Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Nên tách SCIC khỏi Bộ Tài chính

Cập nhật lúc 11:00

Theo các chuyên gia kinh tế, cần tách SCIC khỏi Bộ Tài chính để doanh nghiệp này kinh doanh tăng lợi nhuận từ vốn nhà nước thông qua các doanh nghiệp đang nắm.

Nhà đầu tư thất vọng
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng quyết định thoái vốn 10 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh…
Tuy nhiên kế hoạch năm 2016 SCIC công bố không có tên của 8/10 doanh nghiệp lớn nói trên.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công nhận định: Sau chỉ đạo Thủ tướng yêu cầu thoái vốn các doanh nghiệp lớn, giới đầu tư đã có sự chuẩn bị, chờ đợi mua lại phần vốn nhà nước nhưng đã thất vọng vì SCIC vẫn giữ những “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk.
 
Danh mục thoái vốn của SCIC trong năm 2016 không có tên doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk. Ảnh minh họa.

“Không chỉ giới đầu tư, ngay chính các doanh nghiệp cũng chờ đợi quá trình thoái vốn, tâm lý sẵn sàng của cả doanh nghiệp, nhà đầu tư... Song cái họ nhận được chỉ sự thất vọng”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, hiện nay trần nợ công đã chạm ngưỡng 65% GDP, tiền trả nợ ở mức 25% tổng thu ngân sách nội địa. Nếu thoái vốn các doanh nghiệp sẽ có nguồn tài chính lớn phục vụ phát triển kinh tế. Hơn nữa, những lĩnh vực không nhạy cảm, nhà nước không cần quản lý phải níu giữ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế, đặt vấn đề: Hiện doanh nghiệp lớn mà SCIC đang nắm quyền quản lý như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh… phát triển không phải do sự điều hành chỉ đạo của SCIC mà do bản thân các doanh nghiệp qua quá trình lịch sử đã tự vươn mình vượt qua khó khăn để thành công.
Mặt khác đến mùa đại hội cổ đông, do nắm cổ phần chi phối nên SCIC can thiệp vào công tác nhân sự doanh nghiệp. Áp đặt công tác nhân sự kiểu hành chính của SCIC dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
Trường hợp thay tướng tại Dược Hậu Giang là một ví dụ. Sau khi bà Phạm Thị Việt Nga phải “nhường ghế” cho đại diện phần vốn SCIC mới, tuy nhiên, do người đại diện vốn này không có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo trong ngành dược. Kết quả của sự thay đổi này là cổ phiếu Dược Hậu Giang đã tăng trưởng kém hơn nhiều so với công ty đối thủ là Traphaco.
Cần tách SCIC khỏi Bộ Tài chính
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, đã từng cho biết, số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn dù lên tới hàng chục nghìn, song số vốn thực hiện cổ phần hóa mới chỉ được khoảng 5% vốn pháp định của tổng khối doanh nghiệp nhà nước. 
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, việc chậm thoái vốn bởi SCIC vẫn đang không làm mà được hưởng thành quả kinh doanh. SCIC là doanh nghiệp nhưng người sản xuất mang lại lợi nhuận, doanh thu SCIC lại là Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh…
Hơn nữa đứng sau SCIC lại là Bộ Tài chính, SCIC không khác nào một siêu doanh nghiệp nhà nước, vừa nắm vốn, quản lý vốn vừa được nhà nước đứng sau.
“Cần tách SCIC ra khỏi Bộ Tài chính để doanh nghiệp này trở thành một doanh nghiệp thực sự, tự kinh doanh sinh lời cho nhà nước từ nguồn vốn đang quản lý.
Khi đó nếu SCIC làm tốt tiếp tục cho đại diện quản lý vốn ngược lại không nên giữ bộ máy cồng kềnh hưởng lương nhà nước và lợi nhuận doanh nghiệp trong khi không có đóng góp trực tiếp vào sản xuất phát triển kinh tế, PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu quan điẻm.
(Theo Giáo dục VN) Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét