Chuyện "quốc gia no ở giữa” và quốc nạn tham nhũng ngày nay
Cập nhật lúc
15:58
Ngày xưa, quốc
gia “no ở giữa” thì dân nghèo, nước yếu, bọn quan lại giàu có. Ngày nay,
“quốc nạn” tham nhũng là một trong những nguyên nhân đe dọa chế độ.
LTS: Tiếp tục chủ đề chống nạn tham nhũng,
hôm nay, tác giả Trần Sơn (Phú Thọ) thẳng thắn nhìn nhận “quốc nạn” tham
nhũng ở nước ta hiện nay – nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. Hàn Phi, vị pháp gia nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại, có tác phẩm nổi tiếng mang tên ông, “Hàn Phi Tử”. Trong đó có câu chuyện “Quốc gia no ở giữa” nói về tác hại của đám quan lại gian tham đối với mỗi quốc gia. Đọc lại chuyện xưa, dù không phải diễn ra ở nước ta nhưng ngẫm chuyện nay, người viết thấy có nhiều điều mà hiện nay chúng ta đang gặp giống như Hàn Phi đã cảnh báo từ hơn 2000 năm trước. Triệu Giản Chủ ra lệnh thu thuế. Viên quan thu thuế hỏi nên thu thuế nhẹ hay nặng.
Giản Chủ đáp: “Không nhẹ, không nặng.
Đánh nặng thì cái lợi quy về người trên, đánh nhẹ thì cái lợi quy về dân
chúng. Làm quan không có lợi tiếng như thế là đủ”.
Bạc Nghi nói với Triệu Giản Chủ: “Nước của bệ hạ no ở giữa". Giản Chủ hớn hở vui mừng, hỏi: "Làm sao như thế?". Bạc Nghi nói: "Kho lúa, kho tiền trống rỗng ở trên, trăm họ nghèo khổ ở dưới, nhưng bọn quan lại thì giàu có" (Hàn Phi Tử - quyển XIV, thiên XXXV). Việc đóng thuế phí là nghĩa vụ của mỗi công dân, quốc gia nào cũng vậy.
Nhưng đánh thuế, thu phí theo kiểu tận thu,
nhất là “phí bôi trơn” thì chỉ làm cho người dân bức xúc vì không còn đường
làm ăn, sinh sống.
Phải chăng vì thế mà Khổng Tử từng than: “Chính sự hà khắc hơn hổ dữ”? Và, nếu như vậy thì người dân ngày nay làm ăn lương thiện đến mấy cũng không dám “Xin chào” mà đành phải “Bái chào” rồi “Tắt đèn” bán chó, bán con theo chị Dậu!
Cái cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
tréo ngoe, “trên rải thảm, dưới
rải đinh” ấy là cách “bức tử” nhanh nhất đối với giới làm ăn chân
chính.
Người ta không thể tin rằng ở thế kỉ 21 lại có cách hành xử “đổ đất lấp cổng nhà máy” để đòi tăng phí môi trường. Rồi những người hành nghề xe ôm, chạy chợ, giao hàng... với phương tiện là cái xe máy cũ nát có giá trị chưa bằng nửa cái gương xế hộp của các vị “công bộc” tỉnh lẻ, thế mà họ vẫn phải đóng phí đường bộ hàng năm. Có phải vì thấy cái sự bất hợp lý, không khả thi đó mà Chính phủ đã ra quyết định dừng thu phí đường bộ đối với xe máy từ 5/6/2016 sau 3 năm thực hiện? Bây giờ mời độc giả cùng trở lại chuyện “Quốc gia no ở giữa”.
Nước ta hiện vẫn đang là
nước kém phát triển.
Theo Ngân hàng thế giới, nợ công của Việt Nam năm 2015 bằng 63,8% GDP tương đương 2.675.070 tỉ đồng (khoảng 120 tỉ USD). Nếu chia số nợ công này theo đầu người thì mỗi người dân Việt Nam từ sơ sinh cho đến bạc đầu phải gánh khoản nợ này gần 29 triệu đồng. Như vậy, chưa thể nói Nhà nước “no” được, vì nợ công nhiều như thế thì Nhà nước làm sao mà “no” được? Còn ở người dân ở dưới thì sao?
Theo Báo điện tử Đảng
Cộng sản Việt Nam thì tỉ lệ hộ nghèo cả nước ước tính còn dưới 5%. Trong đó,
nhiều nơi tỉ lệ nghèo trên 50%, cá biệt có nơi đến 70%.
Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đã có đến 13/63 tỉnh, thành phố xin gạo cứu đói cho dân, chiếm 20,6%.
Số gạo xin cứu đói tỉnh
ít nhất cũng gần 300 tấn, tỉnh cao nhất lên đến hơn 3000 tấn.
Đó là các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Cao Bằng, Nghệ An, Phú Yên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Ninh Thuận, Tuyên Quang.
Những con số trên chứng
tỏ rằng trong Nhân dân tỉ lệ nghèo, tỉ lệ đói vẫn còn cao. Nhìn chung, như
vậy cũng chưa thể nói là toàn dân “no” được.
Trên Nhà nước thì nợ công cao, dưới Nhân dân thì còn có nhiều nơi phải cứu đói mỗi khi Tết đến, thế còn “ở giữa” thì sao? Theo Hàn Phi, tầng lớp “ở giữa” này chính là hàng ngũ quan lại.
Nói như chúng ta ngày nay đó là các “công bộc”
của dân.
Họ có “no” không?
Trước hết phải khẳng định có nhiều quan chức thanh liêm, trong sạch, hết lòng vì dân vì nước.
Nhưng có có một “bộ phận
không nhỏ” quan chức giàu lên một cách nhanh chóng, có nhiều tài sản bất minh.
Trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài “Tỉnh nghèo, quan
chức giàu”, bài báo đã chỉ ra một nghịch lý là tỉnh nghèo nhưng
quan chức lại giàu, thậm chí rất nghèo như Hậu Giang lãnh
đạo tỉnh đi làm bằng xe Lexus cá nhân có giá vài tỉ đồng hay ở huyện Phước
Long (Bạc Liêu), mỗi lãnh đạo cho huyện vay hàng chục tỉ đồng để trả nợ công.
Tỉnh nghèo, huyện nghèo như vậy sao quan chức lại nhiều tiền thế?
Sao họ lại chỉ làm “no ở
giữa”, “no cho nhà mình” như vậy?
Sao không có đề tài khoa học nào nghiên cứu
về vấn đề rất lạ này nhỉ?
Còn nữa, năm 2014, nhiều người hoảng hồn đến “sốc”, rồi “choáng” khi xem bản kê khai tài sản của một vị Phó Tổng thanh tra Chính phủ với tổng giá trị nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, còn các cựu quan chức đã “hạ cánh an toàn” hoặc là hạ cánh có “đôi chút sơ sẩy” nhưng tài sản của họ thì vẫn rất là “khủng” như một cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, hay một ông cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương với rừng cao su bạt ngàn vài chục ha. Gần đây, một số vị cỡ giám đốc Sở mất trộm tiền vàng có giá trị tiền tỉ ở cơ quan hoặc ở nhà mà vẫn “ngậm bồ hòn” chẳng dám khai thật số lượng với cơ quan điều tra, chỉ khi bắt được kẻ trộm thì “cháy nhà mới ra mặt ...tài sản thật”. Đến bé như “anh cu” Giang Kim Đạt, một bị can trong vụ tham ô tài sản nhà nước gần 20 triệu USD, chỉ là quyền Trưởng phòng kinh doanh của một công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc Vinashin cũng đã có tới 40 biệt thự trên khắp cả nước và nhiều tài sản khác có tổng giá trị hàng trăm tỉ đồng. Nghe nói, rồi đây ngoài tài sản đã bị thu giữ, anh ta sẽ phải bồi thường cho nhà nước 249 tỉ đồng.
Không biết rồi các cơ quan thi hành án thu
lại được bao nhiêu phần trăm trong số đó?
Việc “no” của quan chức còn được thể hiện bằng việc tài trợ hoặc tự xây dựng những nhà thờ họ hoặc các công trình khác hoành tráng tiền tỉ ở quê nhà; bằng cả việc cho con cái họ ra nước ngoài học với kinh phí hàng trăm nghìn USD, mặc dù họ vẫn luôn miệng nói rằng: “Giáo dục của ta rất ưu việt”. Chuyện “no” của họ được được thể hiện bằng các buổi tiệc “đám giỗ”, “đám cưới” linh đình với hàng xe biển xanh nối đuôi nhau trước cổng nhà. Rồi chuyện “quan bố xếp chỗ cho con”, không ít các cậu ấm, cô chiêu mới chưa đầy 30 tuổi nhưng đã làm đến Phó tổng giám đốc tổng công ty “khủng” hay Giám đốc Sở. Có chàng hậu duệ “tuổi trẻ tài cao” mà thu nhập cũng...cao vút, cỡ gần 1,5 tỉ đồng trên năm như vừa qua báo chí đã tính hộ. Thế thì đúng là họ quá “no” rồi còn gì! Nhưng xem ra cái “no” của họ vẫn “đúng quy trình” thì phải?
Vì các cuộc kiểm tra,
thanh tra, xác minh rất ít khi phát hiện ra cái sai của họ.
Chẳng hạn như năm 2013 có 944.425 người kê khai tài sản thì chỉ có...1 người là không trung thực. Còn nếu quan chức “no” sai, “no” láo thì sao?
Thì đây, Báo Người lao động ngày 20/1/2015
đưa tin: “Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý 46 người
đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 1 người đã
bị xử lý hình sự; 35 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức
như: Cảnh cáo, khiển trách, 10 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật”.
Vâng, việc thu hồi tài sản “no” sai, “no” láo của quan chức mới khó làm sao! Không biết các vị “no” ấy “tiêu hóa” nhanh cỡ nào mà nhà nước chỉ thu hồi được khoảng 1/10 đến 1/5 số “lương thực” mà họ “chén” sai thôi! Vậy những người có chức quyền mà “no” sai, “no” láo đích thị là tham ô, tham nhũng, “ăn cắp” rồi còn gì?. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân “Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân”. Đảng và Nhà nước ta hiện nay cũng đã xác định: Tham nhũng đã trở hành “quốc nạn” vì nó gây thiệt hại rất lớn về tài sản rất lớn của Nhà nước, của tập thể và của công dân; làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và các cơ chức năng cần phải rà soát, loại bỏ ra khỏi đội ngũ quan chức những kẻ tham nhũng, lộng quyền, hành dân. Đồng thời có các biện pháp hiệu quả để thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng trả lại cho Nhà nước, trả lại cho Nhân dân. Có như vậy thì Nhân dân sẽ bớt đói khổ, ngân sách Nhà nước sẽ dồi dào, không còn tình trạng “no ở giữa” nữa. Thực hiện được tốt điều đó cũng chính là cách thể hiện rõ nhất bản chất của Nhà nước ta: một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch) -NXB Văn học - 2001
2.http://thanhnien.vn/kinh-doanh/no-cong-29-trieu-dongnguoi-691295.html
3.
http://dangcongsan.vn/chuong-trinh-135-va-cac-chuong-trinh-du-an-giam-ngheo/nam-2015-uoc-ty-le-ho-ngheo-ca-nuoc-con-duoi-5-350678.html.
4. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ban-gao-len-troi-20160124210647081.htm.
5.
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/944425-nguoi-ke-khai-tai-san-chi-co-1-nguoi-ke-khai-khong-trung-thuc-20150120121843447.htm.
(Theo
Giáo dục VN) Trần Sơn
|
Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét