Tuổi thật, tuổi giả
Cập nhật lúc 08:09
Lâu
nay có một hiện tượng khá phổ biến: Một số cán bộ trong biên chế Nhà nước
thường có hai loại tuổi - tuổi khai trong lý lịch và tuổi thật.
Vì sao phải nói
tới biên chế Nhà nước? Vì rằng những người lao động, những người làm trong
các doanh nghiệp tư nhân thường chỉ có một loại tuổi, nghĩa là tuổi khai
trong hồ sơ lý lịch và tuổi thật là một.
Vấn đề đã rõ
như ban ngày. Rõ ràng những người có hai, thậm chí ba loại tuổi là nhằm mục
đích không trong sáng. Họ khai giảm một vài tuổi so với tuổi thật chủ yếu
nhằm để được thăng quan tiến chức, để chậm phải về hưu. Đương nhiên, cũng
phải thành thật xin lỗi các bác, các anh, các chị, những người đã từng một
thời tự nguyện khai tăng một, hai tuổi cho đủ tuổi 18 để được đi bộ đội chống
Mỹ, cứu nước vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Và đó là những hành động
rất đáng trân trọng của cả một thế hệ thanh niên yêu nước thời bấy giờ.
Mới đây Ban Bí
thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 13-TB/TW kết luận về việc xác định
tuổi của đảng viên. Thông báo nêu rõ: “Việc sửa lại tuổi của một số cán bộ,
đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội,
HĐND, UBND các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới
thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu… đã gây ra những
khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn
vị ở các cấp trong công tác cán bộ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong
đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Từng công tác
tại một số cơ quan, đơn vị, chúng tôi thường nghe chuyện này, muốn biết anh
ta bao nhiêu tuổi thì cứ lắng nghe lúc anh ta lấy tuổi làm nhà. Bởi vì chả
hiếm anh nọ, chị kia trong túi có 3 đến 4 loại giấy tờ thì cũng chừng ấy loại
tuổi. Có loại thẻ “không thuộc thể loại nào” như thẻ ra vào cổng học viện thì
bỗng nhiên tuổi cao vút cần câu, là để được… làm anh người khác. Còn ngày
tháng năm sinh trong lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên thì cứ như có bánh xe
lăn qua lăn lại.
Có anh bạn học
phổ thông với chúng tôi, là đồng môn thì cũng “đồng niên”, nhưng sau này khi
mọi người đã về hưu ở tuổi 60 thì anh mới có… 54 tuổi. Anh bảo, mới rồi may
quá tìm được bản điều tra dân số gốc ở xã. Có anh bảo, tuổi thật của tôi năm
nay là 60, nhưng các cụ ngày trước có nhớ đâu, lúc đi làm khai sinh cứ nhớ
ang áng, khai ngày tháng theo cái ngày đi làm giấy khai sinh. Thành thử mình
“trẻ” hơn tới… 4 tuổi. Chị nọ bảo, em năm nay mới ngoài 40, anh nhìn mặt em
thì biết. Thế nhưng lúc làm giấy tờ đi học trung cấp, mấy bác tổ chức ghi sai
bét, tên sai, tuổi sai… Mà đâu có phải họ chỉ khai giảm năm, có khi họ tính
toán chi li giảm một tháng, vài tháng, thậm chí giảm đến ngày, một ngày là có
thể sang tháng khác, năm khác. Và việc tiếp tục tái cử hay thôi, tổ chức sẽ
căn cứ vào cái “ngày giả quý giá” đó.
Nghĩa là có rất
nhiều lý do để sai, mà toàn sai… giảm tuổi.
Nghĩa là toàn
những lý do khách quan, bởi mình có được cầm hồ sơ cán bộ, đảng viên bao giờ
đâu.
Cho nên có anh
trai cả tuổi còn kém cả em thứ hai và chú út (!). Có anh 16 tuổi đã sinh con
đầu lòng (!).
Thật là lộn
xộn. Thật là xấu hổ với anh em cán bộ đồng cấp và cấp dưới.
Nhiều năm qua,
Đảng ta có chủ trương cho bổ sung lý lịch đảng viên hằng năm. Đó là bổ sung
những điều cần thiết như hoàn cảnh gia đình, thay đổi nơi công tác, chức vụ,
nơi cư trú, thu nhập cá nhân… Còn tuổi đảng viên, có thay đổi cũng là chuyện
rất hiếm có. Vậy mà không hiểu sao có ông nọ, bà kia vẫn tìm đủ cách để “trẻ
hóa cán bộ”. “Chạy tuổi” cũng có nhiều sách và nhiều cách. Đoạn trường ai có
qua cầu mới hay.
Khai man lý
lịch. Chỉ có thể gọi đúng tên sự thật một cách trần trụi như thế.
Khai giảm tuổi
để mưu cầu lợi ích cá nhân, tham quyền cố vị, để còn tuổi quy hoạch và bổ
nhiệm cho nhiệm kỳ sau dẫn đến nhiều tác hại. Nó ảnh hưởng đến công tác cán
bộ trong cơ quan. Nó cản bước đồng chí, đồng nghiệp, nhất là những người có
tài, nhưng tự trọng, không lấy việc lên chức nọ tước kia làm thước đo sự
nghiệp, cần làm việc lớn chứ không mưu làm quan lớn. Nó gây nghi kỵ, bè cánh,
mất đoàn kết trong cơ quan.
Nhưng có một
tác hại lớn nhất là nó làm tổn hại danh dự, uy tín của người lãnh đạo. Ngày
sinh tháng đẻ là sự thật hiển nhiên như ánh nắng, như khí trời, là cái cha mẹ
cho mà anh còn làm giả được thì có cái gì anh không có thể làm giả? Các tệ
nạn tham nhũng, cơ hội, quan liêu có thể khó tìm bằng chứng. Nhưng điều mắt
thấy tai nghe như tuổi giả, bằng cấp giả thì nó sờ sờ trước mắt. Sự mất niềm
tin của quần chúng nhân dân với Đảng do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân
không đáng tin từ tấm lý lịch cán bộ thì chả trốn vào đâu được.
Thật là tai hại
khi ở đâu đó còn những vị có năm sinh tháng đẻ được lắp bởi những bánh xe.
(Theo Năng lượng Mới) Thành Nam
|
Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét