Tội phạm nhiều vì nhậu thâu
đêm?: Mất mạng như chơi!
Cập
nhật
lúc 07:35
Nhậu thâu đêm vừa gây mất an ninh trật tự vừa ảnh hưởng
đến sinh hoạt của người dân, thậm chí gây án mạng
“Quán nhậu mở thâu đêm nên những ai
sống gần đó thật sự bất hạnh. Bị tiếng ồn làm cho đinh tai nhức óc, bị chiếm
dụng lối đi, bị “tước đoạt” cả quyền được nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất
vả...” - anh Nguyễn Văn Miên (SN 1986; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ với
Báo Người Lao Động sau bài viết “Tội phạm nhiều vì nhậu thâu đêm?” .
Dời nhà vì chịu không nổi
Đầu năm 2012, anh Miên mua căn nhà trên
đường số 20, phường 5, quận Gò Vấp. Anh rất ưng ý vì mua được nhà giá rẻ, có
vị trí cạnh bờ sông Vàm Thuật thoáng mát. Tuy nhiên, khi về ở được hơn 1
tháng, anh đã hiểu được vì sao chủ trước lại mong bán gấp nhà dù giá thấp hơn
giá thị trường.
Quanh nhà anh bị bủa vây bởi hàng loạt
quán nhậu ven sông hoạt động đến tận 2-3 giờ. Tối đến, cả gia đình anh phải
đóng kín các cửa để tránh tiếng nhạc ồn ã phát ra từ những xe kẹo kéo và
tiếng la hét của thực khách, vậy mà nhiều đêm phải thức đến gần sáng vì các
“bợm nhậu” càng say càng nói nhiều và lớn tiếng. Đỉnh điểm là giữa năm 2013,
một nhóm thanh niên sau khi nhậu đã cầm gậy, chai bia choảng nhau làm náo
loạn cả khu phố.
“Một lần tình cờ đọc bài báo thấy có
người đàn ông bị chém nhầm khi đi ngang quán nhậu, tôi quyết định dời đi nơi
khác sống. Hiện căn nhà tôi cho người khác thuê, cả gia đình ở nhờ nhà bà con
tại quận Tân Phú. Tôi tính bán nhà nhưng giá thấp nên lần lữa, chờ khi nào
mấy quán nhậu dẹp hoặc hoạt động trật tự sẽ quay về” - anh Miên tâm sự.
Nhiều tháng qua, người dân ở chung
cư 595 Cách Mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10) phản ánh quán ốc
phía dưới chung cư hoạt động đến tận khuya; khách vào quán ăn nhậu,
nói chuyện, cụng ly huyên náo khắp cả chung cư. “Nhiều khi khách nhậu
say xỉn lại gây gổ, rượt đuổi đánh nhau khiến chúng tôi rất sợ. Đã
nhiều lần người dân khiếu nại vấn đề này đến chính quyền địa phương
vì ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự, sức khỏe cư dân nhưng mọi
chuyện vẫn không thay đổi” - bà H.T.H (cư dân chung cư) bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, người dân ở
đường Cù Lao (phường 2, quận Phú Nhuận), chung cư Đại Đồng Tiến (đường
Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) cũng luôn sống trong mệt mỏi
bởi các quán nhậu xếp bàn ghế lấn lối đi, chiếm hết không gian công
cộng khiến người dân ra vào rất khó khăn. “Sau một ngày làm việc mệt
nhọc, về nhà phải chịu đựng tiếng ồn từ các quán nhậu có khi đến gần sáng,
thiệt là một sự tra tấn tinh thần. Đó là chưa kể quán nhậu có nhiều
thành phần phức tạp, mình mà lên tiếng, có rượu vào, họ không ngại “xử”,
mất mạng như chơi. Rồi có nhiều người giả vờ nhậu để rình mò tài sản
của cư dân, chờ cơ hội trộm cắp” - ông Nguyễn Văn Tài (ngụ đường Cù
Lao) lo lắng.
Băng côn đồ
nhí tụ tập ăn nhậu ở Công viên Vườn Lan (quận 10) rồi chém chết ngườiẢnh:
Phạm Dũng
Những cái kết đau lòng
Suốt nhiều năm qua, bà con xóm Bưng (xã
Nhuận Đức, huyện Củ Chi) đã quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Dũng (SN 1979)
mỗi chiều ngồi trước hiên nhà, mắt thẫn thờ nhìn ra cổng.
Bốn năm trước, vào một buổi chiều,
trong lúc dọn cơm chờ con đi học về, bất ngờ ông Dũng nhận được hung tin con
trai là Nguyễn Trí (SN 2000) bị 2 thanh niên say rượu tông chết cách nhà 2
km. Nhắc lại chuyện cũ với chúng tôi, ông Dũng vẫn không tin đó là sự thật.
Nhiều năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của người
cha.
Giáng sinh năm 2015, Nguyễn Nhật Hoàng
(SN 1986, ngụ quận 11) đi nhậu với bạn ở một quán ốc trên đường Trường Chinh
(phường 15, quận Tân Bình). Do mâu thuẫn từ việc mời bia và xưng hô, 2 nhóm
xông vào đánh nhau. Hoàng bị Phạm Công Ninh dùng dao bấm đâm và tử vong trước
khi nhập viện.
Cũng vì nhậu say, lời qua tiếng lại,
một thợ hồ có tên là Sơn Tinh (SN 1984, quê Trà Vinh) đã dùng xà beng đánh
chết người bạn thân của mình do nhìn nhầm người này với đối phương. Đến khi
biết đánh nhầm khiến bạn tử vong, Sơn Tinh bỏ trốn đến Đồng Nai và bị cơ quan
chức năng bắt ngay sau đó.
Ăn nhậu gây ồn ào khiến người khác bực
mình dẫn đến lời qua tiếng lại rồi tước đoạt mạng sống của nhau cũng không
còn lạ ở TP HCM. Vụ án mạng xảy ra tối 9-6 vừa qua là một ví dụ. Sau một ngày
làm việc mệt mỏi, về đến nhà muốn được nghỉ ngơi nhưng ông Nguyễn Văn Son (SN
1966, ngụ quận 8) càng mệt hơn bởi tiếng ồn từ tiệc nhậu của nhóm bạn Trần
Thành Long (SN 2000, quê Bình Định) sát bên nhà. Ông Son sang nhắc nhở, nhóm
Long lớn tiếng cãi rồi đánh lại. Bực tức, ông Son chạy về nhà lấy dao đâm
khiến Long tử vong trên đường đi cấp cứu.
Chủ quán cũng khổ
Khi được
hỏi, nhiều chủ quán nhậu cho biết thật ra việc kinh doanh không hề dễ dàng.
Không ít khách uống say cứ lè nhè, la hét, đôi khi còn kiếm chuyện với những
thực khách khác. Mỗi khi người dân phản ánh, địa phương xuống làm việc, chủ
nhà thấy phiền phức, chấm dứt hợp đồng, phải đi tìm nơi khác, rất mệt mỏi.
Chủ một
quán nhậu trên đường Bến Vân Đồn (quận 4) cho biết nếu không cho
khách nhậu khuya, chắc chắn doanh thu sẽ giảm vì thời gian hoạt
động ngắn lại. “Tôi có nghe TP bàn việc quy định thời gian đóng cửa quán
nhậu để giảm các vụ đâm chém nhau nhưng thấy như vậy cũng không thực
tế. Khách đến sớm nhậu rồi xỉn sớm cũng đánh nhau. Việc khách ăn
nhậu rồi đánh nhau là do ý thức của mỗi người. Hơn nữa, đây là TP dịch
vụ, du lịch đương nhiên phải có quán nhậu, quán bar hoạt động đến khuya để
phục vụ du khách. Vấn đề là cơ quan chức năng quản lý như thế nào để việc
kinh doanh loại hình này vào khuôn khổ, không phiền hà người dân mà chúng tôi
cũng yên tâm buôn bán”.
Nhóm Phóng viên
Báo NLĐ
|
Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét