: Một vụ phá rừng vô địch quốc gia” của Trần Mỹ đăng trên Báo Lao Động gây xôn xao dư luận cả nước. Ông là người “nổ phát súng” đầu tiên vào lâm tặc phá rừng Tánh Linh, để rồi sau đó một số báo chí cũng vào cuộc tìm ra tang vật hàng trăm bãi gỗ với hàng nghìn m3.
Vụ án được khởi tố, theo lời khai của “hùm xám miền Đông” với vỏ bọc Giám đốc Xí nghiệp tư doanh Hồng Hà (Đồng Nai), lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng khai thác gỗ thuê để khai thác và tiêu thụ trên 53.000 m3 gỗ trái phép tại khu rừng bảo tồn thiên nhiên Biên Lạc – Núi Ông và rừng phòng hộ Trị An thuộc lâm trường La Ngà, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Đường dây phá rừng của Hổ được “thông đồng bén giọt” là nhờ có sự tiếp tay đắc lực của một số quan chức trong ngành lâm nghiệp tỉnh Bình Thuận. Năm 1999, tòa tuyên xử 36 bị cáo phải nhận mức án từ 6 đến 22 năm tù. Một số quan chức đầu tỉnh bị kỉ luật, cho nghỉ hưu hoặc mất chức…  
Năm 2008, cái năm nhân duyên đưa Trần Mỹ về với Báo Người cao tuổi, cũng là hơn 11 năm sau vụ án rừng Tánh Linh. Vết thương rừng xưa đã lành với màu xanh lá mới, nhưng những vụ phá rừng như kiểu Tánh Linh đây đó vẫn tiếp diễn chưa dừng.
Nhớ lại vụ án này, ông Đặng Văn Hải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kể: “Sau vụ rừng Tánh Linh, tôi chơi thân với Trần Mỹ, không ít người lấy làm lạ hỏi sao lại kết thân với kẻ đã “đánh” mình ngã ngựa? Tôi nói: “Nó “uýnh” tôi nhưng “uýnh” trúng. Tôi phục nó vì sự vô tư, không vụ lợi mà đặc biệt là lòng dũng cảm… Khi làm chủ tịch tỉnh, tôi có uy lắm, không anh nào dám đụng. Khi đó nó làm báo tự do vậy mà “uýnh” tôi lên bờ xuống ruộng, đến nỗi mất chức chủ tịch tỉnh…Tôi còn phải cảm ơn nó, nếu không bị mất chức thì rất có thể sau đó tôi sẽ tiếp tục sa lầy chưa biết hậu quả ra sao”.
(Còn nữa)
(Theo ngaymoionline.vn) Nghiêm Thị Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét