Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Nhiều bộ sách giáo khoa: Có xóa được độc quyền?

Cập nhật lúc 14:45   
PGS Văn Như Cương lo ngại, nếu cùng một lúc có nhiều bộ SGK được sử dụng thì việc thi tốt nghiệp sẽ tổ chức như thế nào.
Quốc hội đã thông qua chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, trong đó các nhà xuất bản, các tổ chức và các cá nhân đều có quyền tham gia viết SGK.
Trước kia, SGK là độc quyền biên soạn của NXBGDVN, thì nay theo chủ trương mới, NXBGDVN cũng chỉ là một tổ chức bình đẳng như mọi tổ chức khác. SGK của họ có thể được Hội đồng Thẩm định SGK thông qua hoặc bác bỏ.
Việc các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia biên soạn SGK, nhiều ý kiến lo ngại không chỉ có SGK miền Bắc, miền Nam mà còn có những bộ SGK miền Trung, miền Tây Nam bộ, vùng dân tộc…
Để hiểu hơn về công tác biên soạn SGK theo hướng “Một chương trình, nhiều bộ SGK và liệu nên có nhiều bộ SGK cho các vùng, miền hay không, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương - người có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, đổi mới chương trình SGK phổ thông.

 nhieu bo sach giao khoa: co xoa duoc doc quyen? hinh 0
  Giáo sư Văn Như Cương
PV: Thưa PGS, là người từng chủ biên nhiều bộ SGK, ông có thể giải thích rõ hơn về chủ trương“Một chương trình, nhiều bộ SGK? Liệu có nên thực hiện như vậy không?
PGS Văn Như Cương:  Chủ trương “Một chương trình nhiều bộ SGK” theo tôi là đúng đắn. Trước hết là để tránh việc độc quyền biên soạn SGK của NXBGDVN, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Sau đó là để SGK có sử dụng phù hợp đối với trình độ của học sinh. Rõ ràng là không nên bắt học sinh ở Mường Tè hay ở Kiên Giang cùng học chung một bộ SGK với Hà Nội hay TP HCM.
Sự phát triển về kinh tế và xã hội ở các vùng miền còn có những khoảng cách nhất định mà ngành Giáo dục phải tính đến. Nước Mỹ có nhiều bang và mỗi bang đều có SGK của mình, thậm chí chương trình tổng thể cũng có thể khác nhau giữa các bang. Tôi cho rằng, khi đã có nhiều bộ SGK khác nhau thì các cơ sở giáo dục có thể chọn bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình nhất. 
Khó xóa bỏ độc quyền viết SGK của NXBGDVN
PV: Từ trước đến nay, NXBGDVN là đơn vị độc quyền trong việc biên soạn SGK nhưng nay Quốc hội đã thông qua chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, trong đó các nhà xuất bản, các tổ chức và các cá nhân đều có quyền tham gia viết SGK. Liệu rằng, việc xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK của NXBGDVN có thể thực hiện được không? Nếu có thì lộ trình đó sẽ như thế nào, thưa PGS?
PGS Văn Như Cương:  Cũng có những cái khó của nó. Trước hết, liệu có tổ chức, cá nhân nào tình nguyện đăng ký sẽ viết một bộ hay một số cuốn SGK. Ai sẽ trả tiền cho việc viết bản thảo? Các tác giả thì chắc chắn là không có tiền rồi, cho nên chỉ có các “đại gia” có tâm huyết mới dám bỏ tiền ra vì đã chắc gì sách của nhóm mình được Hội đồng thẩm đinh thông qua?
Trong khi đó, bộ SGK của NXBGDVN thì chắc chắn có Bộ GD-ĐT chi trả. Như thế thì vấn đề nghiêng hẳn về NXBGDVN. Và rất có thể ngoài NXBGDVN ra không còn có ai dám viết nữa. Khi đó, việc xóa bỏ độc quyền viết SGK trở thành “trò cười”.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc biên soạn SGK nên thực hiện theo“Một chương trình, 1 bộ SGK” nhưng sẽ có nhiều nhà xuất bản được tham gia thực hiện để cạnh tranh về giá cả, chất lượng. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Muốn có cạnh tranh thực sự và công bằng thì các nhà xuất bản tham gia đều có được sự bình đẳng, về tài chính chẳng hạn. Nhưng điều này rất khó vì Bộ GD-ĐT lấy đâu ra kinh phí để chi trả cho các nhà xuất bản nếu họ đăng ký viết SGK?
Không phải mỗi miền một bộ SGK
PV: Hiện nay, dư luận xã hội đang tranh luận đến việc có 2 bộ SGK miền Bắc và miền Nam. Thậm chí còn có những bộ SGK miền Trung, miền Tây Nam bộ, vùng dân tộc… Liệu làm như vậy có cần thiết không và ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Không nên phân biệt 2 bộ SGK miền Bắc và miền Nam. Tinh thần mà Quốc hội thông qua là có nhiều bộ SGK để cho các cơ sở giáo dục lựa chọn, chứ không phải mỗi miền một bộ. Việc phân biệt miền Bắc và miền Nam trong trường hợp này là không đúng (mặc dù theo giải thích của NXBGDVN thì đó là cách nói rằng, bộ sách viết ở miền Bắc và ở miền Nam).
Nhiều bộ SGK: Thi cử sẽ như thế nào?
PV: Theo Phó Giáo sư, việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa và nhà trường, giáo viên, học sinh có thể lựa chọn để học có thiết thực không? Bộ GD-ĐT và các ngành chức năng phải làm gì để kiểm duyệt, thẩm định chặt chẽ nội dung các sách do nhiều nơi xuất bản?
PGS Văn Như Cương: Lần đầu tiên chúng ta thực hiện “Một chương trình nhiều bộ SGK” nên cần phải lường trước rất nhiều khó khăn và rắc rối có thế xảy ra. Lấy một vài ví dụ: Liệu có ai đăng ký viết SGK hay không? Nếu có quá nhiều người và nhiều tổ chức đăng ký thì có đưa ra biện pháp hạn chế hay không ? Nếu không có ai đăng ký ngoài NXBGDVN thì giải quyết thế nào?
Những nhóm tác giả đăng ký viết SGK có được hỗ trợ về tài chính hay không? Nếu “không” thì có khả năng không ai đăng ký! Nếu “có” thì lấy nguồn kinh phí ở đâu?
Làm thế nào để tránh tình trạng xin - cho và nể nang trong Hội đồng thẩm định?
Khi được Hội đồng Thẩm dịnh thông qua, ai là người được xuất bản và phát hành ? Làm thế nào để tránh tình trạng “lại quả” khi người đứng đầu một cơ sở giáo dục quyết định chọn bộ SGK này chứ không phải bộ SGK kia?
Nếu cùng một lúc có nhiều bộ SGK được sử dụng thì việc thi tốt nghiệp sẽ tổ chức như thế nào? Hình thức kỳ thi quốc gia như vừa rồi còn thích hợp nữa hay không?
PV: Xin cảm ơn PGS!./.
Bích Lan/VOV.VN (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét