‘Thần y’ chữa bệnh bằng... mắt
Cập nhật lúc 09:36
Thầy
Lộc đang “tư vấn” và kê đơn thuốc cho người bệnh. ẢNH:
HUY TIẾN
Với cách 'phán' bệnh như
đùa rồi sau đó chỉ dẫn bệnh nhân đến một cơ sở bán dược liệu không phép để
mua thuốc với giá trên trời, hai thầy trò 'thần y' rầm rộ hành nghề như chốn
không người.
Đầu tháng 8.2016, đường dây nóng Thanh Niên tiếp nhận
phản ánh của người dân ngụ ở TP.HCM về hai thầy trò ở xã Long Tân, H.Nhơn
Trạch, tỉnh Đồng Nai,chữa “bách bệnh” vào ngày thứ bảy hằng tuần. Đáng chú
ý, hai thầy trò không sử dụng thiết bị y tế mà dùng mắt nhìn sắc mặt, mắt,
bàn tay, miệng, lưỡi... chẩn đoán bệnh, sau đó kê toa thuốc đông y cho bệnh
nhân đến Công ty TNHH MTV TMSX Quy Nguyên (gọi tắt Công ty Quy Nguyên) trên
đường Phạm Văn Đồng, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM mua uống.
Vật vờ chờ khám
Trong vai người nhà của bệnh nhân bị ung thư bao tử giai đoạn cuối,
vào một buổi sáng thứ bảy trung tuần tháng 8.2016, chúng tôi có mặt tại địa
điểm khám bệnh của hai thầy trò. Lúc đó mới khoảng 9 giờ mà số thứ tự chúng
tôi lấy được đã là 220. Người phát số thứ tự khuyên: “Đông bệnh nhân lắm. Đầu
giờ chiều anh quay lại khám”.
Đúng như người này nói, khu vực chờ khám bệnh có hàng trăm người ngồi,
đứng, nằm la liệt. Tại sảnh lớn, “thầy” tên Lộc ngồi trên chiếc bàn gỗ màu
vàng, cầm xấp tờ khai bệnh kẹp số thứ tự gọi tên từng bệnh nhân lần lượt vào
khám. Ông liếc ngang liếc dọc, cầm cây bút bi chỉ trỏ chẩn đoán bệnh, rồi kê
toa thuốc…
Gần đó là gian nhà nhỏ hơn, nơi sư phụ của “thầy” Lộc đang chữa trị
cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Người này được bệnh nhân gọi là “sư thầy”.
Mỗi ngày, ông này chỉ khám 50 bệnh nhân, được chọn ngẫu nhiên theo số thứ tự
đăng ký từ tờ mờ sáng cách đó một ngày nên bệnh nhân nào được trực tiếp khám
chữa trị, xem như là “cơ duyên”. Số thứ tự trên 50 dù bệnh nhẹ hay hiểm nghèo
đều do “thầy” Lộc đảm nhận. Nơi khám bệnh của “sư thầy” nằm trong khuôn viên
riêng, có người gác cổng; đến lượt phải xuất trình tờ khai bệnh, số thứ tự
mới được vào.
Chúng tôi nài nỉ người gác cổng cho vào gặp trực tiếp nhờ “sư thầy” kê
toa thuốc cho bà dì bị ung thư bao tử giai đoạn cuối nằm tại chỗ nhưng người
này từ chối thẳng thừng: “Bệnh nhân đến đây cho sư phụ nhìn sắc khí khuôn mặt
mới kê toa thuốc chữa trị được. Đây là bệnh hiểm nghèo nên anh phải đưa bệnh
nhân trực tiếp đến đây”.
Người gác cổng vừa dứt lời thì người nhà của bà D. (ngụ An Giang, bị
tiểu đường nặng, chân lở loét) hay tin bà D. ngồi bên trong phòng khám chờ
lâu sợ bị ngất xỉu nên xin vào khiêng ra ngoài nằm trên ghế nghỉ ngơi, bên
cạnh mấy thùng rác. Sau khi khám xong, bệnh nhân này được người thân thuê xe
cứu thương đến chở về quê uống thuốc chữa trị theo đơn kê toa thuốc của Công
ty Quy Nguyên bán.
Dùng… bút chẩn bệnh
Không hiểu đồn thổi thế nào mà nhiều bệnh nhân từ bắc chí nam lặn lội
đến đây nhờ hai thầy trò cứu chữa. Mỗi bệnh nhân như thế chi phí vận chuyển
và tiền thuốc men trung bình vài chục triệu đồng nhưng bệnh tình có hết hay
không thì hai “thần y” này cũng không dám chắc. Những người được chữa bệnh ở
đây, hầu hết đều được hai thầy trò kê toa ăn bài số 7 (tức gạo lứt với muối
mè) kèm theo nhiều loại thuốc đông y khác (tùy bệnh tình)…
Cùng ngồi chờ khám với chúng tôi, ông L. (quê Quảng Ngãi, tạm trú Bình
Dương, đưa vợ bị ung thư gan đi chữa trị), than phiền: “Người bệnh nào xuống
đây đều mong muốn gặp “sư thầy” khám chữa trị nhưng vợ tôi không may mắn đành
phải trông chờ vào thầy Lộc. Dù tôi đăng ký số thứ tự khá sớm, nằm trong số
được chọn ra 50 người bằng cách bốc thăm để “sư thầy” trực tiếp khám nhưng vợ
tôi không gặp may”.
Và ông tâm sự: Cuối năm 2015, vợ ông bất ngờ phát hiện bị ung thư gan,
đi đến nhiều bệnh viện khám. Các bệnh viện đều khuyên mổ nhưng sợ nguy hiểm
đến tính mạng nên nhà không dám. “Vừa rồi nghe người ta giới thiệu, tôi đưa
vợ đến nhờ mấy thầy ở đây chữa trị một tháng nay. Thầy kê toa đến Công ty Quy
Nguyên bốc thuốc nào gạo lứt, mè, nấm lim xanh… Riêng nấm lim xanh được xay
nhuyễn nên không biết giả hay thật. Đến nay bệnh chưa hết mà khối u thì to
gần gấp đôi”, ông L. than thở.
Ngồi bên cạnh là chị H. (ngụ Vĩnh Long) phát hiện bướu ác tính ở cổ,
đã mổ nhưng muốn chữa trị tận gốc tránh di căn nên đến đây bốc thuốc uống 3
tháng. Do chưa đi xét nghiệm nên không biết kết quả thế nào.
Chị H. kể: “Tuần trước, tôi ngồi cạnh cha con một ông ở tận Hà Nội đưa
con bằng máy bay vào đây chữa trị cái chân bị dị tật. Ông này bỏ hàng chục
triệu đồng mua thuốc về uống nguyên tháng vì nhà xa, sợ đi lại tốn kém”. Nghe
vậy, bà V. (56 tuổi, ngụ Hà Nội) chen ngang: “Tôi cũng từ Hà Nội mới bay vào.
Trước đó, bạn của tôi vào chữa bệnh ung thư vú, ung thư tử cung, thầy cho gạo
lứt về ăn thấy cũng lên cân nên nhóm bạn tôi rủ nhau ăn, rồi vào đây khám thử
có bệnh gì không. Tôi cùng 8 người bạn đi máy bay vào đây 4 - 5 ngày trước để
chờ khám bệnh xương khớp. Không biết có khỏi bệnh không nhưng mình cứ tin,
thầy kêu ăn gì khỏi là ăn ngay chứ không sợ gì cả”.
Sau nhiều giờ kiên trì ngồi đợi, chúng tôi được đôn lên dãy ghế đầu
gần thầy Lộc tận mắt chứng kiến, nghe ông phán bệnh mà hết hồn. Đến lượt hai
chị em sinh đôi ngoài 20 tuổi ngụ TP.HCM được gọi tên, chưa kịp ngồi xuống
ghế, thầy Lộc yêu cầu đặt ngửa hai bàn tay lên bàn, cầm cây bút chỉ vào lòng
bàn tay, rồi phán bị phong thấp nặng (thực tế trong tờ giấy khai tên tuổi,
cần chữa trị bệnh gì đã ghi rõ bệnh tật) khiến hai cô này mắt tròn xoe, thán
phục. Kế tiếp, một nam thanh niên gầy gò than phiền bệnh tình làm anh mất ngủ
và phá “nát” cơ thể, sụt hơn 10 kg. Sau khi xem tờ khai bệnh, ông Lộc hỏi:
“Sáng ngủ dậy có ợ hơi, ợ chua gì không?”.
Nam thanh niên nói mình ợ hơi, thừa a xít, sợ bị ung thư thực quản nên
không dám đi khám ở bệnh viện. Ông Lộc yêu cầu người này thè lưỡi, rồi lật
ngửa đôi bàn tay lên bàn, dùng cây bút vạch vạch vào lòng bàn tay đang đổ mồ
hôi của nam thanh niên phán: “Cái này là thừa a xít, về lấy củ cải trắng cắt
nhỏ hoặc xay nhuyễn trộn với một muỗng mật ong, ngậm nuốt lúc bụng đói chừng
3 - 4 ngày sẽ hết bệnh”. Lúc này, thầy Lộc cũng tạm ngưng khám bệnh, yêu cầu
mọi người đi ăn cơm trưa, đến 1 giờ 30 quay lại tiếp tục…
(Theo Thanh niên) Đàm Huy - Đức Tiến
|
Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét