Nhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật?
Cập nhật lúc
08:45
Tranh biện
trong quá trình tố tụng cần phải được tất cả các bên tham gia tuân
thủ ngay từ khi quá trình tố tụng bắt đầu.
Một số vụ án ma túy
đã xử có sự khác biệt lớn giữa cáo trạng của Viện Kiểm sát và
bản án tuyên tại tòa. Có những vụ kẻ cầm đầu đường dây ma túy
lĩnh án nhẹ hơn “đàn em”, trong khi đàn em bị tử hình thì kẻ cầm
đầu lĩnh án chung thân.
Vào tháng 1/2004 Tòa
án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án Dũng “đui” cùng đồng
bọn mua bán vận chuyển ma túy.
Tội phạm trong đường
dây ma túy lớn này đã trực tiếp mua bán hơn 10 kg heroin, gây hậu
quả vô cùng nghiêm trọng.
Viện Kiểm sát đề
nghị 4 án tử hình nhưng phiên sơ thẩm chỉ tuyên 3 án, Dũng “đui”
thoát án tử vì lý do thành khẩn khai báo.
Ngày 22/8/2016, Tòa án
Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử đường dây mua bán 213 bánh
heroin do Cao Trí Trung (49 tuổi, quê Bình Định) và 13 đồng phạm thực hiện.
Viện Kiểm sát Nhân dân
thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố đã đề nghị 6 án tử hình và
3 án chung thân.
Sau hai ngày xét xử
và nghị án tòa chỉ tuyên phạt hai bị cáo Trần Tuấn An, Lê Nguyễn
Hoàng Anh án tử hình, bảy bị cáo (trong đó có Cao Trí Trung) bị
tuyên chung thân và một số án tù khác.
Vì sao một số vụ án
có sự khác biệt lớn giữa cáo trạng của Viện Kiểm sát với mức
hình phạt tòa dành cho các bị cáo?
Vấn đề có phải chỉ
do nhận định của những cá nhân tham gia vụ việc cụ thể hay còn do
cách thức lâu nay của các bên tham gia tố tụng chưa bám theo quy định
tranh tụng trong Hiến pháp?
Khoản 5 điều 103 Hiến pháp sửa đổi năm 2013
quy định "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm".
Thuật ngữ “tranh tụng” có thể hiểu
là sự tổng hợp của hai yếu tố: “tranh biện” trong “quá
trình tố tụng”.
Quá trình tố tụng
được bắt đầu từ khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị
can, tiếp đó Viện Kiểm sát ra cáo trạng chuyển sang Tòa án xét
xử.
Điều này cũng có
nghĩa ngay từ khâu điều tra đã phải có tranh biện.
Một khi đã có “tranh
biện” trong “quá trình tố tụng” thì có nghĩa là cơ quan điều tra
phải thận trọng trước khi ra quyết định khởi tố.
Khoản 1 điều 179 Luật Tố tụng hình
sự 2015 quy định: “Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can” chỉ
khi “có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện
hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm”.
Thực tế cho thấy không ít trường hợp
cơ quan điều tra “không muốn khởi tố, không được khởi tố” khi
một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là
tội phạm?
Có thể đưa ra một vài
ví dụ về ý kiến này:
Vụ việc liên quan đến ông Phí Thái Bình
và cộng sự, cơ quan điều tra đã xác định tội danh của nhóm người
này, chỉ do quyết định của “Liên ngành tư
pháp” mà bên Kiểm sát không thể ban hành cáo trạng và
đương nhiên phiên tòa không được mở. Nguyên tắc tranh tụng theo nghĩa
“tranh biện khi tố tụng” chỉ thực hiện nửa vời ở khâu điều tra?
Ở đây có thể thấy quy
định trong Hiến pháp đã bị “Liên ngành tư pháp” bác bỏ, nói cách
khác, một “cơ cấu quyền lực” lập ra không dựa vào bất kỳ điều
luật nào lại có thực quyền đứng trên cả Hiến pháp? Điều này phải
chăng do nhận thức của công chức hay do bất cập về thể chế?
Ví dụ thứ hai liên quan đến tội “truy
cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong vụ quán “Xin Chào”,
“lều vịt” ở Bình Chánh hay tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự
người có tội” đối với bị cáo Yee Lip Chee vụ
Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi xét xử, tòa án đã ra
quyết định khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vai trò của Yee Lip Chee trong
vụ án này.
Nhưng quyết định này đến
nay vẫn chưa được thực hiện. Trường hợp này không phải là “không được
khởi tố” mà là “không muốn khởi tố”.
Điều dễ nhận thấy là
những cá nhân liên quan trong vụ việc nêu trên lại chính là
những người tham gia quá trình tố tụng.
Đây không phải là lỗ
hổng luật pháp mà chính là sự bao che, dung túng, tạo nên một
“nhóm lợi ích” không chỉ chi phối quá trình tố tụng mà còn vô
hiệu hóa pháp luật, đứng trên pháp luật.
Viện Kiểm sát phải
có tranh biện với bên điều tra ngay trước khi ra cáo trạng, điều này
cũng đã được quy định trong luật:
“Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận
được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc
quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ,
tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều
tra”.
Rõ ràng là bên giữ
quyền công tố cần làm rõ các chứng cứ mà bên điều tra cung cấp đã
đủ cấu thành tội phạm để ban hành cáo trạng hay chưa, đồng thời
cũng phải xem xét các chứng cứ đó phù hợp với khung hình phạt
nào?
Về điều này trong
không ít trường hợp bên giữ quyền công tố hoặc quá tin vào chứng
cứ điều tra hoặc vì lý do nào đó nên ban hành cáo trạng chưa hợp
lý, có thể nói là vội vàng dẫn tới vi phạm pháp luật ngay từ khi
phiên tòa chưa mở.
Vụ án “lều vịt” và quán cà phê “Xin Chào”
là một minh chứng.
Những chứng cứ Công an
huyện Bình Chánh cung cấp không đủ cấu thành tội phạm nhưng vì sao
Viện Kiểm sát Bình Chánh vẫn ra cáo trạng đối với người dân?
Liệu trong trường hợp
này, giữa lãnh đạo Viện Kiểm sát và Công an Bình Chánh có sự
“thỏa thuận” nào đó vượt trên các quyền mà luật pháp cho phép hay
đơn thuần chỉ là “nhận thức” pháp luật chưa đúng như lời ông Trưởng
Công an huyện?
Trở lại vụ án Cao Trí
Trung và đồng phạm, từ lời khai của kẻ bị bắt trực tiếp:
“Cơ quan chức năng tiếp tục bắt khẩn cấp
Cao Trí Trung, thu giữ nhiều viên thuốc lắc, mẫu ma túy trong nhà và xe hơi
của người này”… “Trung và Kiều (chưa rõ danh tính) góp tiền để mua heroin
và giao cho đàn em Trần Tuấn An đứng ra trực tiếp “gom hàng” đem về cho Kiều
cất giữ”. [1]
Nhận định Cao Trí Trung là kẻ khởi
xướng, chủ mưu không sai nhưng chứng cứ “phạm tội trực tiếp” và tang
vật (nhiều viên thuốc lắc, mẫu ma túy) chưa đủ thuyết phục
để tuyên án tử hình bởi chứng cứ thu thập cho thấy Cao Trí Trung
phạm tội “tàng trữ ma túy” với lượng nhỏ chứ không thể hiện kẻ
này là chủ mưu, cầm đầu đường dây.
Mặt khác, dựa vào lời khai của nhân
chứng hoặc chính đương sự để kết án đã mang đến không ít bài học
đau xót, điều này đã được chứng minh qua các vụNguyễn Thanh
Chấn, Huỳnh Văn Nén và
mới đây là vụ ông Trần Văn Thêm (81 tuổi) mang án tử tù oan hơn 40 năm.
Đây là lỗ hổng trong
luật về “quyền im lặng” mà cho đến gần đây các nhà làm luật nước
ta vẫn còn tranh luận, kể cả tại diễn đàn Quốc hội.
Luật pháp một số
nước quy định “Quyền im lặng”, theo đó nghi phạm có quyền giữ im lặng
để tránh việc tự buộc tội bản thân do cưỡng bức. Một bản (tự) buộc tội
bởi chính nghi phạm sẽ không tạo thành một “chứng cứ có thể thừa nhận
trước tòa" trừ khi nghi phạm đã được thông báo cho biết "quyền im
lặng".
Trong các vụ án đã
dẫn, ông Chấn, ông Nén dù đã có đơn tố cáo nhưng không chứng minh
được hành động “bức cung, nhục hình” trong quá trình điều tra vì
“thiếu chứng cứ”, vì thế những người thực hiện hành vi “bức
cung, nhục hình” nói chung đều thoát tội.
Vì “chứng cứ” được
xem là quan trọng hơn lời khai của đương sự hoặc nhân chứng nên thiếu
“chứng cứ” thì không thể kết tội. Nguyên tắc này có khi bị lợi
dụng nhằm gỡ tội cho cả kẻ phạm tội lẫn người làm sai khi thực
hành công vụ.
Ngược lại đa số nghi
phạm khai nhận hành vi phạm tội đều bị buộc tội bởi chính lời
khai của mình, điều này trái với thông lệ quốc tế nhưng lại tương
đối phổ biến trong quá trình tố tụng tại Việt Nam?
Vụ xét xử Cao Trí
Trung và đồng bọn có thể coi là mở ra một cánh cửa cho quá trình
tiệm cận với nền tư pháp các nước tiên tiến.
Theo nguyên tắc:
“Cơ quan điều tra có trách nhiệm
tìm chứng cứ để buộc tội còn người dân không có trách nhiệm phải
chứng minh mình vô tội” và “một bản (tự) buộc tội bởi chính nghi
phạm sẽ không tạo thành một “ chứng cứ có thể thừa nhận trước
tòa", nên Hội đồng Xét xử vụ án Cao Trí Trung đã không tuyên án
tử hình với bị cáo này.
Đây là một quyết định
đúng pháp luật dù rằng có thể nhiều người chưa tán thành.
Cao Trí Trung thoát án
tử vì không đủ chứng cứ ghép y vào tội tử hình chứ không phải vì
tội của y chưa đến mức bị tử hình.
Kết luận như vậy không
có nghĩa là quy trách nhiệm cho bên này bên kia mà chỉ muốn nhấn
mạnh, pháp luật phải được thượng tôn và các cơ quan bảo vệ pháp
luật phải bằng mọi cách làm tròn chức trách của mình.
Vụ án Cao Trí Trung
có thể rút ra vài nhận xét:
Thứ nhất, khi đã biết
(qua lời khai của kẻ bị bắt) rằng Cao Trí Trung là kẻ cầm đầu, có
nên tổ chức trinh sát, theo dõi để bắt quả tang hay phải ngay lập
tức bắt giam Trung khiến cho tang vật thu giữ tại chỗ chỉ là một lượng
ma túy nhỏ?
Thứ hai, Viện Kiểm
sát đề nghị án tử hình với Cao Trí Trung là dựa vào “chứng cứ”
hay dựa vào “suy đoán có tội”?
Thứ ba, cần tránh
việc kết án nhẹ nhằm bảo vệ bản thân khỏi rơi vào tình trạng
người xử án lại trở thành bị cáo như trường hợp cựu thẩm phán
Phạm Tuấn Chiêm, hoặc bị kỷ luật như một số thành viên Hội đồng
Xét xử liên quan đến vụ ông Huỳnh Văn Nén…
Không thể tránh khỏi
khác biệt giữa cáo trạng và án tuyên, tuy nhiên sự khác biệt lớn
giữa cáo trạng và án tuyên cho thấy nhận thức pháp luật của các
cơ quan tham gia tố tụng là không đồng đều.
Một mặt nó thể hiện
sự độc lập của tòa khi xét xử, mặt khác nếu hình phạt tòa tuyên
có sự khác biệt quá lớn (tăng hoặc giảm) so với cáo trạng sẽ đưa
đến kết luận hoặc là cáo trạng đưa ra thiếu thuyết phục hoặc
(không loại trừ) có sự chạy án.
Tình trạng cứ khởi
tố, cứ ra cáo trạng ép tòa phải xử đã được một số chuyên gia đề
cập. Vấn đề là nếu Tòa án không thể hiện sự độc lập, không dựa
trên nguyên tắc tranh tụng tại tòa mà dựa vào ý kiến chỉ đạo của
“liên ngành tư pháp” hay các cơ quan khác thì không có gì đảm bảo
sẽ không còn án oan, sai.
Tranh biện trong quá
trình tố tụng cần phải được tất cả các bên tham gia tuân thủ ngay
từ khi quá trình tố tụng bắt đầu chứ không chỉ là tranh tụng tại
tòa.
Sự hiểu lầm này của
người dân là bình thường nhưng sẽ là không bình thường nếu đó là
cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền tham gia tố tụng.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/322816/cac-ong-trum-buon-ma-tuy-nhu-rau-lanh-an-tu.html
(Theo
Giáo dục VN) Xuân
Dương
|
Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét