Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

 Đằng sau những hoành tráng

Cập nhật lúc 09:31
                  
“Phong cách” hoành tráng, lãng phí của nhiều tỉnh, thành, ngành của ta gần đây thật đáng “khâm phục”!

Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 rất khó tìm thấy tỉnh, thành phố nào không tổ chức bắn pháo hoa. Nhiều tỉnh nghèo khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng “chắt bóp” để bắn pháo hoa hoành tráng. Có tỉnh phải xin Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tấn gạo cứu đói dịp Tết nhưng vẫn quyên góp tiền của cơ quan, doanh nghiệp để bắn pháo hoa. Không biết người dân vùng đói, ăn cháo hoa có được ngắm pháo hoa? Tiền chi cho một điểm bắn pháo hoa không tính bằng triệu mà hàng tỉ đồng, tuy nhiên lượng người dân được chiêm ngưỡng pháo hoa thường hạn chế, nhất là ở những tỉnh vùng núi, hải đảo. Ngay tại thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do không gian chật hẹp nên lượng người trực tiếp được xem các màn pháo hoa đêm giao thừa cao lắm cũng chỉ tới hàng nghìn. Đại đa số người dân cả nước chiêm ngưỡng pháo hoa qua màn ảnh ti-vi ghi hình những điểm bắn của một vài thành phố lớn (đây cũng là cách làm hiệu quả nhất, ít tốn kém). Còn các điểm bắn tại nhiều tỉnh, thành thì chỉ phục vụ lượng người rất ít quanh đô thị của mỗi địa phương. Tiền mất nhiều nhưng số người thưởng thức hạn chế thì không thể gọi là gì khác ngoài sự lãng phí.

Căn bệnh trầm kha lãng phí trong đầu tư xây dựng nhiều năm qua vẫn đang làm người dân chưa hết xót xa. Ngay tại Thủ đô, tòa “tháp lộn ngược” Bảo tàng Hà Nội với chi phí hơn 2 nghìn tỉ đồng, hiện vật nghèo nàn, khách tham quan lèo tèo có thể là một điển hình về lãng phí. Hà Nội còn rất nhiều công trình thể thao, văn hóa hoành tráng khác ở nội thành và các huyện ngoại thành cũng đang trong tình trạng thưa vắng người dùng. Cảnh đông đúc, chen chúc thường nhật lại là tại các bệnh viện, lớp học mẫu giáo, mầm non. Trẻ em đang thiếu trầm trọng sự hoành tráng dành cho không gian vui chơi, học tập. Có người dân đã nói thẳng “họ xây dựng những công trình văn hóa, thể thao hoành tráng chỉ là để… xây dựng, không quan tâm hiệu quả sử dụng”! Người dân không được lợi thì ai được lợi từ những công trình xây dựng hoành tráng đó?

Dư luận những ngày qua đang xôn xao về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636 m) của VTV tại Hà Nội. Kinh phí đầu tư của dự án từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD, trong đó riêng phần khối tháp là 900 triệu USD (chừng hơn 20 nghìn tỉ đồng). Hiện tháp truyền hình cao nhất thế giới (tháp Sky Tree (Tokyo - Nhật Bản) là 634m, tháp VTV chỉ cần nhích hơn 2m đã cao nhất thế giới!
VTV đang muốn vượt Nhật Bản 2m


Đề án số hóa truyền hình với mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ chuyển sang công nghệ số DVB-T2 của Bộ Thông tin và Truyền thông đang về đích. Liệu có gì mâu thuẫn trong chủ trương phát triển dài hạn của VTV khi tháp cao là không cần thiết cho phát sóng truyền hình? Đã có những phản biện, nghi ngờ lợi ích đằng sau dự án tháp truyền hình - đó là nguồn đất đai (14,5 ha ban đầu, nay mở rộng tới 49 ha). Chắc chắn, dự án xây dựng này sẽ đề xuất những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các hạng mục “ăn theo” như căn hộ cao cấp, khách sạn, nhà hàng, khu trung tâm thương mại, dịch vụ… sẽ chiếm tỉ trọng không ít trong dự án này. Vậy sự hoành tráng tòa tháp cao nhất thế giới này thực sự vì ai?

Căn bệnh hoành tráng dù là mục tiêu gì thì cũng đến lúc cần được "điều trị" để đồng tiền của dân không rơi vào lãng phí!
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng

(Bài đăng mục Trong mắt người già, Báo Người cao tuổi số ra ngày 01/3/2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét