Đừng nhân danh Đảng để chèn ép dân!
Cập nhật lúc 21:58
Đảng ra đời là để đấu
tranh cho lợi ích của nhân dân. Bởi vậy, đừng ai nhân danh Đảng để cư xử tệ
bạc với dân.
Ngày 24/8, tờ
Dân Việt đưa thông tin bà Đỗ Thị Thúy Hiền (SN 1976, tổ 3, phường Nguyễn
Phúc, TP.Yên Bái) bị ông Vũ Quang Huy – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc ký
và đóng dấu vào văn bản giao Trưởng Công an phường Nguyễn Phúc “nắm bắt biểu
hiện của công dân Đỗ Thị Thúy Hiền – tổ 3 đưa vào hồ sơ quản lý vì chống đối
Đảng, chính quyền”.
Thực chất thì
đây là một vụ tranh chấp đất đai giữa nhà bà Hiền và hàng xóm và vụ việc đang
được cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái giải quyết.
Ngày 11/8, công
văn số 49 – CV/UBKT trả lời bà Hiền do ông Nguyễn Xuân Hòa – Chủ nhiệm Uỷ ban
Kiểm tra Thành ủy Yên Bái ký, đã khẳng định ông Vũ Quang Huy – Chủ tịch UBND
phường Nguyễn Phúc làm sai.
Theo Điều lệ
Đảng, hình thức kỷ luật đối với ông Huy là khiển trách; đồng thời ông Huy sẽ
phải công khai xin lỗi bà Hiền.
Từ câu chuyện
“thật như đùa” ấy, hẳn là nhiều người dân sẽ rất lo lắng, băn khoăn lắm, bởi
nếu một ngày nào đó chẳng may họ bị gán cho cái tội “chống đối Đảng, chính
quyền”, không biết sẽ ra sao?
Lo xa như vậy
cũng chẳng thừa, bởi trong những năm gần đây, đã có quá nhiều vụ việc xảy ra
thể hiện sự trì trệ của những cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là những
người có trách nhiệm ở các phường xã lâu nay đã bị người dân than phiền rất
nhiều.
Họ hưởng lương
từ thiền thuế dân đóng góp; hưởng bổng lộc từ vị trí, chức vụ do dân bầu ra.
Nhưng họ lại nghĩ rằng, ngồi ở chiếc ghế đó, họ có quyền sinh, quyền sát, áp
đặt cho người dân bất cứ điều gì mà tự họ cho là đúng.
Khi người dân
không chịu nổi thói quan liêu ấy và phản ứng thì họ lập tức dùng sức mạnh
chính quyền để quy kết, điều đó khiến cho người dân càng bức xúc hơn.
Nói như Đại
biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thì những bức xúc của người dân có chung
một nguyên nhân là sự vô cảm của một số cơ quan trong bộ máy nhà nước và đội
ngũ thực thi công vụ là cán bộ công chức, viên chức.
Thì đã có vô
khối các vụ quan xã, quan huyện, quan ở các sở ngành hành xử “vô cảm” với
người dân đấy thôi.
Đấy là vụ ông
Nguyễn Văn Tấn – chủ quán café Xin chào ở huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh)
bị khởi tố với những lý do hết sức nhí nhố và ngay lập tức Thủ tướng Chính
phủ đã ra tay “dẹp loạn”. Sau vụ việc này, ông Trưởng Công an huyện Bình
Chánh đã bị cách chức.
Nhưng vừa mới
đây, ông Tấn lại bị Chủ tịch Thị trấn Tân Túc ra lệnh xử phạt vì “Tổ chức thi
công công trình container trên đất không được phép xây dựng theo khoản 1 Điều
12 Nghị định 180/2007. Quyết định yêu cầu các đơn vị cấp điện, cấp nước phải
dừng ngay việc cấp điện, cấp nước. Trong thời hạn 3 ngày ông Tấn phải tự tháo
dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế...”.
Theo các luật
sư thì Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Chủ tịch Thị trấn Tân Túc – ông Nguyễn
Thanh Vũ đang cố vẽ ra lỗi để xử lý ông Tấn.
Cách hành xử
này có lẽ sẽ chỉ khiến cho người dân bức xúc hơn mà thôi? Cách hành xử thô
bạo ấy của những người nhân danh Đảng, nhân danh chính quyền cũng sẽ đẩy người
dân ra xa Đảng hơn, và chỉ khiến cho người dân mất niềm tin với Đảng.
Một vụ việc khác mà Báo Điện tử Giáo
dục Việt Nam đã từng đề cập cách đây 2 tháng là bà Bùi Thị Kiểm (sinh sống tại thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh
Phúc) bị buộc thôi việc oan và
đã gõ cửa khắp các cơ quan địa phương tới trung ương hơn 30 năm nay để tìm
lại công lý.
Sau rất nhiều năm thụ lý đơn của ông
dân thì mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tìm cách “đá” vụ việc này sang tỉnh
Phú Thọ. Đó chẳng phải là thói quan liêu, vô cảm hay sao?
"Vô
cảm" và "áp đăt" là một "căn bệnh" rất cần phải có
thuốc kháng sinh đặc trị đối với một bộ phận cán bộ công chức, viên chức.
Nếu không tìm
được thuốc chữa cho căn bệnh này, người dân sẽ không còn tin vào lãnh đạo
nữa. Khi niềm tin cạn dần thì cũng đồng nghĩa với nguy cơ đất nước sẽ phải
đối diện với nhiều hiểm họa hơn. Bởi thế mà khi người dân còn thể hiện sự bức
xúc đối với các vấn đề xã hội, đối với những hành vi gian dối của quan chức
thì đó là một tín hiệu mừng.
Hơn nữa, ở khía cạnh nhà nước pháp quyền thì đó là sự thể hiện dân chủ, mà theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra”.
Còn người sáng
lập chủ nghĩa cộng sản là ông K. Marx thì: “Sự phát triển tự do của mỗi người
là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Xã hội muốn
phát triển thì tự do cá nhân của mỗi con người phải được tôn trọng. Nhưng
trên thực tế có khi đưa ra một quan điểm trái chiều, không cẩn thận sẽ bị quy
chụp là “suy thoái tư tưởng”.
Điều đó sẽ
khiến cho nhiều nhân sĩ, trí thức e ngại khi muốn góp ý cho những yếu kém của
đất nước.
Có lần Đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên Huế) cũng đã đặt ra vấn đề khi thảo luận về dự án Luật trưng cầu ý dân rằng: Nếu người dân không đồng tình và đưa ra ý kiến khác thì có bị cho là xuyên tạc không?
Băn khoăn ấy
của Đại biểu Đồng Hữu Mạo cách đây 1 năm cho đến bây giờ vẫn còn nguyên tính
thời sự, và lối hành xử của ông Chủ tịch phường Nguyễn Phúc (Yên Bái) chỉ là
một thí dụ cụ thể mà thôi.
Điều đáng lo hơn là ở khắp hơn 6.000 xã, phường, thị trấn trên cả nước, còn có bao nhiêu lối hành xử quy chụp như vậy với dân không? Và nếu có thì cách xử lý sẽ ra sao? Khiển trách và xin lỗi công khai là xong, hoặc nếu cần nữa thì sẽ chua thêm câu “rút kinh nghiệm sâu sắc”?
Trong khi đó
nếu ở chiều ngược lại thì có khi người dân sẽ bị quy tội “vu khống” hay “bôi
nhọ lãnh đạo”?
Và để không bị
quy kết là “chống đối Đảng”, “suy thoái tư tưởng”, “chống đối chính quyền”...
có lẽ cách tốt nhất là vờ như không biết, không nghe thấy. Có nghĩa là suy
nghĩ dù khác nhau nhưng phải nói giống nhau, hành xử giống nhau.
Đó sẽ là một
thảm họa vì nó sẽ tạo nên một xã hội giả dối, mà có lần GS.Nguyễn Minh Thuyết
nói rằng đó là “bệnh đồng phục”, làm đảo lộn hết các giá trị thật.
Nhìn ở một góc
độ khác, các nhà quản lý của đất nước hẳn sẽ rất lo lắng khi mà kết quả khảo
sát của Tổ chức hướng tới sự minh bạch chỉ ra rằng, có tới hơn 90% thanh niên
được hỏi đánh giá cao về giá trị liêm chính, nhưng cũng có tới 35% thanh niên
sẵn sàng thỏa hiệp với tham nhũng (năm 2011 là 29%).
Có rất nhiều lý
do khiến cho người ta không thể giữ được liêm chính, nhưng đều có liên quan
tới thái độ nhũng nhiễu của cán bộ công chức, viên chức. Và, nhiều người dân
chọn cách thỏa hiệp, không nói khác, để tránh bị quy chụp, bị xử ép.
Đại hội XI của
Đảng đã đặt một mốc son trong lịch sử khi đưa hai chữ “dân chủ” lên hàng đầu.
Đại hội XII vừa qua, yêu cầu “dân chủ” tiếp tục được Đảng chú trọng.
Theo lẽ ấy, GS. Nguyễn Minh Thuyết bình
luận: “Nếu hiểu tự do, dân chủ có ý nghĩa quyết định như thế nào đối với sự
phát triển của mỗi người và đất nước thì chắc chắn chúng ta phải khắc phục
nhanh chóng và triệt để căn bệnh đồng phục đáng buồn”.
86 năm trước,
đất nước ở vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng Bác Hồ và Đảng đã tìm
mọi cách, kiên trì từng bước vượt qua khó khăn để giữ gìn độc lập, tự do cho
dân tộc.
Nhân dân tin và
đi theo Đảng chỉ với một lý do duy nhất, Đảng làm tất cả vì quyền lợi của
nhân dân. Lý lẽ ấy đơn giản, nhưng thật chân thành và sâu sắc.
Bây giờ nhiều
người nói vui mà sâu sắc rằng: “Bao giờ Đảng ta trở lại sự mẫu mực như ngày
xưa”. Khi chúng ta mở cửa phát triển và thực hiện nền kinh tế thị trường, có
nhiều mặt tốt đã đạt được, nhưng bên cạnh đó có nhiều Đảng viên đã mắc khuyết
điểm, vi phạm pháp luật, làm giàu bất chính. Họ nhân danh Đảng để làm
những điều xấu xa, lạm quyền, vượt quyền, gây thêm bức xúc trong xã hội.
Bởi thế, Đảng
cần phải sớm chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” ấy là những ai, xử lý nghiêm minh
để một bộ phận “chưa bị lộ” không còn dám nhân danh Đảng để chèn ép nhân dân.
(Theo Giáo dục
VN) Ngọc Quang
|
Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét