Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

EU nín thở trước giờ G, người Anh cầm chắc hưởng lợi

Cập nhật lúc 07:21     


Chỉ còn mấy chục tiếng đồng hồ nữa là người dân nước Anh sẽ quyết định việc đi hay ở của xứ sở sương mù đối với Liên minh châu Âu (EU), một sự kiện mang tầm thế kỷ đối với người dân Châu Âu, kể từ khi lục địa già chấm dứt cảnh máu chảy đầu rơi trong Đệ nhị Thế chiến.
Cố Ngoại trưởng Pháp Aristide Briand – người có ý tưởng thành lập một liên hiệp Châu Âu ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, sau khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc cách nay một trăm năm, chắc cũng không tưởng tượng ra ngày ý tưởng chia tách này xuất hiện.
Và có lẽ cả Jean Monnet và Robert Schumann, hai chính khách Pháp, kiến trúc sư cho việc hình thành Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) – tiền thân của EU, cũng không thể nghĩ được sẽ có ngày thành quả của các ông lại bị đặt vào tình thề ngàn cân treo sợi tóc như lúc này.
Có lẽ, các ông không thể hình dung được nguyên tắc: “Tiến trình gắn kết châu Âu là phải thông qua phát triển các quan hệ kinh tế”, nền tảng hình cho sự ra đời EU cũng chính là nguyên tắc khiến EU có thể rạn nứt.
Nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của EU qua BCC Timeline có thể thấy, tinh thần liên hiệp của các nước Châu Âu ngày càng mạnh mẽ và đã từng cho ra đời một Liên minh kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
Hiệp ước Paris 1951cho ra đời Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC), Hiệp ước Rome 1958 lập ra Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu, Hiệp ước hợp nhất 1967 cho ra đời Cộng đồng châu Âu (EC) trên cơ sở hợp nhất ba cộng đồng trước đó của các nước Châu Âu, với tôn chỉ hoạt động là tập trung vào phát triển kinh tế và nông nghiệp.
Năm 1973 nước Anh chính thức trở thành thành viên đầy đủ của EC.
 
Liệu EU có còn thống nhất nguyên vẹn sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 tại nước Anh? Ảnh: catholicherald.co.uk,

Tiếp đó, Hiệp ước Maastricht 1991 cho ra đời Liên minh châu Âu (EU), thay thế EC, mở rộng sự liên kết trách nhiệm sang nhiều lĩnh vực mới, như chính sách đối ngoại và an ninh chung, đồng thời tiến tới chính sách điều phối EU về người tị nạn chính trị, nhập cư và khủng bố.
Đặc biệt, khái niệm công dân EU ra đời và quy định về quyền công dân EU cho phép người dân các nước trong EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên là một bước tiến mạnh mẽ.
Rõ ràng, EU ngày càng lớn mạnh đồng nghĩa với công dân EU ngày càng hưởng được nhiều lợi ích từ sự lớn mạnh không ngừng ấy của Liên minh. Vậy nhưng, người dân nước Anh có thể lại không lựa chọn diễm phúc ấy, mà ngược lại có thể họ từ bỏ “vinh hoa phú quý” mà EU mang lại để chọn hướng đi khác cho riêng mình.
Nguy cơ trở thành ác mộng cho lãnh đạo EU và những người muốn EU thống nhất đã hiển hiện, khi mà tỷ lệ người muốn Brexit gia tăng. Điều gì khiến cho người dân xứ sở sương mù lại có xu hướng chia tách như vậy?

Nguyên tắc nền tảng cho sự liên hiệp không được đảm bảo nhất quán 
Có thể thấy rằng, việc Jean Monnet và Robert Schumann xác định nguyên tắc “Tiến trình gắn kết châu Âu phải thông qua phát triển các quan hệ kinh tế”. cho thấy các ông đã nhận ra mối liên hệ nên tảng cho việc liên hiệp các quốc gia hình thành nên EU chỉ có thể là quyền lợi kinh tế và yếu tố kinh tế đảm bảo sự tồn tại của EU.
Qua đó có thể nhận thấy Jean Monnet và Robert Schumann đã tìm yếu tố tương đồng nhất của các quốc gia cho việc xây dựng liên minh. 
Nguyên tắc nền tảng ấy đã giúp cho ECSC phát triển mạnh mẽ và cho ra đời EC. Trong giai đoạn phát triển này, sự liên hiệp của các quốc gia đảm bảo sự đồng thuận cao và mang lại những lợi ích to lớn cho các thành viên.
Điều đó khiến cho nhiều quốc gia lần lượt tham gia vào tổ chức này. Khi Hiệp ước Paris 1951 được ký kết thì ECSC thì chỉ có 6 thành viên ban đầu là Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. 
Năm 1973 thì EC tăng lên 9 thành viên khi có thêm Anh, Đan Mạch và Cộng hoà Ireland, năm 1981 có thêm Hy Lạp, năm 1986 thêm Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha. Đến năm 1995 EU có thêm thành viên là Áo, Phần Lan và Thụy Điển.
Năm 2004 EU kết nạp một loạt thành viên mới gồm Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Cộng hòa Síp. Năm 2007 có thêm Romania, Bulgaria và năm 2013 EU kết nạp Croatia, nâng số thành viên của của liên minh kinh tế này lên con số 28.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2010, có 4 quốc gia được đánh giá là ứng viên chính thức để được xem xét kết nạp làm thành viên EU đó là: Iceland, Macedonia, Montenegro và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước Albania, Bosnia và Herzegovina và Serbia là những ứng viên tiềm năng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này thì nguyên tắc nền tảng của việc tham gia EU đã có những khác biệt, mà dễ thấy nhất là mở rộng thêm các tiêu chí khác ngoài yếu tố kinh tế.
Điều đó được chứng minh rõ nét nhất là trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2005, nhưng đến nay mới nhất trí được 1 trong số 35 điểm phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
Trong nội bộ EU thì Pháp và Đức luôn quan ngại về việc đưa một quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo vào EU sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó hội nhập được với châu Âu, theo VOV ngày 6/11/2013.
Còn Reuters ngày 20/3/2014 cho biết, Brussels kiên quyết giữ lập trường không thay đổi rằng cánh cửa EU chỉ mở ra với Serbia chừng nào Belgrade chấp nhận thực tế là bản đồ Serbia không có Kosovo.
Như vậy là các vấn đề chính trị, tôn giáo, sắc tộc cũng đã trở thành tiêu chí cho việc xem xét kết nạp thành viên EU. Mở rộng tiêu chí đồng nghĩa với xa dần nguyên tắc nền tảng ban đầu khiến EU sẽ đối diện với ngày càng nhiều phức tạp phát sinh và từ đó xuất hiện ý tưởng phân rã EU khi sự phức tạp không thể hoá giải bằng sự đồng thuận.

Sức mạnh quốc gia không lớn cùng sức mạnh liên minh
Có thể thấy rằng cố Ngoại trưởng Pháp Aristide Briand đã có tầm nhìn vượt thời gian khi ý tưởng của ông một trăm năm trước về thành lập liên hiệp châu Âu giống như một thể chế liên bang, kiểu như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, theo BBC Timeline.
Bởi lẽ, nền tảng của sức mạnh quốc gia luôn bao gồm thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc. Các yếu tố cấu thành càng mạnh càng tăng cường sức mạnh quốc gia.
Tuy nhiên, điều đó sẽ gây nên mâu thuẫn khi các quốc gia tham gia vào một liên minh nào đó. Khi các quốc gia càng có nhiều yếu tố tương đồng thì sự gắn kết càng khăng khít và yếu tố tạo nên nét riêng cho quốc gia cũng sẽ dần nhạt nhoà trong cơ chế liên minh.
Có những vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia sẽ được trao cho chủ quyền liên minh đại diện và có những định chế trong cơ cấu liên minh sẽ thay thế một số chức năng của thể chế chính trị quốc gia.
Điều đó thể hiện rất rõ qua chức năng của các định chế Uỷ ban Châu Âu (EC), Nghị viện Châu Âu (EP) tồn tại trong cơ cấu của EU. Ví dụ cụ thể gần đây nhất là sự kiện khi EP thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc, mà theo dự kiến sẽ được EU chính thức trao cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, tinh thần nghị quyết của EP chưa hẳn đã thể hiện quan điểm của nghị viện Anh khi Trung Quốc và Anh quốc đang là “bạn vàng” của nhau.  
Điều đó cho thấy hai yếu tố đầu tiên trong cấu thành sức mạnh quốc gia đã phần nào bị phai nhạt bởi sức mạnh và cơ chế liên minh. Song hai yếu tố còn lại là cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc sẽ không thể nhạt nhoà.
Bởi lẽ những nét riêng biệt của văn hoá và dân tộc không thể giao thoa để hình thành cộng đồng dân tộc châu Âu và văn hoá dân tộc châu Âu – nghĩa là không có liên minh dân tộc, liên minh văn hoá.
Trong khi quốc gia dân tộc luôn là biểu hiện rõ nét nhất hình tượng của một quốc gia. Vậy là khi tham gia liên minh thì sức mạnh quốc gia bị sụt giảm do mâu thuẫn nội tại giữa bốn yếu tố cấu thành, từ đó sẽ dẫn tới nguy cơ dân tộc không chủ quyền, văn hoá không bản sắc, khiến cho niềm tự hào dân tộc – động lực của phát triển có thể bị triệt tiêu.
Có thể thấy rằng, liên minh càng phát triển thì mâu thuẫn giữa sức mạnh liên minh với sức mạnh quốc gia càng sâu sắc. Do vậy, sự gắt kết của EU càng chặt chẽ thì mâu thuẫn nội tại trong EU càng phát triển và nguy cơ chia rẽ cũng gia tăng.
Có thể những quyền lợi về kinh tế khiến cho cuộc sống của người dân các quốc gia trong liên minh được sung túc hơn, nhưng việc tạo ra nét văn hoá chung cho cộng đồng dân tộc thì không thể có trong liên minh được.
Có thể hiểu nôm na là có khái niệm công dân EU nhưng không có khái niệm người EU, tương tự như sự tồn tại song song hai khái niệm công dân Việt Nam và người Việt Nam, nếu như EU không phải như một thể chế chính trị.
Như vậy, khi người dân nước Anh lựa chọn ở lại hay rời bỏ EU thì cũng là lúc lãnh đạo EU cần xem lại những hợp lý và bất hợp lý của cơ chế liên minh, từ đó cần có những thay đổi phù hợp để đảm bảo sự trường tồn của mình.
Điều đó cho thấy cơ chế liên minh EU chưa phải là hình mẫu cho việc liên hiệp các quốc gia hình thành nên một cộng đồng, một liên minh, cho dù có mang lại nhiều đổi thay tích cực. Và sự liên hiệp giữa các quốc gia không phải luôn mang đến những điều tích cực cho quốc gia, dân tộc.
Người Anh không thể không so sánh sức mạnh của Anh quốc với Trung Quốc – cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay và không khỏi chạnh lòng. Khi Trung Quốc bước vào cải cách thì sức mạnh của họ chỉ ngang ngửa với với nước Anh thời kỳ đó, nhưng nay thì một trời một vực.
Cho dù Trung Quốc có những lợi thế tuyệt đối mang tính định hình, thì người Anh cũng không thể nuốt nghẹn được khi GDP danh nghĩa của Anh quốc năm 2015 chỉ là 2.945 tỷ USD, còn của Trung Quốc đã là 10.400 tỷ USD, theo tài lệu của WB. 
Dư luận cho rằng, số liệu này sẽ khác nếu nước Anh không bị kiềm chế bởi mâu thuẫn nội tại của EU.
Và đó cũng được nhận diện là nguyên nhân khiến cho người dân Thuỵ Sĩ không đồng ý nước này tham gia vào EU khi nhận thấy sức mạnh quốc gia không lớn cùng sức mạnh liên minh, cho dù nước này đã nộp đơn và xúc tiến việc gia nhập EU từ năm 1992, theo Sputnik ngày 16/6.

Người Anh được nhiều hơn mất qua cuộc trưng cầu dân ý
Cho đến giờ phút này chưa thể khẳng định Brexit có xảy ra hay không, tuy nhiên, có một điều không phụ thuộc vào kết quả ấy, đó người Anh luôn được nhiều hơn mất qua cuộc trưng cầu dân ý “đi hay ở” diễn ra vào ngày 23/6 tới đây.
Điều này cũng đồng nghĩa với EU mất nhiều hơn được qua trưng cầu ý dân tại xứ sở sương mù. Như vậy, cuộc trưng cầu dân ý là cần thiết với người Anh và nó là điều mà lãnh đạo EU không mong muốn.
Như người viết từng phân tích qua bài “Chủ quyền và liên minh”, người Anh vốn rất bàng quan trước thời cuộc nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp tới mình và “phớt ăng – lê” là thể hiện một nét riêng của sự bàng quan đó.
Tuy nhiên, khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì người Anh lại cực kỳ thực dụng. Điều đó có thể thấy rõ nhất qua ba sự kiện lớn là cuộc đổ bộ Normandi hồi Đệ nhị Thế chiến, quyết định tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh thay vì đồng euro và cuộc trưng cầu dân ý tạo nên nguy cơ Brexit sắp tới đây.
Sau mỗi sự kiện là vị thế và vai trò của nước Anh được đổi khác và quyền lợi của người dân Anh cũng được đổi thay, nhưng hầu hết đều nhiều hơn, lớn hơn trước khi diễn ra sự kiện.
 
Brexit chưa hẳn là “lợi bất cập hại” theo nhận định của cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Euler Hermes, nhưng người Anh luôn được lợi khi EU đứng trước nguy cơ Brexit. Hình minh họa: Bt.com.

Từ vị thế “một kẻ chầu rìa”, sau cuộc đổ bộ hùng hậu nhất trong lịch sử nhân loại, nước Anh đã trở thành một trong ba bên quan trọng nhất tham gia vào việc kết thúc chiến tranh và phân chia lại thế giới thời hậu Đệ nhị Thế chiến.
Đồng bảng Anh vốn chỉ ngang hàng với đồng franc của Pháp, đồng mác của Đức…nhưng sau sự kiện người Anh từ chối tham gia vào eurozone thì đồng bảng Anh nghiễm nhiên trở thành 1 trong 5 đồng tiền phổ biến và quan trọng nhất trên thị trường tiền tệ thế giới.
Đó là điều mà đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phải trải qua một thời gian thai nghén rất dài mới được công nhận vào năm 2014. Thậm chí người Anh còn muốn các nước thuộc eurozone sử dụng đồng bảng Anh song hành cùng đồng euro trong hệ thống tiền tệ của eurozone.
Và chắc chắn rằng, sau cuộc trưng cầu 23/6 này, người dân Anh lại được “lợi đơn lợi kép”. Nếu Brexit không xảy ra thì người dân Anh đã như một cô gái đỏng đảnh và luôn phải được cưng chiều.
Quyền lợi của người dân Anh sẽ phải được cải thiện nhiều hơn qua chính sách của chính phủ vì “ơn” của họ “cứu” cho nước Anh không phải “rời tàu”. Với EU thì người Anh chắc chắn sẽ được “để mắt” nhiều hơn với những quyền lợi to lớn.
Cho dù không có quy chế đặc biệt, nhưng nhiều quyền lợi sẽ được đặc cách cho người dân xứ sở sương mù sau “None Brexit”.
Còn với những “đối thủ của EU – đối tác của nước Anh” thì chắc chắn người dân Anh sẽ có những quyền lợi kiểu như “thức ăn dâng tận miệng” vì nhờ cuộc trưng cầu dân ý 23/6 mà EU có thể phải xuống nước với cả những đối thủ tiềm tàng.
Như vậy là người Anh vừa được ăn vừa được nói khi Brexit không xảy ra. Còn nếu Brexit xảy ra thì vấn đề tiếp theo là chuyện nội bộ của nước Anh. 
Vì vậy, khi EU nín thở chờ đợi sự phán quyết của giờ G thì sự lựa chọn của người Anh vẫn cứ tỏ ra khó đoán mà động thái đó càng khiến cho lợi ích của họ có cơ hội được gia tăng.
Chỉ có điều, một liên minh kinh tế lầu đời và hùng mạnh nhất thế giới mà phải đứng trước thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” cho sự tồn tại thống nhất thì chứng tỏ rằng nền tảng của sự gắn kết đã đến lúc cần phải được gia cố lại, mà nguyên tắc bất di bất dịch là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc không thể bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh. 
(Theo Giáo dục VN) Ngọc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét