Rối rắm quanh cặp
tượng rồng khổng lồ
Cập nhật lúc 08:51
Cặp
rồng khủng đang được xây dựng ở Thái Bình. ẢNH: HOÀNG LONG
Cặp
rồng vàng khổng lồ trong điện thờ tư nhân ở Thái Bình đang hoàn thành nhưng
lãnh đạo địa phương cho biết công trình này chưa được cấp phép xây dựng.
Cặp rồng “khủng” ở thôn Tứ Cường, xã
Thụy Quỳnh, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trở thành tâm điểm dư luận địa phương
từ vài tháng nay. Đang ở giai đoạn hoàn thiện, hai thân rồng sơn vàng óng
được xây dựng song song có chiều cao 15 m, chiều dài hơn 40 m. Hai mặt rồng
hướng ra đường, hai thân nối nhau bằng các thang và mái để tạo thành cổng vào
một biệt phủ. Đây cũng chính là một điện thờ được đặt tên là Bản Phủ Phúc
Sinh Trường.
Ông Phan Văn Sàm, chủ nhân điện thờ cho
biết ông đã tự thiết kế cặp rồng này cũng như toàn bộ các công trình khác
trong khu điện thờ có diện tích hơn 10.000 m2, nằm sát quốc lộ 37. “Ý tưởng
của tôi là xây cặp rồng vàng này để chầu Phật trong điện. Xây từ đầu năm âm
lịch và dự định sẽ hoàn thành vào tháng 8 âm lịch này”, ông Sàm nói.
Người dân địa phương cho biết điện thờ
được xây trên đất ruộng mà vợ chồng ông Sàm mua của dân. Điện thờ này quanh
năm có khách đến cúng lễ, xe cộ, người ra vào nườm nượp. Người dân cho rằng
việc xây dựng trên đất ruộng như vậy là không đúng.
Chưa xin cấp
phép vì không hiểu thủ tục
Ông Vũ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy
Quỳnh, xác nhận công trình cặp rồng trên chưa làm các thủ tục cấp phép. Vì
vậy, UBND xã đã yêu cầu đình chỉ thi công một lần hồi tháng 4 vừa qua. “Sau
đó, chúng tôi đã báo cáo lên huyện. UBND huyện đã cử đoàn công tác xuống nên
thẩm quyền thuộc về huyện”, ông Chính nói. Tuy nhiên, ông Phan Đình Dực, Chủ
tịch UBND H.Thái Thụy, lại cho biết: “Thẩm quyền cấp phép cho công trình này
là của Sở VH-TT-DL và UBND tỉnh Thái Bình”. Bản thân chủ nhân công trình cũng
thừa nhận: “Chúng tôi đã làm đơn gửi lên xã và báo cáo miệng với lãnh đạo
huyện, nhưng chưa xin cấp phép vì chúng tôi không hiểu nhiều về thủ tục”.
Chiều 23.6, bà Trương Thị Hồng Hạnh,
Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình, khẳng định: “Đến nay chúng tôi chưa hề
nhận bất cứ công văn, giấy tờ nào liên quan đến việc xây dựng cặp rồng này”.
Bà Hạnh nói thêm: “Nếu là công trình văn hóa, trách nhiệm cấp phép thuộc về
chúng tôi. Nhưng nếu đây là công trình tôn giáo, tín ngưỡng thì trách nhiệm
cấp phép thuộc Sở Nội vụ và Sở Xây dựng”.
Như vậy, trong khi còn chưa biết trách
nhiệm thuộc về ai thì công trình trên đã thi công được gần nửa năm, đang vào
giai đoạn hoàn thiện.
Tùy tiện về văn
hóa
Về mặt quy mô, theo một nhà nghiên cứu
mỹ thuật, hoàn toàn có thể coi đây như một công trình tượng đài hoành tráng.
Theo Nghị định 113/2013/NĐ-CP về mỹ thuật và Thông tư 18 hướng dẫn nghị định
này, việc xây dựng tượng đài hoành tráng ở nơi công cộng sẽ phải tuân theo
quy trình chặt chẽ. Sẽ phải có hội đồng nghệ thuật thẩm định tác phẩm. Tuy
nhiên, đôi rồng này lại nằm ở tư gia, vì thế theo ông Vi Kiến Thành, Cục
trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH-TT-DL: “Chúng ta không thể
can thiệp được nếu đó không phải là đất công”.
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di
sản quốc gia, cho rằng: “Về văn hóa như thế tùy tiện quá”. Nhà nghiên cứu mỹ
thuật - TS Trang Thanh Hiền không ngạc nhiên về đôi rồng. Bà cho rằng hiện
nay đã có xu hướng, tâm lý thích những thứ khổng lồ trong nhiều công trình
văn hóa, không đếm xỉa đến thẩm mỹ nữa. “Mà tinh thần văn hóa của người Việt
thích những thứ nhỏ bé thân thuộc, chứ không cần to lớn để chứng tỏ”, bà nói.
(Theo Thanh
niên) Hoàng Long - Trinh Nguyễn
|
Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét