Kẽ hở lớn trong vụ VPBank bị tố làm mất 26 tỷ đồng
Cập nhật lúc 16:15
(Tài chính) - Chuyên gia
ngân hàng chỉ ra kẽ hở lớn trong việc làm hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản tại
ngân hàng VPBank.
Sai sót lớn trong hồ sơ mở tài khoản
Liên quan đến vụ việc khách hàng tố bị mất 26 tỷ đồng trong tài khoản
mở tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), TS Bùi Quang Tín, giảng viên
khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sự việc đã bộc
lộ kẽ hở trong quy trình kiểm soát giao dịch của VPBank, đặc biệt là ở hồ sơ
gốc đăng ký mở tài khoản.
Cụ thể, hồ sơ mở tài khoản của bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công
ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Quang Huân, tại VPBank bộc lộ rất nhiều
sai sót.
"Nó xuất phát từ chính sách khách hàng VIP của các ngân hàng hiện
nay. Bà Xuân là khách hàng VIP của VPBank nên khi mở tài khoản, bà
này không cần đến ngân hàng, thay vào đó, nhân viên VPBank đem hồ
sơ tới để bà Xuân ký tên, đóng dấu. Tuy nhiên, sau đó, nhân viên này nói quên
mang theo con dấu nên mang hồ sơ của bà Xuân về ngân hàng đóng dấu. Theo đúng
quy trình, sau khi mang hồ sơ về đóng dấu, nhân viên này phải gửi trả lại cho
bà Xuân một bản đăng ký mở tài khoản, nhưng cuối cùng lại chỉ thông báo cho bà
Xuân số tài khoản mà không trả lại chứng từ.
Vì thế, có thể xảy ra khả năng hồ sơ gốc được nhân viên
ngân hàng nói trên "ém" đi và đưa vào kho hồ sơ của ngân
hàng một hồ sơ giả. Việc rút tiền phải căn cứ vào chữ ký gốc, mà chữ ký
gốc đã bị tráo thì tiền bị rút khỏi tài khoản rất dễ dàng.
Về con dấu, không bao giờ giám đốc công ty giữ con dấu, mà thông
thường nó sẽ nằm ở phòng hành chính hoặc phòng kế toán. Trong trường hợp vừa
qua, con dấu của công ty Quang Huân nằm ở phòng kế toán, cho nên chỉ cần có
sự cấu kết giữa phòng kế toán của Công ty Quang Huân và nhân viên VPBank
tráo hồ sơ mở tài khoản của bà Xuân là tiền trong tài khoản có thể biến
mất", TS Bùi Quang Tín phân tích.
"Đây chính là kẽ hở lớn nhất trong vụ việc này. Khả năng rủi ro
thứ hai là sự chủ quan của vị nữ giám đốc. Theo đó, bà
Xuân đã không kiểm tra số dư trong tài khoản một cách thường xuyên.
Số tiền trong tài khoản không hề nhỏ, nên thông thường, các đơn vị
chậm nhất 1 tháng là phải yêu cầu ngân hàng gửi báo cáo số dư tài
khoản cho họ. Ở đây, lỗi của giám đốc Công ty Quang Huân là quá ỷ
lại vào bộ phận kế toán, quá tin người và chủ quan không kiểm tra số dư
thường xuyên", TS Tín chỉ rõ.
Một kẽ hở khác, theo TS Bùi Quang Tín chính là khâu kiểm soát séc.
Trong tài liệu gửi báo chí ngày 27/8, VPBank khẳng định nhân viên của ngân
hàng này - bà Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận
hộ séc theo chỉ định của Công ty Quang Huân; việc mua séc của Công ty Quang
Huân được chính công ty này thực hiện.
Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy thì VPBank cũng đã bộc lộ sai sót trong
khâu kiểm soát séc.
Theo Thông tư số 22/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng và sử
dụng séc (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2016), trong Giấy đề
nghị cung ứng séc trắng phải xác định rõ: người đến mua séc là
chủ tài khoản thanh toán hay là người được ủy quyền sử dụng tài khoản thanh
toán và người được uỷ quyền nhận séc là ai. Đồng thời, giấy đề nghị này cũng
phải có chữ ký đầy đủ của chủ tài khoản/người được ủy quyền và người nhận
séc. Nếu là người được uỷ quyền thì người đó phải có giấy uỷ quyền của chủ
tài khoản, trong đó phải xác định rõ nội dung uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền và
chữ ký của hai bên.
"Tuy nhiên, trong vụ việc của VPBank, tờ séc là bà Xuân
mua, tên của bà Xuân nhưng người ký là ông Phạm Văn Trinh (nhân viên kế toán
công ty Quang Huân). Đối chiếu với Thông tư số 22 thì rõ ràng phía ngân
hàng đã sai ở điểm này. Nếu là chữ ký của ông Trinh thì
phía dưới chữ ký đó phải để tên ông này chứ không phải tên bà Xuân. Và
như thế, ông Trinh bắt buộc phải có giấy ủy quyền hợp pháp của bà Xuân
và ông này phải có chữ ký mẫu tại ngân hàng VPBank. Chưa kể, trong phần kiểm
tra Chứng minh nhân dân (CMND), nếu tờ séc để tên bà Xuân thì phải có
CMND của bà Xuân, chứ không thể đưa CMND của ông Trinh ra được.
Từ đây, có thể thấy ngân hàng đã không kiểm soát đầy đủ các
yếu tố này và không hiểu vai trò của kiểm soát viên nằm ở đâu?", TS
Bùi Quang Tín đặt câu hỏi.
Cũng trong tài liệu gửi cho báo chí ngày 27/8, VPBank có dẫn thêm một
chi tiết nữa liên quan đến sự việc.
Đó là ngày 30/7/2015, bà Xuân có thực hiện thay đổi chữ ký chủ tài
khoản công ty Quang Huân tại VPBank và sau đó có thực hiện một loạt giao dịch
trong tháng 8/2015 như: ngày 6/8/2015, nhận chuyển khoản từ cá nhân bà Xuân;
ngày 17/8/2015, chuyển tiền cho tài khoản Trần Thị Thanh Xuân
Các thay đổi, biến động số dư tài khoản của các giao dịch kể trên vẫn
tiếp tục được VPBank gửi SMS tới số điện thoại 097XXX9993 bà Xuân đang sử
dụng. Tại biên bản làm việc với VPBank ngày 30/10/2015, bà Xuân thừa nhận bắt
đầu từ ngày 6/8/2015 nhận được tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tài
khoản.
Tuy nhiên, TS Bùi Quang Tín cho rằng, đây là câu chuyện khác, VPBank
đã làm sai quy trình so với quy định trong Thông tư 22 và không thể nào lấp
liếm chuyện này.
Lỗ hổng chung và sự khác biệt
Theo TS Bùi Quang Tín, lỗ hổng nói trên không chỉ phổ biến ở các ngân
hàng của Việt Nam mà trên thế giới cũng mắc phải.
"Chính sách phục vụ khách hàng VIP không chỉ có ở Việt Nam mà đã
có từ lâu ở các nước trên thế giới. Hầu như ngân hàng nào cũng có bộ phận
chăm sóc khách hàng VIP, các khách hàng VIP không cần tới giao dịch trực tiếp
tại ngân hàng, thay vào đó, mỗi lần giao dịch, nhân viên chăm sóc khách hàng
VIP sẽ tới tận nơi của khách hàng. Đó là điều hoàn toàn bình
thường và vấn đề không nằm ở chỗ đó.
Quy trình của các ngân hàng nước ngoài làm rất chặt chẽ, dù quy định
của họ cũng tương tự như Thông tư 22 nói trên. Có thể nói, quy định pháp luật
của Việt Nam chặt chẽ vì được học hỏi và nghiên cứu từ các quy định của
nước ngoài nhưng việc áp dụng của các ngân hàng, cụ thể là của các nhóm
nhân viên chăm sóc khách hàng VIP, rất lỏng lẻo.
Ở ngân hàng nước ngoài không có chuyện đó. Chăm sóc khách hàng VIP là
do chính sách chăm sóc khách hàng VIP của ngân hàng đặc biệt hơn khách hàng
khác, chứ không có chuyện nhân viên ngân hàng được vi phạm quy định pháp luật
để chăm sóc khách hàng VIP. Đó là sự khác biệt giữa ngân hàng nước ngoài
và ngân hàng trong nước", TS Tín cho biết.
Ông cũng chỉ rõ, khi tiền trong tài khoản của khách hàng bị "bốc
hơi", các ngân hàng nước ngoài thường trích một khoản từ quỹ rủi ro bồi
thường trước. Quỹ này được sử dụng trong trường hợp: vụ việc đang nằm trong
quá trình điều tra của cơ quan điều tra; chưa xác định được lỗi của ngân hàng
hay khách hàng mà hồ sơ đang nằm tại ngân hàng, chưa chuyển qua cơ quan điều
tra. Để uy tín của ngân hàng không bị ảnh hưởng, thông thường ngân hàng
sẽ trích ra số tiền bằng 20-50%, thậm chí 70% số tiền bị thất
thoát để tạm ứng cho khách hàng.
Trong vụ việc của VPBank, TS Bùi Quang Tín ghi nhận đại diện
của ngân hàng đã tuyên bố sẽ phối hợp với cơ quan điều tra nhưng đó là chuyện
hiển nhiên và các bên liên quan đến vụ việc
cũng đều đang làm việc với cơ quan điều tra.
"Theo Điều 622 Bộ luật Dân sự 2005, pháp nhân phải có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nhân viên gây ra trong khi thực hiện công việc
được giao, và có quyền yêu cầu nhân viên có lỗi trong việc gây thiệt hại phải
hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Điều đó có nghĩa là, trong thời gian làm việc tại ngân hàng, nếu nhân
viên làm sai các quy định về cấp phát séc và duyệt séc để chi tiền theo yêu
cầu trên séc cũng như kiểm tra quá trình đó và làm cho khách hàng bị thiệt
hại thì ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Sau đó, nếu
việc gây thiệt hại đó cho khách hàng là từ lỗi của nhân viên thì ngân hàng có
quyền đòi nhân viên bồi thường các thiệt hại lại cho ngân hàng", TS Tín
nhận xét.
Khẳng định ngân hàng Việt phải học hỏi cách xử lý khủng hoảng của ngân
hàng nước ngoài, TS Tín cũng cảnh báo nguy cơ niềm tin của người dân đối với
các ngân hàng trong nước bị lung lay và tiền của người Việt sẽ chảy vào
các ngân hàng nước ngoài.
Bởi thế, ông lưu ý, bên cạnh việc rà soát lại quy trình
giao dịch, các ngân hàng phải rà soát lại trình độ nghiệp vụ của nhân viên,
đặc biệt việc triển khai chính sách chăm sóc khách hàng VIP của ngân hàng.
"Chính sách chăm sóc khách hàng VIP cũng như việc thành lập bộ
phận chăm sóc khách hàng VIP hiện nay đã thành một trào lưu nhưng chất
lượng dịch vụ, việc tuân thủ các quy trình của nội bộ ngân hàng chưa theo kịp
thị trường. Thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng VIP phải chuẩn bị kỹ
càng từ vấn đề nhân sự, tới quá trình đào tạo, theo dõi quá trình chăm sóc
khách hàng VIP của nhân viên ra sao, chứ không phải để họ muốn làm gì
thì làm", TS Tín nhấn mạnh.
(Theo
Đất Việt) Thành
Luân
|
Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét