Dư 7.000 xe công nhưng vẫn sắm mới
Cập nhật lúc 20:20
Thống kê từ các
bộ ngành, địa phương cho thấy hiện có khoảng 7.000 chiếc xe công dư thừa.
Trong khi đó, báo cáo cho biết năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công sắm mới.
Nghịch lý thừa xe nhưng vẫn sắm mới
đang ngốn của ngân sách nhà nước một khoản tiền khổng lồ.
Rà soát xe công
Về việc dư luận quan tâm là có không ít
cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng liên
đoàn Lao động VN đang dư thừa hàng trăm xe công, ông Trần Đức Thắng - cục
trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - cho biết sắp tới sẽ điều chuyển,
sắp xếp xe từ nơi thừa sang nơi thiếu, xe nào hết khấu hao thì bán thanh lý.
Việc dư thừa xe là do trước quyết định
61 năm 2010 về quản lý tài sản công, mỗi cơ quan hiện đang có bao nhiêu xe,
ví dụ như 5 xe, thì giữ luôn ngưỡng đó trong suốt mấy năm qua, vô hình trung
đây trở thành định mức xe cho đơn vị.
Ngoài ra, có trường hợp ở một số nơi dù
đã mua xe mới để thay xe cũ nhưng lại không thanh lý những xe không sử dụng
mà vẫn “đắp chiếu”.
Nay đặt trong bối cảnh phương tiện công
cộng phát triển, quy định về quản lý và sử dụng xe công ban hành 5-7 năm
trước là không còn phù hợp. Do đó từ năm 2015, ngoài định mức cụ thể đối với
chức danh thuộc đối tượng được sử dụng xe công thì một sở ngành chỉ có 1-2
chiếc xe công phục vụ công tác chung.
Cụ thể, để được trang bị 1 xe công phục
vụ công tác chung thì người lãnh đạo cao nhất của đơn vị phải có hệ số phụ
cấp từ 0,7 trở lên.
Theo ông Thắng, đến ngày 16-6, tức là
quá hạn gần 3 tháng nhưng mới chỉ có khoảng 70% số bộ ngành, địa phương gửi
báo cáo rà soát, sắp xếp xe công về Bộ Tài chính.
Trong tháng 6, Bộ Tài chính sẽ có báo
cáo Thủ tướng về quản lý và sử dụng xe, đồng thời kiến nghị Chính phủ có văn
bản nhắc nhở đối với các bộ ngành chưa có báo cáo rà soát xe công.
Nếu bộ ngành, địa phương nào không có báo
cáo rà soát, sắp xếp điều chuyển xe công gửi về Bộ Tài chính thì đương nhiên
là không được mua xe mới.
Thanh lý xe cũ vì chi phí bảo
dưỡng cao
“Tôi cũng xin nói thêm, trong tổng số
gần 40.000 xe công thì có đến 30% số xe đến hạn thanh lý, ước tính hơn 11.000
chiếc. Đó là xe sử dụng quá 15 năm hoặc chạy trên 250.000km, còn đối với vùng
sâu vùng xa, miền núi là 200.000km.
Quy định là như vậy nhưng những xe sử
dụng không an toàn thì mới được thanh lý. Quy định cũ để thanh lý xe công là
10 năm, nay được điều chỉnh lên 15 năm bởi đường sá tốt hơn và chất lượng xe
cũng tốt hơn trước đây. Còn tại sao xe cũ nhiều thế thì đơn giản là chưa có
nguồn để thay thế xe mới, chứ tinh thần chung là không có chuyện lãng phí” -
ông Thắng cho hay.
Liệu có chuyện thanh lý xe để mua xe
mới hay không? Ông Thắng cho rằng mục tiêu hàng đầu đặt ra là đảm bảo công
việc cho cơ quan nhà nước, xe sử dụng đúng mục đích và đảm bảo an toàn thì
không thể nói là hoang phí.
“Qua tham khảo của nhà sản xuất ôtô, xe
dùng được khoảng 40 năm, nhưng để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu công
việc, chúng tôi quy định là đến mức 15 năm thôi. Hơn nữa, chi phí bình quân
một xe công là 320 triệu đồng/năm, nhưng đối với xe có tuổi thọ trên 15 năm
thì chi phí bảo trì bảo dưỡng rất tốn kém, cộng với tiêu hao nhiên liệu nhiều
hơn xe mới”.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Cục Đăng
kiểm, với ôtô chở người đến 9 chỗ không tham gia kinh doanh vận tải thì pháp
luật không quy định niên hạn sử dụng. Về nguyên tắc, mỗi chiếc xe được cơ
quan đăng kiểm cấp chứng nhận kiểm định đều có thể hoạt động an toàn.
Xe mới, xe cũ đều được hoạt động bình
đẳng như nhau. Nhưng theo thời gian, một chiếc ôtô hay xe máy càng sử dụng
lâu thì càng ngày càng tốn kém chi phí sửa chữa, bảo dưỡng hơn, bởi xe càng
cũ thì chi phí bảo dưỡng, thay thế linh kiện, phụ tùng sẽ thường xuyên hơn,
hao hụt nhiên liệu nhiều hơn xe mới.
Khó khoán xe vì
đặc quyền “biển
xanh”
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính
nghiên cứu xây dựng lộ trình khoán xe công. Văn phòng Quốc hội là nơi thực
hiện chủ trương khoán xe công và có một số người nhận khoán với mức chi phí
10 triệu đồng/tháng, nhưng không nhiều người hưởng ứng.
Là một trong những người đầu tiên nhận
khoán theo phương thức này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho
biết ông “hằng ngày tự lái xe riêng đi làm, cảm giác cũng thoải mái, chủ
động, thấy việc nhận khoán có lợi cho ngân sách, lại vừa có thiện cảm trong
mắt người dân”.
Vấn đề phiền toái nhất khi nhận khoán
xe, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, là sự khác biệt giữa xe “biển trắng” và xe “biển
xanh”. “Mỗi khi tôi tự lái xe đến các cơ quan khác làm việc, dự họp, vì xe
tôi biển trắng nên cũng hơi bất tiện, phải qua cửa kiểm tra hoặc dừng lại
giải thích với bảo vệ. Xe biển xanh thì đi lại, dừng đỗ dễ hơn” - ông Hùng
nói.
Ngoài lý do này, việc khoán xe với mức
tạm tính 10 triệu đồng/tháng của Văn phòng Quốc hội cũng chưa được nhiều
người “mặn mà” bởi mức kinh phí đó không thật sự hấp dẫn. Những người không
đi xe riêng, không biết lái xe, không thích lái xe, nếu phải đi lại nhiều mà
di chuyển bằng phương tiện taxi thì mức khoán đó chưa đủ bù chi phí.
Ông Hùng cho rằng muốn chủ trương này
trở thành chính sách chung, được nhiều người thực hiện thì cần nghiên cứu
thêm, ví dụ tính toán từng vị trí công tác, nhu cầu sử dụng xe... để có nhiều
mức khoán hợp lý hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia về chính
sách công khẳng định lý do đến nay nhiều quan chức không muốn nhận khoán xe
chủ yếu do sự phân biệt giữa xe “biển xanh” và xe “biển trắng”.
“Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sử
dụng xe biển xanh có quá nhiều lợi thế. Đi lại dễ dàng, ra đường công an giao
thông gần như không bao giờ... hỏi thăm.
Hơn nữa, người có chế độ xe công có lái
xe phục vụ, đưa đón thuận tiện hơn nhiều, nói là xe công nhưng luôn được sử
dụng như xe nhà, đi lại ngoài mục đích công vụ cũng chẳng mấy khi bị để ý. Xe
công hỏng thì ngân sách bỏ tiền ra sửa, đổ xăng không cần tính toán căn ke.
Còn xe của mình thì phải tự lái, đi
nhiều thì tốn tiền xăng, khấu hao xe cũng tốn kém, nếu thuê lái xe nữa thì
chi phí 10 triệu đồng/tháng làm sao mà đủ” - vị này phân tích.
(Theo
Tuổi trẻ) LÊ THANH - TUẤN PHÙNG - LÊ KIÊN
|
Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét