Bán
hàng đa cấp - cơ quan quản lý không thể vô can
Cập nhật lúc 08:39
Bán hàng đa cấp đang bị lợi dụng và bị đa
cấp hóa bởi những cá nhân trục lợi. Đổ lỗi cho người tiêu dùng kém hiểu biết,
để lòng tham dẫn dắt thì dễ nhưng có một câu hỏi lớn được đặt ra.
Đó là tại sao rất nhiều vụ bán hàng đa cấp lừa đảo chỉ bị phát
hiện sau một thời gian dài hoạt động, hàng chục ngàn người bị lôi kéo,
dụ dỗ với số tiền lên đến cả ngàn tỉ đồng thì các mạng lưới ấy mới vỡ lở, cơ
quan chức năng mới nhập cuộc?
Trong những vụ án của bán hàng đa cấp bất chính bị phanh phui gần đây,
cách thức phổ biến nhất vẫn là kêu gọi đầu tư tài chính với mức sinh lời cao.
Những công ty này kêu gọi người tham gia bỏ tiền vào và hợp thức hóa bằng các
mã hàng hóa cho dù người mua không có nhu cầu lấy hàng.
Thay vào đó, người tham gia được hứa hẹn chia lãi hằng tháng. Và để
người tiêu dùng tin tưởng ngay khi đóng tiền thì công ty sẽ tổ chức lễ chia
hoa hồng hoặc chuyển khoản vào tài khoản cá nhân một khoản tiền trong số tiền
mà họ vừa đóng vào.
Như trong vụ Công ty Liên Kết Việt, công ty này thu 1.900 tỉ đồng nhưng trả hoa
hồng hết 1.000 tỉ, trong khi tiền nhập hàng chỉ có 6,1 tỉ và tiền bán hàng
chỉ 9 tỉ.
Doanh nghiệp này lấy tiền của người này trả cho người kia chứ không có
quan hệ mua bán tạo ra giá trị kinh doanh nào cả.
Cho đến khi những người vào sau không nhận được tiền và những người
vào trước không nhận đủ tiền thì họ bắt đầu phản ứng dẫn đến vỡ hệ thống và
khi đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Người tham gia kém hiểu biết đã đành, còn có một số đông cá nhân người
bán hàng đa cấp biết rõ mô hình bất chính, lừa đảo nhưng vì hám lợi nên vẫn
đi dụ dỗ người khác để kiếm hoa hồng rồi mặc kệ hậu quả ra sao thì ra. Bởi
vậy, hầu hết khi các vụ bị vỡ ra thì nạn nhân cũng chính là thủ phạm.
Hàng triệu người tham gia bán hàng đa cấp đã rơi vào bẫy mà các công
ty đa cấp bất chính giăng ra.
Người dân không thể suy nghĩ ngồi mát ăn bát vàng, không nên tin vào
những chuyện giàu có một cách nhanh chóng mà không phải lao động, vì không có
mô hình kinh doanh nào có thể đem lại lợi nhuận nhanh chóng mà không cần bán
hàng.
Luật cũng đã quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được chia hoa
hồng quá 40%, nên tất nhiên trên mức này là vi phạm, mập mờ, bất chính.
Nhưng để hàng trăm con đỉa đa cấp hút máu hàng triệu người dân, dai
dẳng trong thời gian dài không thể không có sự tiếp tay của một bộ phận công
chức làm quản lý, những người chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình,
những người có thể đã dung túng cho các tổ chức làm ăn bất chính.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói với kinh nghiệm của ông, ông chắc chắn
rằng không thể bộ máy hoạt động cả trăm chi nhánh, hàng chục ngàn người, số
tiền huy động hàng ngàn tỉ đồng với thời gian dài như vậy mà cơ quan chức
năng, ngành công thương, địa phương, quản lý thị trường... lại không hay biết.
Tại sao một cửa hàng nhỏ ở đầu hẻm mới mở đã phải tiếp đến mấy đoàn
kiểm tra mà một doanh nghiệp hoạt động sôi động như vậy mà cơ quan chức năng
địa phương không hay biết?
Suốt hơn 12 năm du nhập và tồn tại ở VN, hoạt động biến tướng của bán
hàng đa cấp ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Vụ án Liên Kết Việt chỉ là một trường hợp bị phanh phui, còn rất nhiều
công ty lừa đảo, làm ăn bất chính núp bóng mô hình đa cấp đang nhởn nhơ tồn
tại, tiếp tục vươn những cái vòi gớm ghiếc của mình đi tận cùng ngõ hẻm để dụ
dỗ người dân.
Chỉ cần có trách nhiệm và tận tâm, thông qua các đợt kiểm tra kiểm
toán định kỳ các công ty này, cơ quan chức năng nếu phát hiện sai phạm chắc
chắn sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong khi đó, cũng cần có cơ chế báo cáo thuế đặc biệt với những doanh
nghiệp dạng này để ngăn tẩu tán tài sản, tiền trong ngân hàng.
(Theo
Tuổi trẻ) NHƯ BÌNH
|
Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét