'Cò' giúp CSGT thi hành công vụ, 'dịch vụ' hay lạm quyền?
Cập nhật lúc 08:49
(Người Việt)
- Khi CSGT thổi dừng người vi phạm giao thông thì ngay lập tức, có những
người mặc thường phục đứng ra trợ giúp làm… dịch vụ.
Xem chùm ảnh “Tận thấy cảnh bát nháo “cò” thi hành công vụ cùng CSGT ở
Hải Phòng” trên báo điện tử VTC News sẽ ngạc nhiên với một dịch vụ mới: “cò”
giúp CSGT thi hành công vụ. Đó là câu chuyện xảy ra ở chốt cầu phao tạm bắc
qua sông Lạch Tray (hướng từ quận Kiến An và các huyện phía Nam ngoại thành
Hải Phòng vào nội thành), ngoài những người mặc sắc phục công an, còn có
những người đàn ông mặc thường phục đứng ra giúp CSGT để việc xử lý vi phạm
thêm phần… trôi chảy, thông suốt.
Bài báo cho biết: “Sau khi kiểm tra hành chính giấy tờ và phương tiện
của người điều khiển, nếu mắc lỗi, các cảnh sát đưa giấy tờ cho những người
đàn ông mặc đồ dân sự dẫn người vi phạm vào trong ngõ nhỏ gần đó để cán bộ
công an xử lý theo các mức độ khác nhau.
Không chỉ “vận chuyển” giấy tờ, “cò” còn kiêm cả việc dắt xe của người
vi phạm. cứ liên tục như vậy, bước chân của các “cò” nhanh thoăn thoắt, chạy
vào rồi lại chạy ra chỗ có tổ CSGT đang dừng phương tiện, kiểm tra hành
chính. Khi mệt hoặc có nhiều phương tiện bị dừng, xử lý, các
“cò”sẽ chuyển sang “chạy tiếp sức”. Xe mô tô, hay xe ô tô; 1 chiếc hay vài
chiếc vi phạm cũng vẫn dừng để kiểm tra, xử lý như thường vì đã có các
“cò giúp sức thi hành công vụ”.
Trong quá trình “tác nghiệp”, các “cò” xảy ra mâu thuẫn với nhau nên
đã có hành vi “xung đột” chỉ mặt nhau. Sau những ngày “mục kích”,
PV VTC News đến tận hiện trường tác nghiệp thì lập tức có một cán bộ xưng là
tổ trưởng đến hỏi thăm giấy tờ. Trong lúc trao đổi, hỏi thăm về vấn đề hướng
dẫn, điều tiết và xử lý vi phạm giao thông tại đây, một nhân viên gác cầu và
một “cò” đến chửi bới, đe dọa, xúc phạm phóng viên và cơ quan báo chí ngay
trước mặt các cán bộ công an”.
Câu chuyện ở Hải Phòng này nghe quen quen, bởi cũng đã từng rất nhiều
lần trước đây, khi có vi phạm giao thông xảy ra, nếu người vi phạm cự cãi với
CSGT sẽ có đầu gấu đứng ra “xử giùm” như vụ ở TP HCM. Rồi vụ khác ở Đồng Nai,
1 nhân viên tiếp thị sữa cũng “làm thêm” bằng cách nghe bộ đàm giúp CSGT,
đánh người vi phạm giao thông chảy máu miệng.
Như vậy có thể thấy, CSGT ở 1 số địa phương kể trên đã rất bận rộn
(hoặc thiếu nhân lực) đến mức không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình,
đành phải có thêm dịch vụ “cò” xử lý vi phạm, giúp họ thi hành công vụ. Vậy
tiền thuế của dân, tiền nộp phạt xử lý vi phạm của người dân rất có nguy cơ
phải “chia” ra để “nuôi” đội ngũ phụ tá này? Thật là một chuyện hoang đường
nhưng rất có khả năng là hoàn toàn có thật.
Nhiều ý kiến độc giả cho biết, họ đã phải làm việc với “cò” khi bị
CSGT thổi phạt, những lỗi rất nhẹ, không đáng phạt mà chỉ nên nhắc nhở như
bật đèn xinhan muộn một chút, cũng phải “chung chi” 200 ngàn mới được đi vì
“cò” đã nhanh chóng chạy ra dắt xe của họ.
Tại sao “cò” lộng hành như vậy? Tại sao CSGT không thi hành hết phận
sự của họ khi xử lý người vi phạm giao thông mà lại chia việc ra để cho “cò”
nhảy vào làm như làm dịch vụ? Phải chăng chốt CSGT này muốn công việc nhanh
hơn “trôi chảy” hơn dẫn đến… “năng suất lao động” cao hơn?
Tại sao khi PV đến làm việc, “cò” lại có quyền chửi bới, xúc phạm PV
ngay trước mặt cán bộ công an như bài báo phản ánh? “Cò” thực chất là những
kẻ nào, quyền lực đến đâu?
Theo các quy định tại Thông tư số 27/2009/TT-BCA ngày
6/5/2009 thì lực lượng cảnh sát mặc thường phục (hóa trang) không được
tham gia xử lý người vi phạm giao thông. Vậy tại sao ở đây, những người mặc
thường phục lại lộng hành như vậy?
Có ai trả lời thỏa đáng được những câu hỏi này không? Thật là lạ..
(Theo
Đất Việt) Mi An
|
Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét