Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Cú rơi của tỷ giá: Khi thị trường lên tiếng

Cập nhật lúc 09:04
Bài toán chi phí cơ hội chứ không hẳn tỷ giá bị “đe” bằng mệnh lệnh hành chính...
 Cú rơi của tỷ giá: Khi thị trường lên tiếng
Điều luôn đúng trong các đợt biến động tỷ giá thời gian qua là nhìn vào thước đo chênh lệch giá mua - bán USD của các ngân hàng thương mại.

Ngày 28/1, tập đoàn Masan công bố đợt góp vốn đầu tiên từ đối tác chiến lược Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha). 650 triệu USD đã chuyển.

Thông tin này dường như lọt thỏm trong các dòng chảy sự kiện. Có lẽ một phần kế hoạch đã từng được biết đến trước đây, nay chỉ là cụ thể hóa mà thôi.

Nhưng, không nhất thiết là dân trong nghề, nếu nhạy cảm thì người quan tâm có thể liếc sang Techcombank - đầu mối kết nối giao dịch.

Qua đó, sự kiện của Masan không lẻ loi nữa. Nó gắn liền với một dòng chảy nổi bật: giá USD liên tục giảm nhanh và mạnh trên thị trường.

Quá nhiều nguyên nhân?

Điều luôn đúng trong các đợt biến động tỷ giá thời gian qua là nhìn vào thước đo chênh lệch giá mua - bán USD của các ngân hàng thương mại. Giá mua áp sát giá bán, túi của họ cạn và cần ngoại tệ. Giá mua lùi quá sâu, túi họ xông xênh, và một phần do đề phòng rủi ro giá xuống.

Nhìn sang Techcombank, những phiên giao dịch gần đây, giá mua vào USD áp rất thấp, thấp tới 40 - 55 VND so với nhiều thành viên khác. Đặc biệt, chênh lệch giá mua vào - bán ra doãng tới 160 VND.

Thông thường, khoảng cách giá mua vào - bán ra phổ biến chỉ 70 - 90 VND. Khoảng cách tới 160 VND rõ ràng là hàm chứa nhiều thông tin tham khảo. Tất nhiên, ở đây có mối liên hệ với giao dịch lớn nói trên của Masan. Nhưng đó mới chỉ là một phần.

Điều ai cũng thấy là một nguồn cung ngoại tệ lớn như vậy vừa chảy vào. Và cho đó là một tác động khiến tỷ giá giảm quá mạnh (giảm tới cỡ 300 VND so với căng thẳng mức trần 22.547 VND vài tháng trước). Kỳ thực, chiều chảy ra cũng liên quan sau thương vụ trên thì ít được biết đến.

Đó là một sự cân đối, dù sao cũng chỉ là một giao dịch trong tổng thể một thị trường rộng lớn đang thể hiện cú rơi rất nhanh và sâu của tỷ giá. Diễn biến này như một gáo nước lạnh dội vào loạt đề xuất, nhận định và cả kỳ vọng còn tươi mới, rằng tỷ giá bị căng cứng và sẽ tiếp tục phá giá mạnh hơn nữa từ đầu năm 2016…

Ở một diễn biến khác, dữ liệu thống kê cũng ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước vừa mua ròng ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài. Thế rồi, kiều hối vào mùa cao điểm, dù thực tế dòng chảy này có thể phũ phàng hơn là những dự đoán hồ hởi nào đó.

Vậy, ngoài những tác động trên, vì sao tỷ giá lại giảm rất mạnh đến như vậy?

Có nhiều nguyên do nữa được liệt kê: cầu ngoại tệ đã qua mùa cao điểm; Thông tư 15 về quy định giao dịch kỳ hạn đã chặn việc mua và găm giữ trong doanh nghiệp; kỳ vọng thị trường bị hạn chế bởi vùng biến động tỷ giá mục tiêu chỉ khoảng 1% đến cuối quý 1/2016 mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra; doanh nghiệp tăng chuyển đổi để lấy VND dồn chi trả lương thưởng Tết…

Nổi bật hơn cả, nhiều thông tin đề cập nguyên nhân: Ngân hàng Nhà nước sẽ xử phạt các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ cao, theo đó họ e sợ và bán ra, cung lớn và tỷ giá giảm nhanh. Và đây được cho là một sự can thiệp hành chính, thiếu thuyết phục.

Nhưng không hẳn vậy.

Lợi ích lên tiếng

Các ngân hàng được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Giới hạn trạng thái ngoại tệ cho phép họ được quyền mua và găm giữ ngoại tệ trong giới hạn đó.

Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một thông tin nào, quyết định nào được đưa ra về việc co hẹp giới hạn trạng thái ngoại tệ. Trước đây đã từng có đề xuất giảm giới hạn này từ +/-20% xuống +/-5% vốn tự có, để hạn chế các ngân hàng đầu cơ, nhưng rơi vào im lặng.

Cũng dễ hiểu. Cung - cầu và hoạt động của các ngân hàng có những thời điểm khác nhau, một giới hạn quá hẹp và cứng nhắc áp cho mọi thời điểm có thể phá vỡ các cân đối, hoặc có thể làm phát sinh những hệ quả ngoài mong muốn.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, hiện chưa có chuyện Ngân hàng Nhà nước đe là sẽ xử phạt, ép các ngân hàng thương mại bán ra bằng mệnh lệnh hành chính kiểu “cưỡng bức” ngoại tệ như đề cập ở trên.

Thay vào đó, định hướng mà nhà điều hành tính đến, đúng là liên quan đến giới hạn trạng thái ngoại tệ, nhưng mang tính kinh tế và thị trường, chứ không phải “đe” bằng mệnh lệnh hành chính.

Có thể lường tính, hẳn các ngân hàng thương mại cũng đã tính đến, là nhà điều hành có thể gián tiếp tác động đến lợi ích của việc nắm giữ ngoại tệ so với VND. Điều này cũng khớp với thực tế chính sách vừa qua: tăng cường chống đô la hóa, nâng cao vị thế và niềm tin vào VND.

Thực tế cú rơi tỷ giá những ngày qua cũng đã sớm phản ánh thực tế cân đối lợi ích đó.

Số liệu thống kê cho thấy, các ngân hàng thương mại liên tục bán ròng ngoại tệ. Không phải họ sợ và bị “chính sách phạt” mà bán ra như vậy. Lợi ích lên tiếng, bài toán chi phí cơ hội trong sử dụng vốn là thực tế.

Ngân hàng nếu găm giữ ngoại tệ từ cuối 2015, đến nay, chỉ trong thời gian ngắn đã có thể mất 1,3-1,4%, và có thể chưa dừng lại. Trong khi đó, yếu tố mùa vụ đã và đang đẩy lãi suất VND lên. Vòng quay vốn của các ngân hàng thường nhanh và uyển chuyển; chi phí cơ hội và lợi ích găm giữ hoặc chuyển đổi ở đây là rõ ràng.

Trong diễn biến có liên quan, một miếng ghép quan trọng khác nữa là biện pháp giao dịch kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện.

Ngày 31/12/2015, lần đầu tiên cơ quan này đứng ra giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn cho các ngân hàng, với mức giá cao hơn 1% vào cuối tháng 3/2016. Đây được xem như một cam kết, hay một định hướng về vùng biến động mục tiêu của tỷ giá.

Nếu trước đây có tuyên bố khoảng biến động cụ thể của Thống đốc, thì nay, giao dịch trên cũng là một thông điệp gần như vậy, thậm chí chắc chắn bằng hợp đồng giấy trắng mực đen.

Và đến cuối tuần qua, một loạt ngân hàng thương mại đã hủy ngang hợp đồng mua kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước, vì họ tin và mua được trên thị trường với mức giá thấp hơn. Trong ngắn hạn, diễn biến thị trường đang đứng về phía quyết định của họ.
(Theo VnEconomy) MINH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét