Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Quảng Ninh: Nhà máy cán thép nghìn tỉ vẫn hoang phế

Cập nhật lúc 13:50
Cho đến bây giờ, sau hơn 6 năm hoang phế, nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân khổ rộng đầu tiên của Việt Nam với công suất 500.000 tấn/năm - có trị gần 2.900 tỉ đồng vẫn chưa hy vọng có cơ may khôi phục trở lại.
Đống "sắt vụn" khổng lồ
Nhà máy tan hoang, sắt thép hoen gỉ và bám bẩn do đã quá lâu không hoạt động. Xung quanh tường rào cỏ lau vây kín cao gấp hai đầu người. Phía trong không một bóng công nhân. Cảnh tượng như một nhà máy bỏ hoang tới hàng thập kỷ. Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) được Tập đoàn Vinashin xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 15ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỉ đồng. Nhà máy có công suất 500 nghìn tấn/năm, dây chuyền công nghệ của Đức, do các cán bộ, kỹ sư trong nước lắp đặt và vận hành.
Vào lúc bấy giờ, lãnh đạo của Vinashin rất kỳ vọng bởi đây là nhà máy cán thép tấm nóng khổ rộng đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam sẽ cung cấp các sản phẩm thép tấm phục vụ ngành đóng tàu thủy trong nước, vốn phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn nguồn thép tấm từ nước. Tuy nhiên, sau đại án Vinashin bị phanh phui, nhà máy này đã không còn cơ hội để sản xuất và cho ra những tấm thép phục vụ ngành đóng tàu.

  
Cảnh hoang phế bên ngoài Nhà máy cán thép nóng khổ rộng Cái Lân.
Sau nhiều loạt bài phản ánh trên Lao Động (2012, 2015)về hàng loạt các dự án của Vinashin bỏ hoang tại Quảng Ninh, cho đến nay, những người có trách nhiệm (Bộ GTVT) vẫn chưa hề có kế sách, hay giải bài toán hồi sinh nhà máy. "Thỉnh thoảng một nhóm nhân viên bảo trì của tổng thầu là Cty CP Công nghiệp nặng Cửu Long qua làm nhiệm vụ kiểm tra, bảo trì, nhưng vẫn không thể giúp nhà máy tránh bị hủy hoại, xuống cấp do lâu năm không hoạt động" - một nhân viên ở Cty thép cán nóng Cái Lân lo lắng.
Không nhà đầu tư nào quan tâm
Do khó khăn kinh tế sau sự "sụp đổ" của Tập đoàn Vinashin, nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân thuộc quản lý của Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy. Nhưng nhiều năm trôi qua, giải pháp hồi phục nhà máy vẫn như một "giấc mơ xa vời". Theo ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Cty cán nóng thép Cái Lân: Nhiều giải pháp được Bộ GTVT và Tổng Cty đưa ra nhằm tái cơ cấu, kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào tham gia. Rất nhiều đoàn đến khảo sát, xong rồi không quay trở lại.
"Thật dễ hiểu, bởi giá thép tấm ngoài thị trường lúc này quá rẻ chỉ chừng 9.000 đồng/kg, nên bỏ ra một vài trăm tỉ đồng để phục hồi nhà máy lúc này, thì bán thép sẽ càng lỗ. Hiện thị trường tràn lan thép nhập từ Trung Quốc, khiến bài toán đầu tư cho nhà máy hoạt động là không khả thi" - GĐ Cty cán nóng thép Cái Lân băn khoăn.
Hiện số phận nhà máy cán thép này còn phụ thuộc vào phần lớn những khoản vay và đang mắc nợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các ngân hàng. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành đóng tàu cho rằng, việc quản lý đầu tư nhà máy cán thép Cái Lân lúc bấy giờ quá lỏng lẻo. Giá trị thật sự của nhà máy cán thép cùng với đống máy móc có xuất xứ nhiều nơi (chủ yếu là công nghệ Trung Quốc)..., sẽ là trở ngại với bất cứ nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn khôi phục nhà máy.
Hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Cty công nghiệp tàu thủy Cái Lân lúc bấy giờ dính vào lao lý và đã nhận các mức án trong vụ việc của Vinashin do cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng khi nhập dây chuyền, thiết bị cũ liên quan đến đầu tư nhà máy cán thép Cái Lân và nhà máy phát điện diesel công suất 39MW (cũng nằm trong khu CN Cái Lân) - cách nhà máy cán thép vài trăm mét. Theo lãnh đạo Cty cán nóng thép Cái Lân, đã có nhiều cuộc họp với Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương về tìm giải pháp khôi phục nhà máy sau khi báo chí lên tiếng, nhưng thời gian trôi qua, chưa có chút hy vọng nào để nhà máy có thể "thoát khỏi vũng lầy"...
Số phận Nhà máy cán thép Cái Lân cũng tương đồng như vụ việc ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên (mở rộng). Quy trình đầu tư buông lỏng, không được kiểm soát nghiêm ngặt, sử dụng công nghệ Trung Quốc và có chung... kết cục "bi thảm" như hiện nay! Dư luận mong mỏi Bộ GTVT sớm có động thái đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành giải pháp bán, hoặc phục hồi sản xuất nhà máy cán thép tấm nóng khổ lớn nhất Việt Nam phục vụ ngành đóng tàu trong nước ở thời điểm này.
(Theo Lao động) Trần Ngọc Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét