Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

'Đại gia' FDI đua nhau lách, trốn thuế

 Cập nhật lúc 06:53

Metro bị kết luận chuyển giá để trốn thuế tại VN /// Ảnh: Ngọc Thắng 
Metro bị kết luận chuyển giá để trốn thuế tại VN. ẢNH: NGỌC THẮNG

 Sau Metro, Keangnam trốn thuế; Pepsi, Coca Cola báo lỗ triền miên... ngành thuế lại đang đứng trước nguy cơ trắng tay trong thương vụ 3.600 tỉ đồng của Big C và nghi án rửa tiền của 'đại gia' Lotte Hàn Quốc.

 

Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng
Trong khi cơ quan thuế vẫn đang loay hoay tìm cách đòi 3.600 tỉ đồng tiền thuế của Big C, thì những ông chủ sở hữu thực sự của chuỗi siêu thị này (Tập đoàn Casino của Pháp) đã hoàn tất việc chuyển nhượng cho Central Group (Thái Lan) với giá trị lên tới 1,04 tỉ USD. Trước nguy cơ mất trắng, thanh tra thuế đồng loạt tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại 32 siêu thị Big C trên toàn quốc; đồng thời gửi văn bản cho các bên liên quan cảnh báo “nếu kê khai và không nộp thuế sẽ bị cưỡng chế”. Nhưng đến nay đã hơn 2 tháng, quá hạn kê khai theo luật định, ngành thuế vẫn chưa thu được một xu nào.

Hay trường hợp của Uber hiện nay. Giữa lúc các cơ quan ban ngành đang tranh cãi dịch vụ kết nối vận tải của Uber là loại hình kinh doanh cung cấp vận tải hay cung cấp công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải thì doanh thu từ hoạt động vận tải tại VN vẫn được chuyển về Uber Hà Lan. 



Không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, các doanh nghiệp FDI trốn thuế đã và đang khiến môi trường kinh doanh của VN bị vẩn đục; tạo ra sự bất bình đẳng khi doanh nghiệp trong nước phải đóng từng đồng, từng hào từ lợi nhuận ít ỏi kiếm được thì chỉ một doanh nghiệp FDI đã thổi bay cả nghìn tỉ đồng


TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính


Tính đến quý 1, số lượng tài xế tham gia Uber gần 15.000 người, 50% hoạt động thường xuyên. Đối với tài xế hoạt động thường xuyên, doanh thu trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Từ con số này, có thể thấy doanh thu mỗi ngày của Uber lên đến hàng chục tỉ đồng. Uber Hà Lan được hưởng 20% khoản thu từ khách hàng qua việc cung cấp phần mềm cho các xe hoạt động, tương đương cả tỉ đồng mỗi ngày nhưng VN không thu được đồng thuế nào.
Trước đó, từ năm 2002 với số vốn ban đầu 120 triệu USD, Metro VN liên tiếp mở rộng hoạt động nhưng vẫn báo lỗ, không một năm nào có lãi. Không thu được tiền, biết có chuyển giá nhưng phải đến tận năm 2015 ngành thuế mới đưa ra được kết luận. Qua thanh tra đã yêu cầu Metro VN điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (Hàn Quốc sở hữu 100% vốn) sau 5 năm vào VN cũng liên tục báo lỗ. Sau khi vào cuộc, thanh tra thuế mới buộc công ty này phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỉ đồng. Những mánh lới chuyển giá cũng được phơi bày khi một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc thông qua việc dàn xếp về giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào.
Mãi vẫn cứ “nghi án”
TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bình luận: “Không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, các doanh nghiệp (DN) FDI trốn thuế đã và đang khiến môi trường kinh doanh của VN bị vẩn đục; tạo ra sự bất bình đẳng khi DN trong nước phải đóng từng đồng, từng hào từ lợi nhuận ít ỏi kiếm được thì chỉ một DN FDI đã thổi bay cả nghìn tỉ đồng”.
Theo các số liệu đã công bố, từ khi được thành lập tại VN vào tháng 2.1994, lũy kế tới thời điểm cuối năm 2010, Coca Cola đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu hơn 800 tỉ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỉ đồng và tiếp tục báo lỗ trong 2 năm 2012, 2013. Nguyên nhân thua lỗ được phía Coca Cola đưa ra là do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70 - 85% giá vốn. Dù báo lỗ nhưng Coca Cola vẫn liên tiếp mở rộng thị phần, rót thêm hàng trăm triệu USD, khánh thành dây chuyền mới. Sau 20 năm vào VN, cho đến năm 2014 Coca Cola mới chính thức công bố có lãi và nộp thuế, nhưng con số này cũng không thấm vào đâu.
PepsiCo cũng không ngoại lệ. Kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, PepsiCo liên tục báo lỗ (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỉ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31.12.2010 là 1.206 tỉ đồng. Năm 2012, thanh tra thuế kiểm tra chỉ xử phạt được công ty này vài tỉ đồng. Năm 2015, Cục Thuế TP.HCM xử phạt gần 25 tỉ đồng nhưng đó cũng chỉ là hành vi chậm nộp tiền thuế, kê khai sai. Trong khi đó, theo 28.000 trang tài liệu được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, PepsiCo cùng nhiều DN khác bị nghi chuyển hàng trăm tỉ USD từ nơi phải đóng thuế cao sang Luxembourg, quốc gia có mức thuế thấp hơn hẳn các nước khác để trốn thuế.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho rằng để kết luận một DN chuyển giá là không hề đơn giản. Ngay như cơ quan thuế khi đi kiểm tra các DN FDI cũng chỉ coi là đi kiểm tra DN thua lỗ, hoặc “nâng cấp” lên một chút gọi là “có dấu hiệu chuyển giá”, chứ không dám thẳng thừng coi đó là “DN chuyển giá”.
Trước thực trạng này, PGS-TS Ngô Trí Long bình luận: “Người dân đã quá quen với điệp khúc lỗ của các DN FDI và nghi án chuyển giá của cơ quan quản lý. Cả gần chục năm nay rồi, thanh tra mãi vẫn cứ đặt ra nghi án, trong khi ngân sách thì teo tóp”. “Ngành thuế không đủ nhân lực, trình độ, công nghệ, thông tin để chống chuyển giá, chống lại các DN FDI lách, trốn thuế hay vì lý do nào đó phớt lờ cố tình không làm?”, ông Long đặt vấn đề.
“Chẳng thu được của họ xu nào”
Phải chăng lỗ hổng pháp lý, cùng sự buông lỏng của cơ quan chức năng biến VN trở thành quốc gia dễ bị các DN FDI sử dụng các thủ thuật để rửa tiền, trốn thuế.
Mới đây, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã bị cáo buộc sử dụng công ty ma ở VN để lập quỹ đen. “Đại gia” này được biết đến là một tập đoàn bán lẻ khổng lồ, vào VN từ năm 2014, rót khoảng 400 triệu USD vào tòa nhà 65 tầng tại Hà Nội. Với dự án 400 triệu USD này, Lotte Asset Development - nhánh đầu tư bất động sản của Lotte Group, đã mua Coralis - một công ty SPC có trụ sở tại Luxembourg - với giá 69,7 tỉ won (60,2 triệu USD). Sau đó, Lotte Shopping và Hotel Lotte - hai công ty con của Lotte Group - đều mua lần lượt 45% cổ phần tại Coralis, hạ tỷ lệ sở hữu của Lotte Asset Development xuống 10%. Tuy nhiên, năm ngoái, Coralis lỗ ròng 55,1 tỉ won.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, phân tích việc sử dụng “công ty ma” trên giấy ngoài mục tiêu rửa tiền như cáo buộc của Hàn Quốc, Lotte đã tính toán rất kỹ trước khi vào VN. Nếu cơ quan thuế không vào cuộc, không có biện pháp kiểm soát từ trước, tập đoàn này khi làm ăn có lãi hoàn toàn có thể chuyển lợi nhuận sang cho công ty ở thiên đường thuế Luxembourg. “Điệp khúc lỗ lại xuất hiện, còn chúng ta thì chẳng thu được của họ xu nào”, ông Long cảnh báo.
(Theo Thanh niên) Anh Vũ
Đừng trách doanh nghiệp. Mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí cả doanh nghiệp Nhà nước cũng luôn tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận, móc túi người dân, cạnh tranh đối thủ. Vấn đề cần quan tâm xử lí, đó chính là sự quản lí của cơ quan công quyền. Khi bộ máy không trong sạch, liêm chính thì chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét