Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Thống đốc Lê Minh Hưng “dẹp loạn 12 sứ quân” tại Eximbank như thế nào?

Cập nhật lúc 08:55  

Rà soát lại thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của nhóm cổ đông bầu bổ sung vào thành viên HĐQT của Eximbank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng muốn tìm giải pháp để “dẹp loạn 12 sứ quân” giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) vừa bất ngờ thông báo hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 2.8 sắp tới. Nguyên nhân hoãn tổ chức được HĐQT Eximbank cho biết do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của cá nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT.
NHNN sẽ cử người tham gia HĐQT Eximbank?
Trước đó, Eximbank công bố tài liệu ĐHĐCĐ bất thường với thông tin đã nhận được 8 hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự của 8 ứng viên dự kiến bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.
Căn cứ danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 đã được cổ đông đề cử, ứng cử, HĐQT Eximbank sẽ xem xét và trình xin ý kiến NNHNN thông qua.
Yêu cầu hoãn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường Eximbank cho thấy, NHNN đang tìm giải pháp để xử lý những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, Eximbank không vướng phải những vấn đề về tài chính mà vấn đề của ngân hàng chính là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn.
“NHNN muốn vấn đề sở hữu chéo ở Eximbank được giải quyết triệt để. Dù không nêu rõ, nhưng có vẻ ở đây nhóm cổ đông đồng thời sở hữu ngân hàng Nam Á và Eximbank đang được đề cập đến”, HSC bình luận.
Để giải quyết mâu thuẫn của nhóm cổ đông của Eximbank, có lẽ NHNN sẽ thông qua cổ phần của Vietcombank tại Eximbank để cử người đại diện vào thành viên HĐQT.

 thong doc le minh hung “dep loan 12 su quan” tai eximbank nhu the nao? hinh anh 1
 Eximbank bất ngờ thông báo hoãn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 2.8 tới

Hiện Vietcombank đang nắm giữ 101 triệu cổ phiếu EIB, tưởng ứng với tỷ lệ 8,19% vốn điều lệ Eximbank. Vietcombank có 2 đại diện ở Eximbank nhưng hiện không điều hành, quản trị.
“Với những diễn biến tại Eximbank, NHNN có thể sẽ dùng các kết quả thanh tra để có sự can thiệp sâu hơn ở ngân hàng này và giải quyết các bất đồng kéo dài về mặt sở hữu. Cũng từ bài phát biểu của Thống đốc, có thể thấy NHNN sẽ cử người đại diện cho phần vốn nhà nước thông qua sở hữu cổ phần tại Eximbank của Vietcombank”, CTCK TP.HCM (HSC) bình luận.
Giới phân tích cũng cho rằng, chỉ khi dẹp loạn được những xung đột giữa các nhóm cổ đông của Eximbank, ngân hàng này mới có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh và lợi nhuận mới có thể cải thiện được.
Eximbank cần nhân tố mới
Sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với NamABank. Tại ĐHĐCĐ năm 2015, NamABank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank.
Cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông trong điều hành hoạt động của Eximbank. Cụ thể, trong số 8 thành viên HĐQT hiện tại (do ông Cao Xuân Ninh đại diện cho cổ đông lớn là Vietcombank đã có đơn xin từ nhiệm), chỉ có 3 người là đại diện cho 3 nhóm cổ đông với tỷ lệ sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Eximbank.
Nhóm thứ nhất do ông Naoki Nishizawa và Yasuhiro Saitoh là thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài.
Nhóm thứ hai là ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông gồm bà Ngô Thu Thúy, các công ty có liên quan đến bầu Kiên (CTCP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, CTCP đầu tư Á Châu).
Nhóm thứ ba bao gồm 5 thành viên trong HĐQT Eximbank là các ông Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải gần như không có người nào nắm giữ cổ phần của Eximbank. Ông Quốc hiện đang là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy.
Sự mâu thuẫn của các nhóm cổ đông đã đẩy Eximbank lún sâu vào khủng hoảng khi lợi nhuận năm 2015 không còn duy trì được ở mức dương và bị lỗ nặng. Thậm chí, cổ phiếu EIB đã bị Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8.4.2016 do hai năm liên tiếp bị lợi nhuận âm.
Sự khủng hoảng của Eximbank bắt đầu từ năm 2011. Theo đó, nhiều chỉ số như tổng tài sản, lợi nhuận liên tục tụt dốc. Năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng từ mức 183.567 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn 161.103 tỷ đồng vào cuối năm 2014 và đến năm 2015 giảm xuống 125.829 tỷ đồng.
Lợi nhuận cũng theo chiều hướng đi xuống. Từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng, sau 2 năm, Eximbank “rớt đài” tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi  xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817,47 tỷ đồng.
Rõ ràng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay của Eximbank là tái cơ cấu nhân sự cấp cao của ngân hàng. Chỉ có một HĐQT minh bạch, công tâm mới có thể giúp Eximbank vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Đây chính là thách thức đầu tiên mà Thống đốc Lê Minh Hưng phải vượt qua khi bắt đầu chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong nhiệm kỳ của mình.
Hiện thị trường đã có một vài đồn đoán về nhân sự cấp cao được NHNN chọn để đưa vào Eximbank trong ĐHĐCĐ bất thường sắp tới. Song mọi vấn đề chỉ rõ ràng khi Eximbank thực hiện thành công ĐHĐCĐ bất thường sắp tới đây.
(Theo Dân Viêt) Trần Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét