“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”
Cập nhật lúc 14:26
Trang
nhất của nhiều tờ báo ngày 2-3 đều dành nói về cuộc “tổng tấn công tội phạm”
tại TP.HCM.
Chủ tịch UBND
TP Nguyễn Thành Phong thể hiện sự quyết liệt tại hội nghị quán triệt triển
khai phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngày 1-3: “Địa bàn, đơn vị nào để
tội phạm lộng hành kéo
dài gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu
phải chịu trách nhiệm.
Phải kiên quyết
thay thế lãnh đạo, chỉ huy yếu kém”.
Sự quyết liệt
với công tác phòng chống tội phạm của lãnh đạo TP.HCM khiến chúng ta nhớ lại
câu chuyện này ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, sau
khi đại hội Đảng bộ thành phố kết thúc, ngay tại hội nghị đầu tiên của ban
chấp hành nhiệm kỳ mới (ngày 6-11-2015) cũng họp bàn về an ninh trật tự xã
hội, tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Phải nói ngày xưa anh
Nguyễn Bá Thanh làm rất tốt, người ta khen rất nhiều, rất vinh dự. Nhưng thời
gian gần đây lại có vấn đề. Vì thế mà hội nghị đầu nhiệm kỳ không phải về
kinh tế, chính trị, xã hội mà về an ninh trật tự”.
Những tin nhắn
của người dân gửi vào số điện thoại của ông Nguyễn Xuân Anh đã được ông đọc
ngay tại hội nghị. Dù chỉ vài tin nhắn tiêu biểu trong số hàng trăm tin nhắn
ông đã nhận, nhưng chắc chắn ông cũng đã hiểu rằng: An bình cho thành phố và
an dân trong sinh hoạt thường nhật của đô thị này vừa là chuyện thiết thân
với dân, vừa là yếu tố đầu tiên để xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng hôm nay.
Hôm 23-2, tân
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi làm việc với huyện Ba Vì cũng có
một phát ngôn khiến dư luận quan tâm: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và
yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”. Rõ ràng
chuyện an dân đang là việc lớn.
Dân Ninh Hiệp (TP Hà Nội) đòi giữ chợ truyền thống
Ba câu chuyện ở
Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng đều gặp nhau ở một điểm: an dân! Điều đó một lần
nữa khẳng định chân lý mà ông cha ta từng đúc kết: “Ăn no không bằng ở yên!”.
Dĩ nhiên cùng được “ăn no” và cùng được “ở yên” thì điều ai ai cũng muốn.
Nhưng nếu phải lựa chọn giữa hai yếu tố đó, tiền nhân đã khuyên hậu thế hãy
chọn “ở yên” trước. Đó là trong dân gian, còn trong kinh sách trị quốc, chính
Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên
dân”. Yên dân chắc chắn là một bài học có giá trị vĩnh hằng của mọi vương
triều và như một mục tiêu có tính đột phá để phát triển.
Một thành phố
phát triển đến mấy mà người dân bước ra đường nơm nớp với nạn cướp giật, bảo
kê, thanh toán nhau đẫm máu... Những hẻm phố ầm ĩ tiếng nẹt pô xe máy của
những tên du côn. Những công nhân tan ca khuya lóng ngóng lo âu đi về trên
đường vắng... Những điều giản dị ấy thoạt nghe thì rất dễ nhưng để đạt cho
được luôn là một thách thức với bất cứ đô thị nào.
Thời gian sẽ có
câu trả lời cho sự an dân mà lãnh đạo các thành phố lớn đang đặt ra. Có điều
không chỉ người dân TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng muốn được “an bình” mà chắc
chắn ở bất cứ địa phương nào trên đất nước này người dân cũng đều muốn được
nghe chính quyền cam kết như thế!
(Theo Tuổi trẻ) LÊ ĐỨC DỤC
|
Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét