Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Giữ hòa khí, nhưng không được hèn!

Cập nhật lúc 14:31

Vì không có kỷ niệm, không có tuyên truyền nên nhiều người đã thiếu thông tin chuẩn xác về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979...

Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 đã xảy ra cách đây 37 năm rồi. Có nhiều người vẫn nghĩ rằng, cuộc chiến ấy chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng (từ 17/2 đến 16/3/1979, ngày mà quân Trung Quốc rút hết khỏi biên giới Việt-Trung). Nhưng thực ra, cuộc chiến đấu để giữ lấy từng tấc đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc còn kéo dài đến năm 1989. Bởi xung đột vũ trang tiếp diễn thêm 10 năm. Và hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung mới chính thức được bình thường hóa.
Hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua, vậy mà có một trang sử hào hùng được trả giá bằng bao xương máu của những con người Việt Nam yêu nước lại bị bỏ rơi. Người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài ở lứa tuổi 40 trở lên mới biết đến cuộc chiến năm 1979. Nhưng nhiều người trong số đó cũng chỉ biết lơ mơ rằng, có một cuộc chiến tranh chống Tàu ngày ấy, còn nguyên nhân, diễn biến, hậu quả và đặc biệt, bản chất của cuộc chiến thì chưa thể biết hết. Một lý do đơn giản là hàng năm, chúng ta không tổ chức kỷ niệm ngày 17-2, không thông tin tuyên truyền và càng không đưa cuộc chiến đó vào sách giáo khoa lịch sử.
 giu hoa khi nhung khong duoc hen
Xe tăng Trung Quốc bị quân đội Việt Nam bắn cháy.
Những người hiểu rõ về cuộc chiến tranh này, đặc biệt là các cựu chiến binh và gia đình thương binh, liệt sĩ có con em thương vong trong cuộc chiến ấy vô cùng bức xúc. Họ cần một sự công bằng của lịch sử; họ không thể âm thầm tủi hổ vì đã hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc mình!
Vì không có kỷ niệm, không có tuyên truyền nên nhiều người đã thiếu thông tin chuẩn xác về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Bởi vậy, qua những nguồn thông tin trên mạng hoặc của nước ngoài, nhiều người chỉ biết rằng, phía Trung Quốc gọi là “Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam”. Cho đến bây giờ, họ vẫn cho là chỉ “chống trả cuộc tấn công của Việt Nam”. Còn nhiều nhà nghiên cứu coi cuộc chiến này là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3.
Chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt. Hậu quả nặng nề của nó đã phần nào được làm sáng tỏ và ngày càng được dư luận quan tâm. Lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên cuộc chiến tranh ấy.
Phải khẳng định rằng, cuộc chiến tranh chống quân trung Quốc xâm lược năm 1979 là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đích thực! Các tướng lĩnh nổi tiếng của Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh này đã khẳng định điều đó.
Đường lối, chính sách chiến lược của Đảng và Nhà nước ta là giữ gìn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị lâu dài với Trung Quốc. Đó là mối quan hệ láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông” từ bao đời nay. Với truyền thống và đạo lý của dân tộc Việt Nam, chúng ta khép lại quá khứ và hướng tới tương lai, xây dựng cuộc sống hòa bình, ổn định, hữu hảo giữa hai nước.
Nhưng cuộc chiến tranh 1979 phải được ghi lại trong sử sách, phải được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh và sinh viên. Chương trình giảng dạy học tập về nội dung cuộc chiến này cũng phải tương đương với chương trình lịch sử nói về các cuộc chiến tranh khác như cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có như thế mới xứng đáng với tầm vóc lịch sử vốn có của nó.
Vì niềm tự hào dân tộc, vì thể hiện sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương phía Bắc năm 1979, vì tôn trọng sự thật của lịch sử, vì tâm nguyện của toàn dân yêu nước Việt Nam, chúng ta phải làm ngay được việc đó.
Nếu không đưa vào sách giáo khoa sự kiện lịch sử về cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược thì có nghĩa chúng ta hèn quá!
(Theo Năng lượng Mới) Đức Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét