Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

TS Lê Xuân Sang: Formosa được nuông chiều quá mức
Cập nhật lúc 08:39
(Doanh nghiệp) - “Formosa sau khi được “trải thảm đỏ Ba Tư” đón tiếp còn được nuông chiều theo kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Đó là chia sẻ của TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam với Đất Việt trước thông tin Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết hoàn thuế GTGT cho Formosa Hà Tĩnh gần đây. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
PV: - Trong báo cáo vừa trình Bộ tài chính, Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2016, Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết hoàn thuế GTGT cho Formosa Hà Tĩnh 13.483,4 tỷ đồng (trong đó có 1.459,4 tỷ đồng ghi thu ngân sách, ghi chi hoàn thuế).Bên cạnh đó, công ty này cũng nhận được nhận hàng loạt ưu đãi khác sau sự kiện xô xát xảy ra ngày 13/5/2014. 
Ông bình luận như thế nào về sự kiên trên? Theo ông, đây có phải là minh chứng cho việc các doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi?
TS Lê Xuân Sang: - Như ta đã biết, Formosa là một trường hợp hiếm có. Ngành thép tuy không phải là ngành được khuyến khích (luyện thép là ngành công nghệ không cao, có rủi ro lớn trong gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng; đặc biệt, doanh nghiệp được cấp phép đầu tư trong bối cảnh đã được cảnh báo về rủi ro môi trường và tai tiếng của doanh nghiệp này. Dẫu vậy, Famosa vẫn được “trải thảm đỏ Ba Tư” ở Việt Nam, nhất là thời gian cấp phép hoạt động lên tới 70 năm.
Việc Cục thuế Hà Tĩnh hoàn thuế GTGT và đền bù nếu đúng như con số trên là rất lớn, lại thực hiện trong trong thời gian ngắn (so với các doanh nghiệp trong nước và có thể nhanh hơn các doanh nghiệp FDI khác) cho Formosa lại lần nữa cho thấy, Formosa thậm chí còn được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Hơn nữa, việc Formosa  yêu cầu được xây tháp tâm linh, đã không tạo thuận lợi ngay cho Đoàn kiểm tra Môi trường khi phát hiện sai phạm, với những phát biểu của người đại diện rất phản cảm… càng cho mức độ chiều chuộng quá mức doanh nghiệp này.
Sự việc trên cũng phần nào cho thấy công tác quản lý nhà nước của Việt Nam còn nhiều bất cập trên các phương diện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình một cách kịp thời cũng như cách thức thu hút đầu tư FD (tôi sẽ nói sau).
Vấn đề ở đây là cần công khai, làm rõ hơn cụ thể các khoản hoàn trả thuế, đền bù,..là từ những khoản nào, giá trị bao nhiêu?
 TS Le Xuan Sang: Formosa duoc nuong chieu qua muc
TS Lê Xuân Sang trao đổi với Đất Việt. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Người đóng thuế Việt Nam bình thường có quyền đặt câu hỏi, Liệu số tiền thuế tôi đã đóng có liên quan gì không tới những khoản hoàn thuế kếch sù cho việc nhập khẩu thiết bị lạc hậu, số hóa chất độc hại để xử lý chất thảicủa Famosa và cho chi phí xử lý chất thải song vẫn còn độc hại và được chôn, vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam hay không?  Đây là những vấn đề cần làm rõ để vừa tái tạo lòng tin của dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như xây đắp dần nền quản trị nhà nước công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về cách xử lý của Tổng cụ thuế, tôi nghĩ là phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các thỏa thuận, công ước đầu tư quốc tế mà Việt Nam tham gia.
PV: - Từ trường hợp của Formosa, có ý kiến cho rằng Việt Nam rải thảm đỏ để thu hút FDI nhưng cuối cùng chẳng nhận được gì nhiều mà vô hình chung gây mất công bằng, ép chết doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Ông có đồng tình với một mức độ nào đó với những nhận định trên hay không?
TS Lê Xuân Sang: Theo thông tin chưa đầy đủ của tôi, nhìn chung các doanh nghiệp FDI, nhất là công ty đa/xuyên quốc gia đựợc trải thảm đỏ ở Việt Nam để chào đón và sau đó có thể được chiều chuộng như tôi đã nói. Sự “mến khách này” đôi khi mang tính thái quá, không tính đến các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút, hay không khuyến khích.
Nguyên nhân của sự mến khách này chủ yếu có thể do chủ nghĩa thành tích (mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa) của các địa phương, có phần quan trọng do mong mỏi có nguồn thu cho NSNN và tạo việc làmở địa phương và các kỳ vọng về lợi ích cá nhân khác. Thực tế là các tỉnh nghèo, xa các trung tâm kinh tế và chịu các bất lợi thế khác như Hà Tĩnh thì động lực này càng lớn. Công bằng mà nói, Formosa đã góp phần quan trọng biến Hà Tĩnh  từ tỉnh phụ thuộc (nhận ròng) vào Ngân sách Trung ương sang tỉnh nộp ròng Ngân sách cho Trung ương.
Tuy nhiên, cũng không nên đánh đồng các doanh nghiệp FDI lớn trên khía cạnh có tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam mặc dù đều được hưởng ưu đãi lớn.
Hãy so sánh Formosa với Samsung. Ngay từ khi xin phép đầu tư, có thể thấy Formosacó thể gây rủi ro cho môi trường (doanh nghiệp này đã có nhiều tai tiếng tại Đài Loan và nhiều nước trên thế giới), có thể đe dọa an ninh năng lượng, và an ninh kinh tế cho ngành thép Việt Nam.
Công bằng mà nói, tiềm năng và kỳ vọng từ việc doanh nghiệp này trong xây dựng, cải tạo hệ thống cảng sâu tại Sơn Dương – Vũng Áng (nhằm giảm giá thành vận chuyển cho Formosa) và có tầm quan trọng khu vực có thể là nguyên nhân khiến việc quyết cấp phép cho doanh nghiệp này dễ dàng hơn.
Trong khi đó, Samsung cũng được ưu đãi rất lớn, song ngành đầu tư là công nghệ cao, giá trị gia tăng cao (mặc dù Việt Nam được hưởng không nhiều), song tác động lan tỏa tích cực tiềm tàng của doanh nghiệp này là lớn hơn trong dài hạn. Đáng nói là Sumsung đã thành lập Trung tâm R & D, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng cho Việt Nam – điều quan trọng giúp tác động của FDI tích cực lên doanh nghiệp trong nước. Intel cũng được ưu đãi lớn và cũng đang theo cách tiếp cận của Samsung đối với nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, các doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực công nghệ cũng được hưởng nhiều ưu đãi, tuy vậy đóng góp tổng thể, trong dài hạn có thể là lớn hơn nhưng ưu đãi mà Việt Nam ưu tiên. Các doanh nghiệp kiểu như Formosa (theo nghĩa có rủi ro ô nhiễm song được ưu đãi)phải là nhóm doanh nghiệp cần lưu ý trong quản lý phát thải ô nhiễm. Bài học từ Công ty Vedan, từ việc được tuyên dương đã ngay sau đó trở thành “tội đồ về môi trường” (đã xử lý vi phạm và doanh nghiệp sửa sai) đến nay có thể vẫn còn nguyên giá trị.
PV: - Đầu tư FDI hiện nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên nhìn vào hiệu quả thu hút FDI trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy, Việt Nam vẫn chưa tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng, mối liên kết cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh hội nhập hóa, toàn cầu hóa như hiện nay, theo ông chúng ta cần thay đổi chính sách đối với FDI như thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước?
TS Lê Xuân Sang:- Nhìn chung với các nước đang phát triển, nội lực yếu như Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, để phát triển kinh tế phần lớn phải dựa vào FDI. Tuy nhiên không phải nước nào cũng vậy. Chẳng hạn như Hàn Quốc, năng lực nội sinh của họ rất lớn. Theo tính toàn của tôi, tính từ năm 1966 đến năm 2014, FDI vào nước này chỉ tương đương 0,5% GDP, thể hiện nội lực của họ lớn cũng như sự chú trọng khai thác nội lực và không ỷ lại quá mức vào FDI.
Trong đó thì Trung Quốc, các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam mức độ lệ thuộc vào FDI rất lớn.
Với Trung Quốc thì thời gian đầu họ cũng “trải thảm đỏ” để thu hút FDI nhưng cách đây khoảng 10 năm họ bắt đầu không chào đón nữa, thậm chí một vài trường hợp họ còn ngược  đãi. Dẫu vậy, đến nay, thảm họa môi trường vẫn còn rất lớn trong đó có sự ‘góp sức’ của FDI.
Từ những kinh nghiệm quốc tế và vấn đề thực tiễn Việt Nam trên, lần nữa, cho thấy (như tôi đã cảnh báo nhiều lần) đã đến lúc Việt Nam không nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Chúng ta cần thu hút FDI cẩn trọng hơn trên các phương diện khác nhau, quan trọng nhất làcần phân tích, xem xét động cơ chính của nhà đầu tư, nhất là các dự án FDI lớn đến Việt Nam là gì? Qua đó mới cần xem xét mức độ ưu đãi phù hợp.
Thông thường, FDI vào các nước với 7 động cơ khác nhau. Đầu tiên là động cơ nâng cao hiệu quả hoạt động, thường là để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Đây là động cơ phổ biến nhất của FDI vào Việt Nam. Thứ hai là tìm kiếm thị trường (nhất là quy mô thị trường tiêu thụ). Thứ ba là động cơ tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, nguyên liệu thô). Thứ tư là tìm kiếm tài sản chiến lược (M&A).
Thứ năm là mục tiêu đầu tư có phải là “đất lành cho dự án ô nhiễm đậu”hay không? (nơi pháp luật và hiệu lực về phát thải ô nhiễm môi trường lỏng lẻ, yếu kém). Thứ sáu là liệu rằng chiến lược đầu tư  của họ có phải là chiến lược địa kinh tế hay không? (ví dụ, chiến lược Trung Quốc cộng (+), Thái Lan cộng (+) nhằm phân tán rủi  ro); và cuối cùng (7) là động cơ chính trị.
Với cách tiếp cận phân loại loại hình động cơ đầu tư này, Formosa là dự án gang, thép (cần rất nhiều vốn) và rủi ro ô nhiễm cao (độ sạch của chất thải tỷ lệ nghịch với lợi nhuận) thì động cơ lớn nhất của họ vào Việt Nam có thể là động cơ 5, sau đó có thể là động cơ 2 và 7. Việc xác định được các động cơ chủ yếu của các dự án, cùng tiểu sử của DN, có thể giúp chúng ta xác định mức độ ưu đãi cho doanh nghiệp, tránh ưu đãi quá mức để thu hút.
Vấn đề chính sách thứ hai là ưu đãi về thuế quá mức không phải lúc nào cần thiết và có công lực để thu hút được luồng vốn. Lý do là nhiều trường hợp  doanh nghiệp FDI vẫn phải trả thuế chi chính quốc rất cao nên “hiệu lực” của ưu đãi có thể không lớn như ta nghĩ.
Hơn nữa, có thể có trường hợp doanh nghiệp hết hạn ưu đãi lại chuyển sang tên khác để hưởng ưu đãi nên nguồn thu thuế kỳ vọng sau khi hết ưu đãi Việt Nam vẫn mãi mãi không thu được như dự tính ban đầu. Bên cạnh dó, những thủ thuật chuyển giá có thể phát sinh từ việc ưu đãi quá mức này.
Tiếp theo là về dư địa chính sách liên quan tới “ép” DN FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Quy chế thành viên WTO và các FTA (nhất là TPP), về mặt pháp lý (de jure),đã và đang thu hẹp dư địa hỗ trợ chính sách hỗ trợ DN trong nước và phát triển, bảo hộ ngành, kể cả ép buộc chuyển giao công nghệ. Tuy vậy về mặt thực tế (de facto), vẫn còn dư địa, song cần phải “tinh vi” hơn và thông minh hơn để vừa bảo hộ hữu hiệu doanh nghiệp trong nước, vừa tránh bị nhà đầu tư nước ngoài kiện.
Chính sách FDI trong thời gian tới phải gắn kết và lồng ghép với các chính sách tái cơ cấu, nhất là tạo ra các mối liên kết, các tác động (xuôi, ngược và lan tỏa) với các doanh nghiệp trong nước. Trong những lĩnh vực này thì dư địa vẫn còn.
Biện pháp chính sách quan trọng nhất là xây dựng và thực thi chế tài xử lý về ô nhiễm môi trườngcó hiệu quả và hiệu lực, tránh bị cộng đồng FDI coi Việt Nam là “đất lành” cho ô nhiễm môi trường (sự trừng phạt vi phạm không nghiêm khắc). Với trường hợp Formosa, khi chưa ai kết luận mức thiệt hại do phát thải ô nhiễm là bao nhiêu tiền thì họ tự động nộp luôn 500 triệu USD là một sự kiện khá thú vị.
Cuối cùng song quan trọng không kém là để tránh việc thu hút FDI bằng mọi giá của các địa phương, việc đánh giá thành tích của các chính quyền địa phương cần quân bình(tương đối) các thành tích như kết quả thu hút FDI, bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương; tránh việc đánh giá thành tích theo kiểu chung chung là ‘cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa’, theo cách đó, thu hút FDI bằng mọi giá có thể không những đạt mục tiêu này một cách nhanh nhất mà còn là bình phong che khuất những toan tính trục lợi có thể khác.
Cùng với việc ký kết và thực hiện tốt TPP, việc thực thi hữu hiệu những biện pháp trên thì chính sách FDI mới có sức lan tỏa nhiều hơn đến các nền kinh tế, đặc biệt là giúp doanh nghiệp trong nước liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này, cùng với các chính sách tinh vi và có tầm chiến lược khác, sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trở nên lực lượng trụ cột thực sự của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập mới.
PV: Xin cảm ơn TS Lê Xuân Sang đã trao đổi với Đất Việt!
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hoàn

Thực trạng đang có cái hay là công chức quản lý rất ưu ái doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm ra nhiều tiền, "chịu chơi". Tuy nhiên có cái dở là hầu hết doanh nghiệp "chịu chơi" ấy lại hay làm bậy, vi phạm pháp luật.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét