Con
thủy tinh của ông chủ nhà băng
Cập nhật lúc 11:11
Giá
trị của những ông chủ nhà băng ở mọi “pháo đài tiền tệ” cũng chính ở - tạm
gọi là phẩm hạnh - thần giữ của và chữ tín với khách hàng với những điều tối
kỵ mang tính nghề nghiệp có giá trị phổ quát: Tuyệt đối không làm mất tiền,
làm lộ bí mật khách hàng
Các bạn có nhớ lần gần nhất nghe cú điện thoại ngọt như
mía lùi “Em ở ngân hàng abcd...” là khi nào không?
Tôi đoán nhé:
Hôm qua, hoặc cùng lắm là tuần trước?
Không nhớ là có
bao nhiêu ngân hàng, nhưng những cuộc gọi mời mọc mở tài khoản cứ nối dài,
nối dài tuần này qua... năm sau. Lần này không được, lần sau. Tuần này không
được, sang năm gọi tiếp theo kiểu “không cho chúng nó thoát”. Gớm khổ, có 3
đồng lương còi mà ngân hàng nào cũng mời mọc mở tài khoản cứ như thể để tiền
túi là ngay tối nay gặp... Lê Văn Luyện vậy.
Tôi nhớ lại
những lời mời mật ngọt và những cú điện thoại kiên nhẫn bền bỉ đến kinh hoàng
ấy khi mấy hôm nay, đọc trên báo mấy chữ chữ “bốc hơi”, hay “không cánh mà
bay”.
Một chủ thẻ
MasterCard Debit của Vietcombank choáng váng khi nhận được liên tiếp 14 tin
nhắn từ tổng đài NH báo tin thẻ được giao dịch ở Nhật với số tiền hơn 17
triệu đồng.
Một chủ tài
khoản ở SCB xây xẩm mặt mày khi được biết số tiền chuẩn bị mua nhà được
chuyển qua một tài khoản khác. Và dù phía SCB đưa cho bà xem một bản photocopy
giấy ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà nhưng camera giám sát tại
thời điểm đó - của chính ngân hàng, đương nhiên, cho thấy người giao dịch là
một nam giới.
Chưa kể, vụ 500
triệu, chưa kể vụ 26 tỉ đang khiến bất cứ ai có chút tiền còm gửi nhà băng
cũng giật mình thon thót.
Thôi thì giao
dịch trực tuyến, thôi thì hacker, thôi thì... rủi ro. Bla bla tỉ thứ lý do.
Nhưng vấn đề lại ở chỗ trong mọi trường hợp, kiểu gì thì nhà băng cũng kể
tội, cũng chỉ thấy lỗi của khách hàng như thể ngân hàng Việt Nam là pháo đài,
không bao giờ có lỗi, không bao giờ bị sai.
Ngay chính ông
Cao Sỹ Kiêm, thống đốc NHNN một thời cũng nhìn thấy cách
giải quyết phổ biến của các ngân hàng Việt Nam là trốn tránh trách nhiệm và
sợ đền bù. Tức là cứ có sự cố thì bất biết, ngân hàng hành xử theo kiểu “cả
vú lấp miệng em”, một cách hành xử được cho là “không sòng phẳng và rất nguy
hiểm”.
Trong tiểu
thuyết best seller “Âm mưu ngày tận thế”, Sidney Sheldon đã kể lại câu chuyện
“ông chủ nhà băng” thế này:
Một người đàn
ông đến găp ông chủ nhà băng vay tiền cho ca mổ khẩn cấp của đứa con. Khi
biết ông ta không có bất cứ tài sản gì thế chấp, chủ nhà băng lập tức từ chối.
“Tôi chưa thấy
ai nhẫn tâm như ông cả” - người đàn ông khốn khổ bước ra.
“Đợi một chút,
ông có một cơ hội - ông chủ nhà băng gọi giật lại- Một trong hai con mắt của
tôi được làm bằng thủy tin, nếu ông đoán đúng, tôi sẽ cho ông vay!”.
“Con mắt bên
trái” - người đàn ông đáp ngay lập tức.
Ông chủ nhà
băng kinh ngạc: “Làm sao ông có thể đoán được”.
“Thật dễ thôi,
trong một thoáng tôi đã tưởng là thấy một ánh nhìn thông cảm từ con mắt bên
trái. Bởi vậy, tôi biết đó là con mắt thủy tinh”.
Chi tiết ghê
gớm quá, phải không các bạn. Nữ nhà văn chỉ đang nói một sự thật là đối với
các ông thần giữ của - không có thứ tình cảm nào gọi là thông cảm hết.
Nhưng nói công
bằng, giá trị của những ông chủ nhà băng ở mọi “pháo đài tiền tệ” cũng chính
ở- tạm gọi là phẩm hạnh- thần giữ của và chữ tín với khách hàng với những
điều tối kỵ mang tính nghề nghiệp có giá trị phổ quát: Tuyệt đối không làm
mất tiền, làm lộ bí mật khách hàng. Con mắt bên trái có thể lạnh lùng, nhưng
không thể nhắm nốt con mắt bên phải để thây kệ những người tạo ra việc làm và
phồn vinh cho chính ngành ngân hàng.
Làm gì có cái
nhà băng nào dám nhâng nháo rằng nhà băng thì luôn đúng. Làm gì có loại ngân
hàng nào để tiền bốc hơi khi thậm chí không có chữ ký của khách hàng.
Tôi không có ví
dụ về cách hành xử của ngân hàng thời ông Cao Sỹ Kiêm làm Thống đốc, nhưng
hôm qua, ông đã đúng khi khẳng định: “Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của
khách hàng, Ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai
sẽ làm rõ sau đó”.
Đừng chỉ thấy
tiền trong két của mình mới là mồ hôi nước mắt. Đừng nhìn khách hàng bằng cả
hai con mắt thủy tinh, thưa các ông chủ nhà băng!
(Theo Lao động) Đào Tuấn
|
Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét