Những “biến chứng” của bệnh tham
nhũng
Cập
nhật lúc 15:41
Bệnh
tham nhũng ở nước ta hiện nay đã có rất nhiều “biến chứng” làm cho bệnh phức
tạp và trầm trọng thêm, đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp phòng chống tham
nhũng bền bỉ và quyết liệt hơn nữa.
Tình trạng cán bộ, công chức “lấy công
làm tư” diễn ra khá nhiều. Không ít cơ quan, đơn vị đã lợi dụng chính sách
cho phép tạo nguồn thu thêm để lấy đất công, tài sản công phục vụ kinh doanh,
cho thuê mướn.
Bệnh viện, trường học, ủy ban nhân dân
cấp xã, phường thì tự đặt các quy định riêng trong việc phụ thu cũng như các
loại phí mà người bệnh, phụ huynh học sinh và người dân phải đóng góp.
Phần lớn số tiền thu được có thể khai
man không nộp lại cho ngân sách nhà nước theo đúng quy định mà Bộ Tài chính
chỉ cho phép giữ lại một phần để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, người
lao động.
Việc làm này cán bộ, công chức, nhân
viên đều biết nhưng thường đồng tình vì khoản thu nhập này có khi còn cao gấp
1-2 lần lương
chính
thức của họ.
Đối với cán bộ, công chức không giữ vị
trí lãnh đạo, để tăng thêm thu nhập, hiện tượng chi phí cho cá nhân nhưng lại
ghi là chi phí công vụ bằng cách làm hóa đơn giả là khá phổ biến.
Bên cạnh đó, không ít người đã cố tình
tạo ra khó khăn, tìm cách sách nhiễu, đòi hỏi, chờ đợi người dân, doanh
nghiệp bồi dưỡng đôi chút để được giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính.
Tình trạng mượn giờ công, tài sản công
làm việc tư diễn ra khá phổ biến khi họ dùng thì giờ chính thức làm công
trình nghiên cứu cho người khác; sử dụng máy tính của cơ quan để bán bảo
hiểm, bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp, môi giới nhà đất, chứng khoán...
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh
nghiệp coi việc chi phí ngoài luồng, không chính thức là chìa khóa của thành
công.
Do vậy, doanh nghiệp có quan hệ lâu dài
với cơ quan hoặc người có chức vụ, quyền hạn qua việc thường xuyên gặp gỡ,
quà cáp, biếu xén nhân các dịp lễ, tết để khi có việc cần nhờ cậy thì sẽ được
quan tâm, tạo điều kiện, tạo ra lợi thế hơn đối với các doanh nghiệp khác.
Điều này rõ ràng là “gian lận” vì lợi
dụng “mối quan hệ ràng buộc” đã cướp lấy cơ hội đáng lẽ ra của người khác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường có
hình thức ngoại giao khi thực hiện các dự án, công trình, trong đó có sự tác
động, tạo điều kiện của người có chức vụ, quyền hạn để doanh nghiệp đó được
thực hiện một dự án với lợi nhuận cao.
Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có “suất ngoại
giao” với giá hời cho người đã giúp đỡ họ hoặc nhận, bố trí người thân của
người đã giúp đỡ mình vào các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.
Những “biến chứng” này âm thầm và nguy
hiểm, đang lan tràn trong xã hội mà không thể xác định được tác hại mà nó gây
ra.
Tuy nhiên, rất khó có thể quy các biến
chứng này là tham nhũng vì không có trong các quy định về các hành vi tham
nhũng trong Luật phòng chống tham nhũng nên rất khó ngăn chặn và chữa trị.
Để đối phó với các biểu hiện muôn hình
vạn trạng của “biến chứng” tham nhũng, chắc hẳn không thể dùng một loại thuốc
chung cho nhiều thứ bệnh, lại càng không thể chỉ dựa vào các chế tài xử lý.
Những vấn đề nêu trên cần nhanh chóng
được nghiên cứu nghiêm túc và thẳng thắn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ
chế, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng
như thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng bền bỉ và quyết liệt hơn
nữa.
(Theo
Tuổi trẻ)
CÙ TẤT DŨNG, (Ban Nội chính
trung ương)
|
Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét