LOAY HOAY CHẶN
LẠM THU PHÍ BOT
Cập nhật lúc 07:10
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận
tải thay đổi hình thức quản lý các trạm thu phí BOT theo hướng khoán doanh
thu nhằm tạo sự minh bạch
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết cả nước hiện có 48 trạm thu phí
hoàn vốn cho 43 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý đang kinh
doanh, khai thác. Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm 30 trạm thu
phí BOT hoạt động.
Tạo sự minh bạch
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng cục
Đường bộ vừa đề xuất với Bộ GTVT về việc khoán doanh thu cho các trạm thu phí
BOT. Cơ sở của việc khoán doanh thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát của Tổng
cục Đường bộ và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hằng năm (căn cứ vào tốc độ
tăng trưởng kinh tế). Thời gian khoán là 5 năm/lần. Sau 5 năm, cơ quan có
thẩm quyền sẽ tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp
theo.
Lý giải về đề xuất này, đại diện Tổng
cục Đường bộ cho rằng nếu thực hiện được, bên cạnh sự minh bạch trong công
tác thu phí giao thông, cơ chế khoán còn giúp các nhà đầu tư chủ động hơn.
Đây thực sự là lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh
nghiệp và nhà nước, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro. Trong trường hợp mức
thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới mức đó thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù
vào và sẽ có điều chỉnh ở giai đoạn 5 năm tiếp theo.
“Việc khoán doanh thu chỉ được thực
hiện trên kết quả thực của dự án sau khi đã được kiểm toán mức đầu tư, mức
thu và thời gian thu phí. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ, cơ quan quản lý nhà
nước và nhà đầu tư sẽ phải cùng tính toán lưu lượng xe cũng như dự báo tốc độ
tăng trưởng để đưa ra mức khoán hợp lý” - ông Cường giải thích.
Đề xuất khoán thu phí BOT được đặt ra
trong bối cảnh có nhiều vấn đề liên quan tới chuyện thu phí chưa minh bạch
thời gian gần đây. Thực tế, Tổng cục Đường bộ cũng đã liên tục giám sát các
trạm thu phí BOT.
Trong tháng 7-2016, đơn vị này đã có
cuộc kiểm tra 10 ngày tại các trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu
Giẽ (Hà Nội). Tiếp đó, từ ngày 15-8, tổng cục kiểm tra tại trạm thu phí số 2,
Km 82+300 trên Quốc lộ 5 (TP Hải Phòng) do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và
Đầu tư tài chính Việt Nam quản lý, khai thác. Mới nhất là ngày 21-8, tổng cục
bắt đầu giám sát 10 ngày liên tục đối với công tác thu phí tại trạm Đại Yên
(TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) do Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương quản
lý, khai thác.
Qua các đợt kiểm tra, Tổng cục Đường bộ
đã chứng minh các trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu
gần 2 tỉ đồng/ngày nhưng báo cáo chỉ có 1,2 tỉ đồng/ngày.
Trạm BOT Pháp
Vân - Cầu Giẽ báo cáo chỉ thu phí được 1,2 tỉ đồng/ngày nhưng qua kiểm tra,
Tổng cục Đường bộ phát hiện thu đến gần 2 tỉ đồng/ngày
Chờ chủ đầu tư... gật đầu
Dù đề xuất khoán thu phí BOT nhằm tạo
sự minh bạch nhưng khi đưa vào thực tế, nhiều ý kiến cho rằng sẽ gặp rất
nhiều khó khăn. Trước tiên là hợp đồng đã được Bộ GTVT ký với nhà đầu tư
không có điều khoản nào quy định về việc khoán thu.
“Việc này phải được nhà đầu tư đồng ý
thì mới thực hiện được. Cơ quan quản lý nhà nước không thể cứ muốn khoán là
khoán mà phải có sự thương thảo, thống nhất giữa các bên. Thậm chí, nếu nhà
đầu tư không đồng ý thì cũng không thể triển khai” - ông Cường thừa nhận.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công
ty Vận tải Đất Cảng (TP Hải Phòng), lo ngại việc khoán thu phí BOT sẽ làm ảnh
hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Bên nhận khoán bao giờ cũng
muốn thu được nhiều hơn nên giá dịch vụ chắc chắn sẽ không bao giờ giảm.
Ngoài ra, do giá dịch vụ (vé qua trạm thu phí BOT) hiện rất cao, người sử
dụng đang cần sự quản lý đúng, đủ hoặc kéo dài thời gian khấu hao để có cơ
hội giảm phí. Việc khoán thu chỉ nên áp dụng khi không thể quản lý được hoặc
có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút và đặt trách nhiệm cao hơn đối với đơn vị
được khoán.
“Hiện nay, người dân muốn có sự minh
bạch trong thu phí và đầu tư BOT để giám sát mức thu có hợp lý hay không. Do
vậy lúc này nếu tính chuyện khoán thu phí là không hợp lý và chắc hẳn sẽ
không được người dân đồng tình” - ông Hải nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ
Đình Ánh cho rằng việc khoán thu phí BOT sẽ khó đạt được kỳ vọng là sự minh
bạch trong thu phí. Bởi lẽ, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý dễ bị
buông lỏng khi họ chỉ quan tâm đến mức khoán phải thu. Theo ông Ánh, áp dụng
công nghệ thu phí tự động để giám sát việc thu phí tại các trạm BOT là giải
pháp hợp lý và hiệu quả hơn.
Nên áp dụng thu phí không dừng
Thứ trưởng
Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng để quản lý và chống thất thu, tiêu cực
tại trạm thu phí BOT, cần triển khai đồng loạt các trạm thu phí không dừng.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần tăng cường
giám sát tại các trạm thu phí.
Theo ông
Nguyễn Xuân Cường, công nghệ thu phí không dừng là phương án rất văn minh,
hiệu quả, minh bạch bởi mỗi phương tiện đi qua trạm BOT đều có một tài khoản,
phí tự động trừ vào tài khoản. Các số liệu này hằng ngày, hằng giờ sẽ được
truyền về các bên liên quan, người ngoài không thể can thiệp.
Tuy nhiên,
ông Cường cho rằng việc này cần có lộ trình thực hiện. Ông băn khoăn: “Chúng
tôi dự định vận hành việc thu phí không dừng vào đầu tháng 7-2016 nhưng mốc
mới nhất đã lùi xuống hết quý III/2016, hiện cũng sắp hết quý III và chưa
biết có kịp không. Việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân”.
(Theo Người Lao động) Văn Duẩn
|
Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét