Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Dự án Luật Phòng chống tham nhũng: Đang bốc nhầm thuốc

Cập nhật lúc 10:01

Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

Dự án Luật Phòng chống tham nhũng: Đang bốc nhầm thuốc  
TS Nguyễn Đình Quyền - Viện Nghiên cứu lập pháp - đã nói như trên tại hội thảo góp ý để sửa toàn diện Luật phòng chống tham nhũng ngày 25-8 - Ảnh: LÊ KIÊN
“Nếu là bí thư tỉnh ủy, tôi không ngu gì để tài sản đứng tên tôi. Trong khi ở xã hội chúng ta hiện nay, các khối tài sản dễ dàng chuyển dịch từ người này qua người khác” - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định rằng dự án Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) dường như “đang bốc nhầm thuốc”.
Hội thảo những định hướng lớn sửa đổi toàn diện Luật PCTN được tổ chức tại Quảng Ninh ngày 25-8 thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội.
Đụng đến là “nhạy cảm”
Công khai mà không gắn với trách nhiệm giải trình thì không thể minh bạch được
Ông TRẦN ĐỨC LƯỢNG
Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim khẳng định việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN tác động đến sự ổn định và phát triển toàn diện của đất nước, là chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên, Luật PCTN hiện nay có nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như quy định về công khai minh bạch chưa bao quát và thiếu các biện pháp đảm bảo thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch.
Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý...
Một điểm mới nữa được đề xuất trong dự luật là nếu qua xác minh phát hiện tài sản, thu nhập lớn hơn tài sản, thu nhập được kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình hợp lý nguồn gốc tài sản đó; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để phán quyết về khối tài sản này nếu không giải trình được một cách hợp lý.
 Dự án Luật Phòng chống tham nhũng: Đang bốc nhầm thuốc
Ông TRẦN ĐỨC LƯỢNG - Ảnh: LÊ KIÊN
TS Trần Đức Lượng, nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng quy định về công khai có bước tiến với những vấn đề cụ thể quy trình xây dựng chính sách, pháp luật, quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin...
“Nhưng có tình trạng lạm dụng những quy định như bí mật quốc gia, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, đặc biệt là lạm dụng từ “nhạy cảm” để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình” - ông Lượng chỉ rõ.
Ông cho rằng quy định công khai thì nhiều nhưng minh bạch lại ít: “Công khai mà không gắn với trách nhiệm giải trình thì không thể minh bạch được.
Nhưng luật hiện hành đang thiếu vắng cụm từ “trách nhiệm giải trình” với nội hàm cần thiết và quy định cụ thể của nó. Những hạn chế như vậy khiến chuyên gia nước ngoài bình luận Luật PCTN của VN như hổ không răng”.
TS Lượng đề nghị bổ sung “quy định công khai về tổ chức, biên chế, công tác cán bộ và việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần cụ thể và chi tiết hơn, nhất là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức và việc chi cho hoạt động của những người lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hiện nay, tham nhũng trong công tác cán bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang là tâm điểm ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều người và của cả xã hội”.
Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm sao có 
minh bạch
Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG
"Rửa tiền rất dễ"
Bày tỏ đồng tình với ông Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói: “Các cơ quan, đơn vị công bố nhiều thông tin, nhưng rất nhiều trong số đó không thấy minh bạch gì. Vừa rồi xảy ra tình trạng hải sản chết bất thường ở miền Trung, lúc đầu quan chức Bộ Tài nguyên - môi trường tuyên bố rất dõng dạc là “không phải do Formosa, đó là thủy triều đỏ”, nhưng rồi cuối cùng kết luận là do Formosa xả thải bậy. Tôi cũng chưa thấy ai bị xử lý vì thiếu công khai minh bạch, cũng chưa thấy ai xin lỗi vì công khai thông tin sai như trường hợp vừa nêu”.
 Dự án Luật Phòng chống tham nhũng: Đang bốc nhầm thuốc
Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG - Ảnh: LÊ KIÊN
Nhiều năm làm đại biểu Quốc hội, ông Cương tâm sự cảm thấy mệt mỏi vì phải sửa đổi luật nhưng không đem lại được nhiều tác dụng.
“Nhiều khi tôi nghĩ chưa cần sửa luật này, hãy thực hiện đúng các quy định của nó đi đã, có quá nhiều quy định chúng ta đưa ra nhưng có thực hiện đâu. Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm sao có minh bạch, kê khai xong đút ngăn kéo thì để làm gì.
Tôi xin nói là chúng ta có dám công bố cho toàn dân biết khối tài sản của đồng chí nọ, đồng chí kia không?” - ông Cương trăn trở.
Cũng gay gắt không kém, tân viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Nguyễn Đình Quyền nói: “Tôi đọc dự thảo cũng thấy hơi buồn, có cảm giác như dự luật đang bốc nhầm thuốc.
Dự án tiếp tục rải mành mành các biện pháp PCTN. Muốn chống được tham nhũng thì điều kiện đầu tiên là phải kiểm soát được tài sản, thu nhập. Cứ nói kê khai nhưng chẳng để làm gì, trong khi Công ước Liên Hiệp Quốc coi tài sản bất minh là tài sản tham nhũng.
Các nước họ không có luật PCTN, chỉ có luật kiểm soát tài sản, thu nhập. Bất kể công dân nào cũng bị kiểm soát. Tôi sang Nam Phi, người ta nói các nhóm tội phạm ở đó cướp tiền mà không phải tiền Nam Phi thì phải vứt đi bởi không tiêu xài được”.
Ông Quyền vừa phân tích vừa gợi ý: “Các anh cứ nói là trách nhiệm giải trình, nhưng nếu tôi là bí thư tỉnh ủy thì tôi ngu gì mà để tài sản đứng tên tôi. Con tôi, vợ tôi, em tôi làm doanh nghiệp thì tôi để tiền ở bên đó chứ, rửa tiền rất dễ. Không thể thực hiện được biện pháp trách nhiệm giải trình nếu toàn bộ người dân không bị kiểm soát tài sản, thu nhập.
Chúng ta kiểm kê, điều tra dân số được, vậy tại sao chúng ta không kiểm kê, kiểm soát được tài sản của toàn xã hội? Không làm được như vậy thì tài sản dễ dàng chuyển dịch từ người này qua người khác”.
Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó bao quát cả tham nhũng ở khu vực tư nhân.
“Chúng tôi cho rằng tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư gắn bó, quan hệ với nhau. Dự thảo luật chúng tôi cũng đề cập đến vai trò, vị trí, trách nhiệm của các cơ quan của Đảng, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Kiểm tra trung ương, cụ thể là trong việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức” - ông Nguyễn Văn Kim nói.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét