Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Hàng Trung Quốc đội lốt Việt: Âm mưu con ngựa thành Troy

Cập nhật lúc 08:55

 (Thị trường) - Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc giả mác hàng 'made in Việt Nam' để xuất khẩu sang các nước khác.

'Con ngựa thành Troy' hay người Việt tự hại mình?
Quan tâm đến câu chuyện hàng Việt Nam từ hàng tiêu dùng đến hàng nông sản đều bị Trung Quốc làm giả, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, xuất phát từ hoạt động của doanh nghiệp, thương lái Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc, thậm chí sang Trung Quốc đặt hàng có gắn mác "made in Vietnam" rồi nhập về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, ăn chênh lệch.
Thứ hai, do Trung Quốc muốn thông qua Việt Nam để sản xuất, tiêu thụ hàng trong thị trường nội địa Việt Nam, nhưng quan trọng hơn họ muốn xuất khẩu hàng đi nước ngoài.

 Hang Trung Quoc doi lot Viet: Am muu con ngua thanh Troy
Khoai tây Trung Quốc được tư thương Việt Nam nhập về rồi 'hóa trang' thành khoai tây Đà Lạt. Ảnh: Tuổi trẻ
"Có mục tiêu là do chất lượng sản phẩm, có mục tiêu là do vấn đề thị trường. Về sản phẩm, có thể có những hàng sản xuất ở Việt Nam chất lượng tốt hơn, trong khi hàng Trung Quốc chất lượng kém hơn nên tư thương Trung Quốc đóng mác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời biến Việt Nam thành nơi trung chuyển để xuất khẩu ra nước ngoài nhằm hưởng lợi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng có thể nhắm tới vấn đề  thị trường, họ nghiên cứu và chọn những mặt hàng có thể tiêu thụ trong phạm vi hiệp định TPP mà Trung Quốc không tham gia. Việt Nam là thành viên của TPP sẽ có những lợi thế về thuế quan, bây giờ Quốc hội các nước chưa thông qua nhưng xu thế hình thành TPP là không thay đổi. Trung Quốc đang chuẩn bị để lợi dụng TPP, trong đó có những mặt hàng rất quan trọng, như giày da, may mặc... những thị trường Trung Quốc xuất khẩu khó khăn hoặc phải chịu một tỷ lệ thuế cao đối với thị trường của TPP.
Như vậy, có những hoạt động không phải chủ trương của Trung ương Trung Quốc mà chỉ là những hoạt động ở tầm thấp, thương lái cấu kết với nhau, nhưng cũng có những hoạt động mang tính chủ trương lớn, mà như đã nói ở trên, Trung Quốc lợi dụng hàng gắn mác Việt Nam để xuất khẩu vào nước khác, giống như câu chuyện con ngựa thành Troy, để hưởng lợi từ TPP", PGS.TS Nguyễn Huy Quý chỉ rõ.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cũng lưu ý, cần gạt bỏ những suy luận, suy diễn cho rằng mọi hoạt động của Trung Quốc ở Việt Nam là nhằm phá hoại, có những hành vi xấu trong hoạt động thương nghiệp như thu mua những thứ kỳ lạ (đỉa, móng trâu...) nhưng không mang tính chất quốc gia. Trong các vụ việc đó, có cả thương lái Trung Quốc và thương lái Việt Nam, vì lợi nhuận mà nhiều khi người Việt tự hại dân mình. Bản thân Trung Quốc cũng không cần cấu kết để làm những việc này bởi thương mại Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn.
"Nhiều doanh nghiệp, thương lái Việt Nam mua hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc để bán trên thị trường Việt Nam. Có lần, một người Trung Quốc tôi gặp thắng thắn nói rằng, chẳng thương lái Việt Nam nào sang Trung Quốc chọn hàng tốt cả, bởi hàng tốt rất khó bán, hàng tốt chỉ có những doanh nghiệp nhà nước, hoặc có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao thì họ mới chọn. Do đó, phải nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan", PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhấn mạnh.
Phải ngăn từ biên giới
PGS.TS Nguyễn Huy Quý đánh giá: đối với tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, nếu xét về chủ thể, có thể là do người Trung Quốc, có thể là do người Việt Nam hoặc cả hai bên cấu kết. Địa bàn tiêu thụ các mặt hàng này là thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Về nguồn gốc, đây có thể có chủ trương lớn của Trung ương Trung Quốc, họ trợ cấp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng biên mậu chất lượng thấp nhằm giải quyết vấn đề trong nước; nhưng cũng có chủ trương mang tính chất cá biệt, hoặc từ địa phương và từ các thương lái...
Ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng trên, theo ông là nền sản xuất của Việt Nam bị phá hoại, hàng Việt bị mất uy tín thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Do đó, lực lượng quan trọng nhất để chống hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt không phải ở người dân mà là lực lượng quản lý thị trường.
"Xét hai khía cạnh kinh tế và con người, về kinh tế tôi thấy Việt Nam đã phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt nhưng đó là kiểu làm duy ý chí. Đối với người tiêu dùng, việc đầu tiên họ suy nghĩ khi mua hàng là hàng đó có tốt không, giá có rẻ không. Nếu hàng Việt tốt một chút thì người tiêu dùng đã không mang sùng ngoại. Không thể có chuyện hàng ngoại tốt hơn, giá rẻ hơn mà vì yêu nước nên người tiêu dùng phải mua hàng Việt.
Cho nên, muốn khắc phục tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt, không còn cách nào khác về kinh tế phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành. Về con người, quan trọng nhất là vấn đề quản lý. Hàng loạt thực phẩm ô nhiễm, hàng giả, hàng kém chất lượng đều được thông quan hết, vào trong thị trường miền Bắc, miền Trung, miền Nam rồi mới kiểm soát, đó là kiểu làm ngược của Việt Nam.
Kiểm tra, kiểm soát ở biên giới, phải ngăn từ biên giới chứ không phải khi đã vào thị trường rồi thì mới đi chống, lúc ấy có muốn chống cũng không được. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước kêu rằng, vì đường biên giới dài nhưng lực lượng quá mỏng, dân khổ quá nên phải đi buôn... Thực tế, tỷ lệ công an của Việt Nam không kém các nước EU nhưng vấn đề ở chỗ là quy chế hoạt động, xử phạt, trang bị thế nào, quan trọng nhất là phải làm gương xử lý. Không loại trừ khả năng, có tình trạng tham nhũng thông đồng từ cấp đồn đến cấp sở, lực lượng kiểm tra kiểm soát dù không ủng hộ hàng lậu nhưng họ làm ngơ", PGS.TS Nguyễn Huy Quý phân tích.
Vị chuyên gia về Trung Quốc cũng nhấn mạnh, trong dư luận, những người không hiểu biết cứ nói Trung Quốc muốn hại nòi giống Việt nên đưa giống xấu, thực phẩm độc hại vào Việt Nam. Trung Quốc không bao giờ có chủ trương như thế, mà thực tế đang diễn ra là chính người dân Việt cũng vô lương tâm khi trồng rau bẩn độc, nuôi thịt bẩn độc... rồi tung ra thị trường. Còn vấn đề hàng Trung Quốc như vải vóc, đồ chơi trẻ em... khi kiểm nghiệm phát hiện có độc chất là do trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc còn ở mức thấp. Trung Quốc còn xuất khẩu hàng sang nhiều nước phương Tây và các cơ quan kiểm nghiệm của phương Tây phát hiện, chứ bản thân Trung Quốc không phát hiện được, nếu biết họ đã ngăn chặn vì như thế sẽ ảnh hưởng đến cả nền ngoại thương của họ.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét