Giáo sư bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn
Cập nhật lúc 14:11
Từ sự
biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chấm dứt thời kỳ tốn tiền tốn
bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá bằng những chương trình không hiệu quả.
LTS:Những ngày qua báo chí trong và ngoài nước
liên tục đưa tin, tường thuật về hiện trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển
ĐBSCL.
Theo Bộ
NN – PTNT, đã có khoảng 58.300 ha lúa bị thiệt hại. Vào Google gõ “Rice
damaged by salinity intrusion 2016” sẽ xuất hiện tin tức từ Việt Nam. Chỉ một
ít là từ Bangladesh. Còn nếu gõ tiếng Việt “Lúa thiệt hại do xâm nhập mặn
2016” thì hầu như chỉ có tin từ Việt Nam. Đáng nói là tin tức về xâm nhập mặn
chỉ cập nhật ở khía cạnh cây lúa, điều này đã gây nên dư luận xem nước mặn
như “kẻ thù” mà cả nước phải gồng chống bằng mọi cách, mọi giá…
Để lý
giải tại sao nước mặn không phải là kẻ thù, mời quí vị theo dõi cuộc trò
chuyện của Tuần Việt Nam với giáo sư Võ Tòng Xuân.
Thưa GS
Võ Tòng Xuân, ông giải thích thế nào về nhận định “không nên lo lắng” trước
tình trạng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho các tỉnh ven biển ĐBSCL của
ông?
GS- TS
Võ Tòng Xuân: “Không
nên lo lắng” ở đây là tôi muốn nói trong tương lai. Bởi chúng ta đã cố gắng
rất nhiều để “ngọt hóa” nhưng cuối cùng vẫn không giữ được, ví dụ chương
trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và nhiều chương trình khác đắp đê ven biển để
giữ cho trồng lúa…
Tới đây
nhất định chúng ta phải thay đổi thôi chứ không còn có thể “bằng mọi giá” duy
trì cách làm cũ. Vì chúng ta có đổ thêm tiền của, công sức thì vẫn không thể
ngăn mặn và giữ ngọt được.
Vấn đề
tôi muốn nói ở đây là chúng ta thích nghi với sự thay đổi này như thế nào? Và
trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay thì sự thay đổi, chuyển đổi cơ cấu sản
xuất đang đặt ra hết sức cấp bách thì chúng ta đón nhận sự xâm nhập mặn này
một cách thông minh, tỉnh táo nhằm đem lại lợi ích to lớn cho nông dân. Bởi
vùng ngập mặn cũng là hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rất tốt nếu chúng
ta biết khai thác.
Thưa
GS, có thể hiểu tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại trước mắt cho trồng lúa
nhưng lại là cơ hội lớn để chúng ta xoay chuyển thế kẹt hiện nay của ngành
nông nghiệp tại ĐBSCL có đúng không?
GS–TS
Võ Tòng Xuân: Đúng
rồi!
Năm nay
sự thay đổi của thiên nhiên đã rõ ràng và chứng minh một điều là chúng ta
không thể “cứu” gì được vì không có nước ngọt. Thái Lan đang tổ chức làm mưa
nhân tạo cho các vùng bị hạn của họ. Họ cho máy bay bắn đá khô vào các đám
mây để tạo mưa, rất tốn kém mà hiệu quả không cao.
Việt
Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến
đổi không lường từ thập kỷ vừa qua. Nhìn chung trái đất của chúng ta trong
năm qua lượng mưa ít hơn, khô hạn trầm trọng nhiều lục địa nhất là Bắc Mỹ,
Úc, Đông Á, Nam Á (Ấn Độ), và Nam Phi làm thiệt hại mùa màng như mía, lúa,
bắp…
Chúng
ta không có điều kiện như Thái Lan. Và nếu muốn giữ vùng trồng lúa thì vẫn
phải đổ ra hàng ngàn tỷ đồng mà không thể giữ. Mà có giữ được thì cũng không
có hiệu quả. Cho nên, phải thay đổi là khôn ngoan nhất, là lẽ tất nhiên.
GS–TS
Võ Tòng Xuân: Ở
Indonexia, họ làm thủy lợi ở các vùng ngập mặn ven biển cho nuôi tôm rất
tốt. Họ xây dựng những tuyến kênh cung cấp nước vào và ra cho từng
ruộng nuôi tôm. Trong từng vuông tôm có hệ thống tháo nước ra để thanh lọc,
xử lý vệ sinh cho ruộng tôm. Trong vùng mặn ven biển họ trồng các loại cây
như cây đước để xử lý môi trường, lọc nước, tinh khiết hóa nước vùng ven biển
phục vụ cho nuôi trồng.
Ở ĐBSCL
có những vùng ven biển nuôi tôm rất hiệu quả. Ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có
vùng nuôi tôm tập trung rộng 11.000 ha. Trước đó người dân trồng lúa, sau mới
chuyển qua trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Khi lúa chín họ thu hoạch và đưa nước
mặn vào khi đất còn ẩm. Thật sự ra mấy ông nông dân làm giàu dưới đó là nuôi
tép thôi. 1 kg tép khô hiện nay trên 1 triệu đồng/kg. Sau khi thu hoạch lúa
rồi thì nuôi tép. Đây là mô hình đang cực kỳ có hiệu quả, tính ra lợi tức gấp
4–5 lần so với trồng lúa!
Mô hình
tôm – lúa đang được nhiều nông dân ở các huyện ven biển khác đang áp dụng
nhưng không quy mô nguyên vệt 11.000 ha như ở Mỹ Xuyên mà chỉ vài trăm ha,
hiện rải rác khá phổ biến.
Nếu mô
hình này hiệu quả như vậy, sao bà con không làm?
GS–TS
Võ Tòng Xuân: Cái
hướng làm giàu như mô hình tôm – lúa hay chuyên tôm đã có từ lâu nhưng nhiều
nông dân không làm được rộng rãi là bởi cái gì không phải là lúa thì không
được nhà nước đâu tư. Nhà nước chúng ta chỉ đầu tư cho cây lúa.
Mô hình
nhà nước đầu tư như Indonesia cũng là mô hình để chúng ta nghiên cứu và vận
dụng. Tùy từng vùng chúng ta có thể quy hoạch và làm thủy lợi cho phù hợp, có
thể canh tác lúa – tôm, hay chuyên canh nuôi tôm và các loại hải sản khác.
Vấn đề
đầu tiên là nhận thức lại trong khâu quản lý nhà nước, thứ hai là tổ chức quy
hoạch lại để có chính sách đầu tư phù hợp hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi …
Tại các
hội thảo, diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế nêu vấn đề,
chúng ta cứ lo xuất khẩu 5 – 7 triệu tấn gạo hàng năm nhưng không hiệu quả
bằng Campuchia mỗi năm xuất khẩu 1 triệu tấn! Mặt khác, thị trường gạo của
Việt Nam toàn là nước nghèo, còn Campuchia là thị trường cao cấp, họ bán cho
nước giàu. Cách làm này vô hình chung chính Việt Nam đang phải "tài trợ”
cho các nước khác yên tâm phát triển! Đáng buồn là cho đến nay là sự
thật phũ phàng này vẫn chưa có tín hiệu gì thay đổi?
GS – TS
Võ Tòng Xuân: Lẽ
ra chúng ta phải thay đổi chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó chính
sách phát triển cây lúa từ lâu chứ không phải đến tận hôm nay mới “xem xét”
hay “bàn bạc”.
Chính
sách tập trung phát triển lương thực, chủ lực là cây lúa rất đúng và rất phù
hợp sau chiến tranh. Không có chính sách nào khác phù hợp bằng. Ở bất cứ nước
nào trên thế giới cũng vậy. Sau thời gian chiến tranh, bị tàn phá nặng nề thì
việc đầu tiên khi có hòa bình là giải quyết nạn đói, thiếu ăn cho nhân dân.
Nước Nhật đã từng công nghiệp hóa từ trước nhưng sau chiến tranh cũng phải
thúc đẩy phát triển lương thực để đẩy lùi nạn đói. Ở Âu châu cũng vậy. Sau
thế chiến thứ nhất và thứ hai thì phải tập trung trước mắt là giải quyết vấn
nạn lương thực, thực phẩm để cứu đói.
Ở ta,
chính sách phát triển trồng lúa phát huy tác dụng to lớn cho đất nước phải
trải qua 30 năm chiến tranh tàn khốc. Cho đến năm 1989, nhờ chính sách này
chúng ta vươn vai đứng dậy thành đất nước xuất khẩu gạo đứng có thứ hạng cao
trên thế giới.
Nhưng
thưa GS cái thời thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã qua lâu rồi mà?
GS – TS
Võ Tòng Xuân: Lẽ
ra tới thời điểm 1989 chúng ta từ nước thiếu ăn thành ra quốc gia xuất khẩu
gạo thì chính sách an ninh lương thực của chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi
cho phù hợp tình hình mới. Lẽ ra, từ lúc này chúng ta phải lo cho người trồng
lúa là nông dân tăng lợi tức cho họ chứ không nên cột chặt nông dân vào cây
lúa nữa. Trên thế giới ai cũng biết lợi tức từ trồng lúa là không thể cao,
nhất là trồng lúa chạy theo năng suất tối đa như ở ta.
Trên
cùng một diện tích, nếu chỉ trồng lúa 3- 4 vụ/năm thì người nông dân không
thể thoát khỏi nghèo mãi. Nếu chúng ta cho nông dân thay đổi, trồng 1 vụ lúa
xen canh các loại cây trồng vật nuôi khác thì hiệu quả mới có, mới thay đổi
đời sống nông dân.
Năm
1991 tôi chuyển trung tâm nghiên cứu lúa gạo ở Cần Thơ thành Viện nghiên cứu
hệ thống canh tác ở ĐBSCL đã cho ra những mô hình bền vững để nâng cao lợi
tức cho người trồng lúa. Ví dụ như mô hình lúa – tôm. Thật ra đây không phải
do tôi nghiên cứu ra mà từ khám phá của một nông dân ở Bạc Liêu về phương
pháp canh tác nuôi tôm trong ruộng lúa rồi tôi đưa về nâng cao, đưa nhiều
tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cho nông dân áp dụng. Nhưng tiếc là không thực
hiện được nhiều vì không có sự đầu tư của nhà nước cho cơ sở hạ tầng kỷ thuật.
Chính
sách đầu tư của nhà nước chúng ta bao năm qua chỉ là cây lúa thôi. Đầu tư cho
lúa tốn kém rất nhiều. Nhà nước phải vay tiền của ngân hàng thế giới (WB),
của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để làm thủy lợi cho cây lúa. Dù nhà
nước có thu lại thủy lợi phí nhưng chẳng đáng là bao so với số tiền bỏ ra.
Nói cách khác, nhà nước phải tiêu rất nhiều tiền để có được sản lượng lúa
ngày càng nhiều, giúp cho cả nước được ăn gạo ngày càng rẻ.
Đúng là
hính sách này giờ đây đang trở thành một nghịch lý. Hóa ra lâu nay chúng ta
còng lưng đi nuôi thiên hạ, nuôi những nước giàu có hơn ta!
GS – TS
Võ Tòng Xuân: Đúng
là cũng vì cách làm như thế này nên chúng ta bao cấp luôn cho nhiều nước
khác, trớ trêu nhất là nhiều nước mua gạo của ta họ giàu hơn ta. Malaixia đã
chính thức nói thẳng thừng, không cần tự túc lương thực mà chỉ trồng những
cây gì, nuôi con gì có giá trị cao.
Còn
gạo, nếu thiếu thì mua của Việt Nam vì Việt Nam làm ra gạo nhiều và giá rất rẻ!
Philippine
có nhiều vùng đất rộng mênh mông nhà nước họ tập trung trồng chuối, trồng
khóm đóng hộp, mứt khóm; trồng sầu riêng, trồng xoài xuất khẩu khắp thế giới.
Tất cả những thứ này có lợi tức nhiều và nhiều hơn trồng lúa gấp bội. Và họ
mua gạo của Việt Nam cho rẻ, có hiệu quả hơn là trồng. Indonexia cũng vậy.
Chính sách của họ là không nhất thiết phải tự túc lương thực mà chuyển qua
nuôi tôm, trồng cây cọ dầu. Nguồn thu nhập từ tôm, cọ dầu rất tốt hơn trồng
lúa.
Còn
chúng ta lâu nay cứ lao vào cây lúa, cột nông dân vào cây lúa với sai lầm kéo
dài là lo cho “an ninh lương thực” một cách mơ hồ. Thử hỏi một cách nghiêm
túc, Việt Nam làm ra lúa gạo nhiều nhưng có đảm bảo “an ninh lương thực” như
những nước mua gạo của ta không?
40 năm
nay nông dân ta cắm đầu trồng lúa nhưng vẫn phải bán lúa tại đồng vì không đủ
tích lũy, không đủ tái sản xuất. Đến mùa vụ thu hoạch xong phải bán ngay
không kịp chở về nhà để trả nợ vay ngân hàng, nợ ứng vật tư phân bón, thuốc
trừ sâu, xăng dầu; lo tiền ăn uống, học phí con cái v.v… Vậy mà
chính sách vẫn cứ đẩy họ trồng lúa hoài thì làm sao thay đổi số phận của họ?
Nói
thật đây là cái chuyện chúng ta làm chưa thông minh, chưa khôn ngoan! Chúng
ta phải chuyển đổi trước hết là tư duy rồi tới hành động để phát triển những
hệ thống canh tác mới phù hợp với hoàn cảnh mới, phù hợp với thiên nhiên. Và
quan trọng nhất là đem lại lợi tức chính đáng cho nông dân, giải phóng họ
thoát khỏi nghèo túng quanh năm.
Chuyển
đổi theo hướng bớt trồng lúa giúp ta để giành nước ngọt sử dụng cho những mục
đích khác như sinh hoạt , phục vụ tưới cho cây trái, chăn nuôi
Nói
chung, chúng ta chuyển đổi qua những cây trồng vật nuôi khác có giá trị hơn
cây lúa ở vùng mặn và vùng ngọt là có khả năng. Giờ mình nên thật sự thay đổi
thực hiện chủ trương đã có là chuyển đổi cơ cấu nhưng lâu nay chỉ nằm trên
giấy không làm, phải chuyển một cách thật sự.
Từ sự
biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chúng ta thay đổi, chấm dứt
thời kỳ tốn tiền tốn bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá những chương
trình không hiệu quả, chấm dứt việc thủy lợi ngọt hóa, ngăn mặn lỗi thời
không phù hợp mà tốn tiền của vô ích.
Xin cảm
ơn và chúc sức khỏe GS!
(Theo TuanVietNam) Duy Chiến thực hiện
|
Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét