Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Xung quanh các vụ “vỡ họ”: Lòng tham hay sự cả tin?

Cập nhật lúc 14:33   

Thời gian qua, liên tục xảy ra hàng loạt vụ vỡ hụi ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh…gây xôn xao dư luận. Đánh đúng vào tâm lý ham lời, trước mắt, nên nhiều người đã đem toàn bộ tài sản tích góp để chơi hụi. Thế nhưng, khi không còn khả năng thanh toán, những chủ hụi này đã bỏ trốn biệt tăm.
 Xung quanh các vụ “vỡ họ”: Lòng tham hay sự cả tin?
Hình minh họa
“Cá cược” tài sản bằng... “niềm tin”
Theo phản ánh của người dân Phú Sơn, gần đây, ở địa phương có một số người đứng ra làm chủ hụi. Những người này đứng ra đi thu tiền (tài sản) của các “con hụi” và được nhận tiền hoa hồng (10.000 đồng/1 triệu đồng).
Các hộ tham gia sau khi đóng tiền sẽ được hứa hẹn hưởng lãi suất từ 1,5 - 2%/mỗi tháng. Mức lãi suất này cao hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.Nghe lời hứa hẹn bùi tai, nhiều người dân đã đem toàn bộ tài sản mà mình tích góp được cho vay.
Bà Đỗ Thị Nhân (thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) cho hay, người chơi đều là chỗ quen biết, hàng xóm láng giềng nên không ai nghĩ hậu quả xấu có thể xảy ra, gia đình bà tham gia 6 tổ phường với số tiền lên đến 300 triệu đồng.
Tại xã Phú Sơn có hàng chục hộ đang lâm vào tình cảnh như bà Nhân. Hộ mất ít thì 200-300 triệu, người chơi nhiều thì đi cả tỷ đồng.
Tương tự, tại tỉnh Nam Định, việc chủ hụi, tín dụng đen tuyên bố vỡ nợ đã gây ra tình trạng đòi nợ lẫn nhau. Người dân xã Liêm Hải (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cho biết, do lãi suất ngân hàng thấp, nhiều người đã chọn cách tham gia các phường hụi, dốc số tiền tích lũy cả đời mong có được mức lãi cao hơn, giúp cuộc sống bớt khó khăn.
Tuy nhiên, điều bất thường trong các vụ việc trong thời gian gần đây là mặc dù tuyên bố vỡ nợ, nhiều chủ hụi vẫn sống đàng hoàng; người dân đến đòi tiền không những không lấy lại được mà còn bị đe dọa. Thậm chí, các chủ phường hụi tuyên bố vỡ nợ và bỏ đi khiến nhiều người rơi vào cảnh mất trắng.
Theo thông tin từ UBND xã Liêm Hải, từ cuối năm 2015 đến nay, tại xã có tới 20 phường hụi tuyên bố vỡ nợ. Bà Nguyễn Thị Tuyền (xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định ) ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn phải sống trong cảm giác bế tắc đeo bám. Tin vào lời hứa, bà đã mang 7 chỉ vàng tích lũy cả đời gửi tín dụng đen để mong có được khoản lãi 140.000 đồng lấy tiền thuốc thang cho ông.
Nhưng giờ chủ hụi cầm vàng bỏ đi, bà trắng tay. Hy vọng lấy lời cao, chị Hương dồn tất cả số tiền cầm cố, vay mượn được gần 400 trăm triệu đồng vào phường hụi, nhưng giờ đang đứng nguy cơ mất trắng.
Hay vụ cả làng chài tại xóm Cồn, khu phố Hà Ra thuộc phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa bị giật hụi với số tiền lên đến gần 1.000 chỉ vàng và 15 tỷ đồng. 
Mới đây, TAND Tối cao tại TP HCM vừa xét xử bị cáo Phạm Thị Tới (40 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên án phạt 17 năm tù. Theo bản án chung thẩm, là thợ may nhưng bằng lời lẽ ngon ngọt, hứa trả lãi suất cao, Tới đã lừa vay của 4 người với số tiền lên đến 6,66 tỷ đồng.
Tới bảo vay tiền dùng vào việc đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất là lấy của người này trả cho người kia và tiêu xài cá nhân. Đến khi không còn khả năng thanh toán, Tới bỏ trốn để “xù” nợ. Theo nhà chức trách, việc làm sai trái của người đàn bà này đã đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khốn đốn, kiệt quệ.
Một trong những nạn nhân của Tới là bà Mai,  cho vay số tiền nhiều nhất, hơn 3 tỷ đồng. Là hàng xóm lâu năm, biết rõ Tới nhưng nghe người đàn bà này thủ thỉ đang tham gia cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, bà Mai cùng “bùi tai” cho vay với số tiền ban đầu chỉ 100-200 triệu đồng.
Những nạn nhân còn lại trong vụ vỡ nợ của người thợ may cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự. Việc cùng lúc có nhiều người dễ dàng trao số tiền lớn cho một người không đáng tin cậy khiến chủ tọa phiên tòa phải thốt lên:
“Các bà quen thân với bị cáo, biết bị cáo chỉ là thợ may chứ có phải nhà đầu tư, kinh doanh đâu mà lại dám đưa số tiền lớn đến vậy? Lúc bị bắt bị cáo không còn gì cả, đến chỗ ở cũng phải đi thuê thì tiền đâu ra mà trả nợ?”.
"Lợn đang trong chuồng đừng thả ra để đuổi”
Nhiều luật sư cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có các quy định được ban hành nhằm làm rõ trách nhiệm của chủ hụi, các hụi viên và quy định giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.
Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội) cho rằng, khi xảy ra vỡ nợ, cơ hội lấy lại được tiền của người cho vay là rất nhỏ vì chỉ trông chờ vào tài sản cơ quan điều tra thu giữ được từ con nợ, mà phần nhiều đã tẩu tán từ trước.
 Ví dụ, vụ vỡ nợ lên đến 100 tỷ đồng nhưng nhà chức trách chỉ thu được 50 tỷ thì số tiền này sẽ phải chia cho các bị hại theo tỉ lệ cho vay. Số còn lại, về lý thuyết thì người vay có nghĩa vụ sẽ phải tiếp tục hoàn trả.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc bắt chủ nợ tiếp tục đứng ra trả, trong khi tài sản đã bị tịch thu hết thì khả năng trả nợ tiếp của họ gần như là không có.
Luật sư Phan Thanh Bình khuyến cáo: Với những người đang có tiền nhàn rỗi tốt nhất chỉ dừng lại ở những khoản vay tiêu dùng thông thường với lãi suất vừa phải chứ không nên đưa ra những khoản cho vay lớn mang tính đầu tư, kể cả trong trường hợp bên vay hứa hẹn sẽ trả lãi suất rất cao: “Lợn đang trong chuồng đừng thả ra để đuổi”.
 Theo Thẩm phán Đỗ Văn Thinh ( Tây Ninh), việc xử lý hình sự các chủ hụi bể hụi rất khó khăn do họ tìm mọi cách “đối phó” với pháp luật. Thường trước khi tuyên bố vỡ hụi, các chủ hụi đã âm thầm chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân. Khi tuyên bố vỡ hụi, họ sẵn sàng ghi giấy nợ chứ không bỏ trốn khỏi địa phương.
Vì thế, khó có thể cho rằng chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn, khi tòa án đưa ra hòa giải, các chủ hụi sẵn sàng thừa nhận là có nợ và cam kết trả nợ cho hụi viên. Theo quy định, tòa  án phải ra quyết định công nhận sự hòa giải thành của các đương sự.
Có trường hợp trong quá trình giải quyết, tòa án nhận thấy trong danh sách có những hụi viên không có thật, nhưng do hai bên đương sự đã hòa giải thành, nên tòa án không thể làm gì khác.
Từ đó có ý kiến cho rằng, khi có vụ bể hụi, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi của chủ hụi, xử lý nghiêm hành vi lập danh sách hụi viên “ma” để chiếm đoạt tiền của người dân. Cần có biện pháp ngăn chặn chủ hụi sử dụng “chiêu” thừa nhận nợ, làm cam kết trả nợ, nhưng không còn tài sản để thi hành án vì đã tẩu tán trước khi tuyên bố vỡ hụi.
Thẩm phán Đỗ Văn Thinh khuyên người dân khi tham gia vào các dây hụi hãy chú ý những vấn đề sau: những người chơi hụi trong cùng một dây phải biết rõ về nhau, trong đó cử một người gom hụi và đăng hụi; có văn bản thỏa thuận những thành viên tham gia dây hụi rõ ràng, có đầy đủ số điện thoại, địa chỉ của từng hụi viên.
Không tham gia chơi hụi qua trung gian là chủ hụi, trong khi những người tham gia dây hụi không biết rõ về nhau... Có như thế mới hạn chế được hậu quả “trắng tay” khi tham gia chơi hụi.

(Theo Pháp luật VN) Nguyễn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét