Gạc Ma, lợi ích quốc gia và sự thật lịch sử
Cập nhật lúc 08:23
Một dân tộc có khí phách, không chỉ can
trường trong chiến tranh mà còn dám nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật
lịch sử. Đó cũng chính là cách tạo nên nội lực quốc gia.
Dân tộc Việt
Nam ta, mỗi năm đều có những ngày kỷ niệm lớn. Có ngày kỷ niệm vui như khúc
hoan ca. Nhưng cũng có những ngày kỷ niệm như vết thương đau nhức nhối trên
thân thể, chưa bao giờ lành.
Can đảm và... cô đơn
Tháng 03 này,
có một ngày kỷ niệm bi thương. Đó là ngày 14/3, ngày mà cách đây đúng 28 năm,
64 người lính công binh của nước Việt bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến
không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa mênh mông biển khơi,
một bên là tàu lớn, súng to, họ đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn.
Nước Biển Đông
từ ngày đó như mặn hơn vì vị mặn của máu, vị mặn nước mắt của cả dân tộc, đau
thương và bi phẫn. Hàng ngàn bài viết của báo chí, các trang mạng XH như
những nén tâm nhang, khóc vì xót đau và biết ơn những người lính đã nằm xuống:
Gạc Ma. Đêm ấy. Ta đau. Biển không xanh nữa, chỉ rầu rầu tang.
Một con tàu cuối vỡ tan. Một vầng trăng cuối, đang nhàn nhạt. Trôi.
Sau đêm hôm ấy. Ta thôi. Không còn tin chuyện xa vời viển vông.
Đảo này đảo của cha ông. Bao nhiêu máu đã nhuốm hồng mắt đêm?
Bạn đi. Đau tuổi. Đau tên. Không hồn. Chẳng vía để lên Niết Bàn.
Tiếng con thơ. Xé không gian. Mẹ không khóc được. Chỉ giàn giụa thôi! ….(Tuổi trẻ, ngày 31/01)
Và đây nữa, câu
chuyện 64 đôi đũa, 64 cái bát trong bữa giỗ Gạc Ma của cụ Hoàng Dỏ (Quảng
Bình), người cha có con trai Hoàng Văn Túy cùng 63 đồng đội đã hy sinh trong
ngày 14/03 đau thương ấy. Ba năm nay, kể từ 2012, mỗi năm vào ngày giỗ
liệt sĩ Hoàng Văn Túy, cụ đều làm mâm cơm cúng vong linh tất cả 63 người lính
cùng con trai mình, gọi tất cả họ là các con. Khiến ai nấy cay mắt.
Còn đây nữa,
nay mai, khúc bi tráng Gạc Ma sẽ được tái hiện ở khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc
Ma tại phía bắc Cam Ranh (Khánh Hòa). Lâu nay, dư luận XH rất dị ứng với các
dự án tượng đài bởi sự lãng phí, thất thoát. Vậy nhưng tượng đài tưởng niệm
các chiến sĩ Gạc Ma lại được người dân chờ mong, trân trọng đón đợi với tất
cả niềm thành kính. Lòng dân xưa nay là vậy, luôn công bằng!
Nhưng việc xâm
chiếm Gạc Ma không chỉ nhất thời. Đó là một vụ việc điển hình nằm trong một
chuỗi âm mưu độc chiếm Biển Đông từ lâu của TQ, có toan tính chiến lược tổng
thể và lâu dài. Chiếm được Gạc Ma, một bãi đá ngầm có một vị trí chiến lược
quan trọng nằm giữa các đảo của VN quản lý, TQ đã thực hiện chiến thuật cài
răng lược.
Chỉ lợi ích dân tộc là vĩnh viễn
Cái sự ‘gặm
nhấm dần” này có thể coi là cách hành xử thâm hiểm, kế tục “truyền thống” của
các vương triều Trung Hoa cổ đại với nước Việt? Người ta thấy rằng, từ sự
kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 cho đến sự kiện Gạc Ma 1988, chỉ trong vòng 14
năm đã xảy ra ba cuộc xâm lược của TQ.
Chiến lược tổng
thể này cũng rất bài bản và thâm hiểm mà các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông
và Bộ Quốc phòng đã chỉ ra. Nếu biết rằng, giữa những năm 80, TQ đã chiếm lần
lượt một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Từ năm 1987 đến tháng 2/1988
họ chiếm đảo Louisa, bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa. Tháng
3/1988 họ huy động một lực lượng lớn hải quân với đủ các loại tàu
chiến, ngang nhiên bắn phá và chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
64 người lính
của nước Việt đã ngã xuống ở đảo Gạc Ma, chính trong tháng 03 này-
tháng của mùa hoa gạo. Của màu máu và màu lửa cháy- khôn nguôi.
Nếu
biết rằng, trong nước, TQ liên tục tăng ngân sách quốc phòng, trong đó 40%
ngân sách dành cho mua sắm vũ khí trang bị, ưu tiên cho hải quân và không
quân.
Nếu
biết rằng, TQ còn thúc đẩy hàng loạt chính sách nhằm “hợp pháp hóa” hành động
xâm lược phi nghĩa. Khi nhà nước TQ thông qua 06 luật; thành lập 02 cơ quan
chuyên trách về Biển Đông; công bố 418 mảnh bản đồ, trong đó có hai quần đảo
của VN; dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông, trong đó có 04 vị trí ở quần đảo
Hoàng Sa… (Dân trí, ngày 14/3)
Biển Đông trở
thành miếng mồi béo bở trong con mắt của dã tâm và tham lam, với nhiều động
thái nguy hiểm.
Sự kiện Gạc Ma
đau thương còn phản chiếu những phức tạp khác luôn nảy sinh trong quan hệ
giữa các quốc gia chằng chéo lợi ích.
Trả lời và lý
giải thái độ, động thái “im lặng” của LX khi xảy ra cuộc sự kiện Gạc Ma, theo
báo Infonet, ngày 14/3, các nhà ngoại giao kỳ cựu, nhà nghiên cứu về VN-
GS.V.I.Dashichev (khi đó là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Bộ Ngoại giao
LX), GS.TS.Vladimir Kolotov, nhà VN học (Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint
Petersburg), chuyên gia Grigory Lokshin, Phó TS Lịch sử (Trung tâm nghiên cứu
VN và ASEAN) cho rằng, bởi LX cũng phải ưu tiên những lợi ích, quyền lợi
riêng mình, trong mối quan hệ chằng chịt với phương Tây, với Mỹ và với chính
TQ.
Sự thật đó có
thể làm ngỡ ngàng niềm tin của đa số người dân trong XH vốn sống duy tình,
coi trọng quá khứ, ở đó LX là quốc gia từng giúp đỡ VN rất nhiều trong các
lĩnh vực. Tuy nhiên bình tâm và tỉnh táo, cũng phải thấy một điều, trong thế
giới đa chiều ngày nay, có một thành ngữ hiện đại được thực tiễn sàng lọc và
thừa nhận: Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè
vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Các quốc gia
sáng suốt và khôn ngoan bao giờ cũng đặt lợi ích quốc gia của mình lên hết
thẩy, trong các mối quan hệ quốc tế. Và vì vậy, trong vụ tổn thất Gạc Ma, bài
học thực tiễn nước Việt nhận chân và khắc ghi tâm khảm là, trong thế giới đa
chiều chằng chéo lợi ích, chỉ có những quan hệ láng giềng vì lợi ích quốc
gia, không có những quan hệ… duy nhất đúng!
Và ở một điều
khác, chính thực tiễn đó khiến nước Việt phải biết tự thân củng cố nội lực,
thích ứng và tận dụng cơ hội trong các mối quan hệ quốc tế “đôi bên cùng có
lợi”.
Sòng phẳng với sự thật lịch sử
28 năm đã trôi
qua, nhưng vết thương Gạc Ma nói riêng, Hoàng Sa- Trường Sa nói chung vẫn
luôn trái gió trở trời trên
thân thể nước Việt. Vì sao?
Một điều, vì
tiềm lực nội lực nước Việt còn nhiều hạn chế, bất cập khiến lòng người chưa
bình an. Một điều khác, do không đủ thông tin và do những quan niệm khác
nhau, cái nhìn về biển đảo Hoàng Sa- Trường Sa trong XH, có thể dẫn đến sự
phân tâm ngay trong chính cộng đồng XH. Nhất là những thời khắc bị lăm
le, dòm ngó.
Chia sẻ với
Tuần Việt Nam, ngày 14/3, Ts Sử học Nguyễn Nhã cho rằng, ngay nhiều người dạy
sử còn không biết rõ về sự kiện Gạc Ma 1988. Đặc biệt, trong sách giáo khoa,
đáng tiếc không có một dòng nào về Gạc Ma đau thương. Đồng cảm về điều này,
Ts Hoàng Việt so sánh, khác với những liệt sỹ chống Mỹ, những người đã ngã
xuống để bảo vệ đất đai cha ông trước quân TQ xâm lược lại hầu như nằm trong
“vùng tối” SGK lịch sử nước nhà.
Còn thầy giáo
Trần Trung Hiếu (THPT Phan Bội Châu- Nghệ An) cho biết, rất nhiều tờ lịch
treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện biên giới phía Bắc
(17/2/1979), biên giới Tây-Nam và các sự kiện liên quan chủ quyền biển đảo
Hoàng Sa (19/1/1974), Gạc Ma (14/3/1988), (zing.vn, ngày 14/3).
Thật ra sự hình
thành và phát triển mỗi quốc gia trên quả đất này đều là một hành trình dâu
bể. Có thắng có bại. Có hưng có vong. Có thịnh có suy. Có nụ cười và nước
mắt. Có ngọt ngào và cay đắng. Chỉ may mắn lắm mới có những quốc gia không
phải ca khúc quân hành: Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta
ôm cây súng. Bởi nhân loại luôn tồn tại một sự thật này- xâm lược
và chống xâm lược, chiến tranh và hòa bình, phá hủy và xây dựng, cái ác và
cái thiện…
Chính vì thế
nước Việt, trước những thách thức chủ quyền biển đảo hôm nay, trong thế giới
phẳng, để tuổi trẻ hiểu được lịch sử hiện đại của đất nước vẫn đầy máu và
nước mắt, thì sự thật lịch sử cần được tôn trọng, trả lại chỗ đứng của nó để
người dân Việt thấm thía nỗi đau tổn thất về chủ quyền dân tộc, xác định thái
độ sống có trách nhiệm với quốc gia.
Rất đáng chú ý,
trong dịp 14/3 năm nay báo chí, các trang mạng XH thông tin khá đầy đủ sự
kiện Gạc Ma. Đáng chú ý, hàng loạt tờ báo phản ánh ý kiến của các vị tướng,
các nhà quản lý XH, nhà nghiên cứu, ĐBQH cho đến các thầy giáo, cô giáo trực
tiếp đứng lớp về chủ đề này.
Tiến
sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới CP: Có những luồng thông
tin nguy hại đang gây chia rẽ trong xã hội, lại là chính những gì
những kẻ dòm ngó lãnh thổ chúng ta mong muốn nhìn thấy. Thiết
nghĩ đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, có những
bước đi thích hợp đánh giá công khai các sự kiện này dưới ánh
sáng Công pháp quốc tế, rút ra bài học cho mình để trả lại cho
lịch sử sự chân thực vốn có của nó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới
làm nguôi ngoai vết thương chiến tranh, củng cố đại đoàn kết dân
tộc, phát triển đất nước cường thịnh mà không phải lo mầm mống
bạo loạn bất ổn từ bên trong (GDVN, ngày 14/3).
Còn
Tướng Lê Kế Lâm rất thẳng thắn: Tôi đề nghị ngày 17/2 và ngày 14/3 phải là
ngày kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước. Như vậy mới xứng
đáng và đáp ứng nguyện vọng nhân dân cả nước. Đây đó từng có ý kiến những
ngày kỷ niệm đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hữu nghị với nhân dân TQ.
Tôi cho rằng ý kiến đó phiến diện. Bởi chúng ta vẫn nói nhiều về cuộc kháng
chiến chống Pháp rồi chống Mỹ nhưng điều đó đâu ảnh hưởng đến hữu hảo hiện
tại với nhân dân Pháp và Mỹ?
Trả lời báo TT,
ngày 13/3, Ts Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TGTW nhận
định: Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm. Nên làm
rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin. Thông
tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường
này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai
hóa, minh bạch hóa.
Ở góc độ giảng
dạy, nhìn nhận việc thiếu vắng những sự kiện lịch sử trong SGK, Ths Trần
Trung Hiếu chỉ ra nguy cơ của sự né tránh sự thật trong thế giới phẳng hiện
nay, con người sẽ chỉ nghe tin đồn mà không tin ở tin tức: Nếu chúng ta cố
tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên, sẽ gây ra sự khủng hoảng
niềm tin. Học sinh tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin
trên các phương tiện truyền thông, Internet? Học sinh cần biết để rèn luyện
tư duy khoa học tôn trọng sự thật lịch sử, biết giá trị về hòa bình, độc lập
của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát.
Còn cô giáo
Nguyễn Lan Phương, Trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội lại có ví von thú vị: Dạy
Lịch sử thiếu biển đảo như vẽ người không đôi mắt' (zing.vn, ngày 14/3)
Tất cả những
phát ngôn trên, ở các góc độ công dân khác nhau nhưng đều nhìn về một hướng-
tôn trọng sự thật lịch sử như chính nó. Và đó cũng là khát vọng của lương
tâm, trước sự hy sinh của những người lính Việt bảo vệ biển đảo. Có câu nói
của Henri Frederic Amiel (nhà phê bình và triết gia người Thụy Sĩ) được
nhân loại, các quốc gia coi như danh ngôn: Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn
bị xúc phạm bởi sự câm lặng.
Một dân tộc có
khí phách, không chỉ can trường trong chiến tranh mà còn dám nhìn thẳng vào
sự thật, tôn trọng sự thật lịch sử. Đó cũng chính là cách tạo nên nội lực
quốc gia.
(Theo VietNamNet)
Kỳ Duyên
|
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét