Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Đừng nhảy xuống nước rồi nhớ ra mình không biết bơi


Cập nhật lúc 07:00

 Chọn ngành nào, thi vào trường nào, tiền đâu để học là những câu hỏi mà mọi người trưởng thành đều có thể tính toán tỉnh táo và trách nhiệm. Đừng vội nhảy xuống nước rồi mới nhớ ra mình không biết bơi.
Kết quả hình ảnh cho sinh viên nhập trường
Với người Việt Nam, ông Bụt từ lâu đã là một biểu tượng niềm tin thiêng liêng được dân gian sùng bái và gửi gắm nhiều ngưỡng vọng. Các thế hệ Việt lớn lên cùng sự huyền diệu vun đắp niềm tin rằng, chỉ cần bản thân tốt-hiền lành-tử tế, mọi thứ sẽ đều hoàn hảo.
Đã có lúc, tôi có ý chê trách nhà văn Andersen đã thật ác khi không để cho “Cô bé bán diêm” một cái kết có hậu. Nhưng  rồi một ngày, tôi hiểu ra rằng, đó là một sự khác biệt rất lớn giữa tư duy giáo dục phương Tây và phương Đông, mà Việt Nam là một đại diện điển hình.
Từ rất sớm, trong các câu chuyện cổ, người phương Tây dạy trẻ: không ăn là đói, không mặc là rét, và thụ động sẽ dẫn đến kết cục bi thảm. Còn các câu chuyện của người phương Đông thì nói về hi vọng, kể cả hi vọng vào những năng lực siêu nhiên nào đó. Khi gặp khó khăn, chỉ cần khóc, Bụt sẽ hiện ra.
Mấy hôm nay, cộng đồng đang có nhiều ý kiến trái chiều  về tâm thư gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng của hai bạn thí sinh không vào được trường cảnh sát vì lý lịch. Tôi cho rằng học đại học cũng chỉ là một cuộc đầu tư và có những luật chơi riêng mà mọi thí sinh phải tuân thủ: cũng như học viên sư phạm không được phép nói ngọng hay học viên trường múa không được có dị tật.
học, du học, lập nghiệp, vào đời, đại học
Em Nguyễn Như Quỳnh là thí sinh đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 nhưng vẫn không đỗ vào trường Học viện An ninh nhân dân do vướng mắc về lý lịch. Ảnh: VTC
Tôi không cảm thấy đồng cảm nhiều với những câu chuyện của các bạn thí sinh mà chỉ cảm thấy có phần buồn vì sự mềm yếu của một số bạn trẻ ngày nay- những người đáng lẽ phải là thế hệ mạnh mẽ nhất – nhiệt huyết nhất của một đất nước.
Tôi nhìn nhận những giọt nước mắt đó – những bức tâm thư đó giống như một hình thức ăn vạ xã hội – ăn vạ số phận. Vì tôi nghèo, vì tôi khó nên tôi có quyền kêu?
Hãy nhìn ra xung quanh đi, nhiều người tàn tật không kêu than vì họ đang nỗ lực vượt lên số phận. Nhiều người nghèo khổ cũng không than khóc vì họ đang nỗ lực vượt nghèo.
Câu hỏi nguồn tài chính để học đại học, mỗi thí sinh phải tự trả lời cho mình ngay từ trước khi đăng ký dự thi, phải là một kế hoạch tường minh và thành thật với chính bản thân. Nếu đỗ, tiền đâu để học? Nếu không đỗ, sẽ làm gì tiếp theo? Những câu hỏi cơ bản ấy không ai trả lời thay được ngoài chính các bạn.
Tuổi 18 – tuổi của những công dân trưởng thành cũng là tuổi của những phép tính quan trọng đầu đời. Các bạn có thể tính toán với tất cả sự tỉnh táo và trách nhiệm với chính bản thân và gia đình chứ không phải cứ dự thi ngay cả khi không xác định được phương hướng. Đừng nhảy xuống nước rồi mới nhớ ra mình không biết bơi.
Ở chính các nước phát triển như Anh và Mỹ, không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ năng lực hoặc hào phóng để chi trả cho con cái học đại học. Các nước trên thế giới đều chỉ nỗ lực phổ cập giáo dục phổ thông, chứ chưa thấy nước nào phổ cập đại học – bậc học dành riêng cho những người có năng lực và khả năng tài chính.
Chuyện vay ngân hàng để có tiền học, làm thêm để có tiền học, hoặc tích luỹ đủ để có tiền học… dường như đã trở thành câu chuyện phổ biến ở các nước phát triển.
Nhà nước ta đã có chiến lược hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học –cao đẳng bằng các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội có ở khắp các tỉnh thành. Bạn muốn đi học sao không dũng cảm nộp đơn?
Tôi cũng đã từng có những lúc phải đứng giữa hai lựa chọn sống còn hoặc học tiếp đến cùng khi hoặc đi về vì tài chính không cho phép. Tôi đã chọn học bằng mọi giá để thử thách chính bản thân mình giữa những áp lực dữ dội của cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người, không người thân thích.
Và những năm tháng vô giá ấy giúp cho tôi hiểu sâu sắc một điều rằng: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự thất bại cho đến một ngày chúng ta chấp nhận ngừng cố gắng.
Vậy nên, đừng khóc nữa và sống ngẩng cao đầu.
(Theo TuanVietNam) Hoàng Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét