Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Cộng đồng Startup công nghệ lo “chết đứng” vì Điều 292, Bộ luật Hình sự mới

Cập nhật lúc 20:11

 

Khi ngọn lửa Startup đang được Chính phủ thổi bùng lên, khi nhiều chính khách luôn kêu gọi thúc đẩy sự sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo công nghệ thì những bất cập trong các thủ tục pháp luật của Việt Nam như chiếc “bẫy” dành cho Startup Công nghệ.
 

Chỉ sống khi… biết điều
Bộ Luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, trong đó Điều 292 về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Trần Viết Quân, một Startup công nghệ tại TPHCM cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, viễn thông trong đó sẽ có nguy cơ dẫn đến hình sự hoá bất kỳ Startup nào.
“Trước khi bị các đối thủ trên thị trường quật ngã, Startup có thể đã chết từ trong trứng nước. Viễn cảnh đưa Việt Nam thành 1 quốc gia mạnh về CNTT đến năm 2020 như tuyên bố của Chính phủ chỉ là điều viễn vông nếu như điều luật này được thực thi”, Quân nói.
Cộng đồng Startup lo lắng với quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 
Cộng đồng Startup lo lắng với quy định trong Bộ luật Hình sự 2015
Lấy ví dụ về lĩnh vực game, lĩnh vực hàng năm mang lại doanh thu hơn 6500 tỷ đồng và luôn là miếng bánh cho các Statup Công nghệ Việt Nam lao vào tìm kiếm thị phần, Trần Viết Quân cho rằng con đường bạn cần phải vượt qua trong việc tuân thủ pháp luật cũng khá nhiêu khê.
"Sau khi bạn hoàn thành một sản phẩm game (cụ thể như một game di động online), cho người dùng tại Việt Nam, sản phẩm của bạn sẽ bị điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT. Việc đầu tiên là bạn cần đi xin bản quyền cho sản phẩm game của bạn. Việc này tương đối phức tạp vì các mô tả về xin bản quyền có thể bạn sẽ rất mơ hồ, dễ dàng hơn cả bạn hãy liên hệ với 1 công ty luật nào đó để xin hỗ trợ làm giúp hồ sơ bản quyền (Việc này nhanh thì mất 1 tuần, chậm thì vài tháng)", Quân nói.
"Sau khi có bản quyền nếu bạn đưa sản phẩm di động lên các kho tải Appstore hay CHplay bạn cần phải ghi rõ đây là phiên bản thử nghiệm, đang chờ xin phép và không được thu tiền người dùng. Nếu bạn thu tiền và đạt doanh thu 50 triệu đồng như điều 292 thì bạn đã vi phạm luật", Trần Viết Quân nêu.
Cũng theo Quân, nếu như sau đó không tìm được nhà phát hành, tác giả một sản phẩm game sẽ phải phát hành game của họ. "Khi đó bạn cần phải làm thủ tục thành lập công ty và đi xin phép các giấy phép con G1, G2, G3, G4. Việc một startup hay một công ty nhỏ sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí có thể là bất khả thi khi xin phép G1 vì hàng loạt các tiêu chi trong hồ sơ này là cực kỳ phức tạp. Nếu may mắn bạn đã xin phép được G1 thì con đường cũng chưa hẳn rộng mở. Việc xin phép từng sản phẩm game còn phức tạp hơn G1 nhiều lần", Quân đánh giá.
Cộng đồng star-up tại buổi gặp Tổng thống Obama 
Cộng đồng star-up tại buổi gặp Tổng thống Obama
“Trên đây là quá trình để 1 Start Up phát triển game Mobile phải tuân thủ chiếu theo các quy định pháp luật của Việt Nam, việc bạn phát triển mạng xã hội, trang thương mại điện tử việc xin phép cũng không hề đơn giản với các Startup Công nghệ Việt. Vậy hãy xem việc tuân thủ luật pháp đã có thể giết chết bạn rồi chứ chưa đến việc bạn lao ra thương trường và chiến đấu. Cách duy nhất bạn có thể sống là… biết điều”, Quân nói.
Startup Trần Viết Quân cho rằng, cải cách thể chế, đơn giản hoá các thủ tục hành chính luôn được Chính phủ nhắc tới trên các phương tiện truyền thông nhưng rõ ràng với lĩnh vực internet, cải cách các thủ tục hành chính đang bị đẩy lùi và còn nguy hiểm hơn khi hình sự hoá các thủ tục xin cấp phép.
“Khi ngọn lửa Startup đang được Chính phủ thổi bùng lên, khi nhiều chính khách luôn kêu gọi thúc đẩy sự sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo công nghệ thì những bất cập trong các thủ tục pháp luật của Việt Nam như chiếc bẫy đặt ra cho bất kỳ Startup Công nghệ nào”, Quân nói.
Không quá lo lắng
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng Luật Giải phóng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, cộng đồng Startup Việt không quá lo lắng với Điều 292 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Hưng, hành vi “cung cấp dịch vụ” mô tả trong Điều 292 cần phải hiểu là hành vi “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận".
Quy định tại khoản 9 điều 3 Luật Thương mại thì mọi hành vi không đúng theo mô tả tại điều luật này là không có dấu hiệu của tội danh này, nên cộng đồng công nghệ thông tin không quá lo lắng.
Luật sư Kiều Hưng cho rằng cộng đồng Startup Việt không quá lo lắng với quy định mới trong Bộ luật Hình sự 2015 
Luật sư Kiều Hưng cho rằng cộng đồng Startup Việt không quá lo lắng với quy định mới trong Bộ luật Hình sự 2015
Hiện Chính phủ đang có chủ trương và các giải pháp tập trung khuyến khích công dân khởi nghiệp, chính vì vậy những điều luật, chế tài cấm đoán liên quan đến hoạt động kinh doanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động này. Theo đó, luật sư Hưng cho rằng, về cơ sở để xử lý hình sự về hành vi “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại điều 292 Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi này. Điều này đồng nghĩa với việc khi phát hiện hành vi, sau khi đã nhắc nhở và đã bị xử phạt hành chính, nếu còn tái phạm thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó cũng là cách để mở rộng cơ hội cho những người khởi nghiệp yên tâm đầu tư.
“Trong kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người kinh doanh luôn cần một thời gian khá dài để thử nghiệm hoạt động của họ, vậy nên, chớ dùng rào cản pháp lý để hạn chế tinh thần kinh doanh của họ. Tinh thần là một trong những yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.
(Theo Dân trí) Công Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét