“Lãi suất USD 0%” đã thất bại
Cập nhật lúc 07:02
Từ ngày 1/6, Ngân hàng Nhà nước mở lại tín dụng ngoại tệ
đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ
Quy định này áp dụng đến hết ngày 31-12
với lãi suất cho vay phổ biến 3%/năm (0,25%/tháng), thời hạn vay khoảng 3-4
tháng, đồng thời phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (NH) theo tỉ giá ngay tại
thời điểm giải ngân. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, NH Nhà nước đã 3 lần
“đóng” rồi lại “mở” cho vay - bán ngoại tệ.
Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn
Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, động thái nêu trên nhằm giúp doanh nghiệp
(DN) còn khó khăn, cần hỗ trợ cho vay - bán ngoại tệ. Mặt khác, Việt Nam có nguồn
ngoại tệ dồi dào, cần khai thác nguồn lực này, tức là có huy động thì phải
cho vay.
“Thay vì chờ đến khi thu được tiền, NH
sẽ ứng trước một khoản ngoại tệ để DN xuất khẩu bán lấy tiền kinh doanh nhưng
chỉ trả lãi suất theo USD, thấp hơn nhiều so với lãi vay VNĐ” - ông Phước
giải thích.
Trước đó, từ ngày 18-12-2015, lãi
suất USD gửi vào NH của cá nhân và DN đều giảm về 0%. Chính sách này
nhằm mục tiêu thực hiện lộ trình chống đô-la hóa và giảm áp lực lên tỉ giá.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu huy động ngoại tệ năm
2014 chỉ tăng 4% thì năm 2015 tăng vọt lên 16% và đặc biệt tăng cao vào 4
tháng cuối năm.
Nguyên Thống đốc NH Nhà nước Lê Đức
Thúy nhận định huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay, chứng tỏ găm giữ
ngoại tệ trong dân đang tăng lên. Chính sách này đã không thực hiện được mục
tiêu chống đô-la hóa.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng
gửi ngoại tệ trong nước không được hưởng lãi suất như các nước lân cận nên
dòng tiền sẽ tìm cách đi vòng để đến chỗ có lợi nhuận. Vừa qua, tiền gửi của
NH Việt Nam ở nước ngoài tăng lên không đơn thuần chỉ là phục vụ cho nhu cầu
thanh toán quốc tế của các NH. Ngay ở trong nước, hiện tượng lách lãi suất
USD cho thấy cầu tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức cao. Vì vậy, theo nhiều chuyên
gia, nếu tiếp tục kéo dài chính sách này sẽ khiến thị trường tiền tệ méo mó.
Nên nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng NH Nhà nước cần xem xét
lại chính sách lãi suất USD bằng 0%. “Làm sao để tiền tiết kiệm của người dân
không chạy ra nước ngoài mà để lại trong nước. Quan trọng hơn là phải chuyển
được tiết kiệm của dân cư thành vốn đầu tư tại Việt Nam chứ không phải đầu tư
ra nước ngoài vì nền kinh tế của ta đang rất thiếu vốn” - TS Cung nhìn nhận.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực,
nên xem xét tăng nhẹ lãi suất huy động USD của khách hàng cá nhân để huy động
dòng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân nhằm tăng thêm nguồn vốn bằng ngoại tệ để
phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu.
TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch NH
Bưu điện Liên Việt, nhận định sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xem xét
mở lại tín dụng ngoại tệ, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD cũng cần
được cân nhắc để có sự đối ứng phù hợp.
Thời gian qua, trần lãi suất huy động
USD áp 0%/năm khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ
hạn, tiền gửi thanh toán. Các NH cũng vì thế phải “lách” trần huy động hay
tìm cách vay từ nước ngoài. Việc nâng lãi suất lên trên 0% sẽ tạo động lực
kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi về các NH, giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn ngoại
tệ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế
Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cùng với việc mở cửa tín dụng ngoại tệ, NH Nhà nước
nên xem xét nâng lãi suất huy động USD lên mức như trước khi điều chỉnh là
0,25%/năm thay vì 0%/năm hiện nay.
Theo
báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5-2016 của Trung tâm Nghiên cứu NH Đầu tư và Phát
triển Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, NH Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối
khi mua thêm 7 tỉ USD.
Theo Người lao động
|
Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét