Vì
sự thật lịch sử, vì tình yêu Tổ quốc
Cập nhật lúc 19:22
Cách đây không lâu, khi nói tới sự nghiệp của Chí sĩ Phan
Chu Trinh, một tác giả trong nước khẳng định: “Ông là người duy nhất đi tìm
và đã tìm thấy nguyên nhân mất nước, dân tộc bị đày đọa vào vòng nô lệ thảm
khốc, không phải trong sự thiếu anh hùng của nhân dân, mà là ở trong văn hóa,
trong sự lạc hậu nguy hiểm về văn hóa của đất nước, so với thế giới…”. Nhưng
sự thật lịch sử có đúng như vậy không, đó là câu hỏi mà phần trích đăng bài
viết của Thu Tứ - một người Mỹ gốc Việt, sẽ góp phần trả lời và để chúng ta
tham khảo.
Phan Chu Trinh là người tha thiết yêu nước và trong suốt 20
năm đã tích cực hoạt động vì nước. Tuy nhiên, sách lược cứu nước của cụ có những
hạn chế, sai lầm. Trong hoàn cảnh bình thường, có thể vì tấm lòng rất đáng trân
trọng mà không nhắc đến cái nghĩ sai làm sai của người trước ấy. Nhưng có một
số người đang ngụy biện về sự nghiệp Phan Chu Trinh, cố biến sai thành đúng để
phủ nhận giá trị của toàn bộ cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam,
với ý đồ chính trị cực kỳ nguy hiểm! Không đừng được, sau đây chúng tôi tham
gia phản bác sự ngụy biện.
Về giá trị sách lược cứu nước của Phan Chu Trinh, Chủ tịch
Hồ Chí Minh từng nhận định đó là: “sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng
thương” (Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
NXB Sự thật, H. 1975, tr.12). Quả thực, đó là một con người hết sức viển
vông. “Ỷ Pháp tự cường”! Ai lại đi nghĩ cái thằng giặc đang cướp của nước lột
sức dân mình sướng muốn chết, thằng ấy nó sẽ tự nó làm, hay ngay cả để cho
người mình làm, cái việc cải cách xã hội Việt Nam nhằm khiến ta trở nên mạnh.
Ta mạnh, để không cho nó cướp lột ta nữa à! Việc cải cách có làm là phải làm
hồi thời Tự Đức, khi nước chưa mất, khi còn làm được. Chủ trương của Phan Chu
Trinh đem ra thực hiện chỉ hai năm thì có kết quả hoàn toàn minh bạch: Pháp
dẹp tan phong trào Duy Tân và suýt nữa thì đưa người khởi xướng phong trào ra
pháp trường. Lạ lùng, đại bại trên không làm cho Phan Chu Trinh tỉnh ngộ mà
thôi “đến xin giặc”. Suốt đời cụ không từ bỏ mơ tưởng xây dựng một xã hội
Việt Nam theo ý mình, với sự hợp tác của Pháp!... Khi Phan Chu Trinh mất,
trong lời khóc của một bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng có đoạn tóm tắt chính
kiến của người vừa quá cố: “Chủ nghĩa tiên sinh đệ nhất là đánh đổ chuyên
chế, làm cho dân quyền tự do”. Chuyên chế bấy giờ là bù nhìn của thực dân.
Đánh thực dân, chứ đánh làm chi chuyên chế?! Còn dân quyền, hay dân chủ, thì
trong thư của một bạn thân khác của Phan Chu Trinh là Phan Bội Châu, giữa
những câu rào trước đón sau,… là lời nhận định sáng suốt: “Ôi dân chủ! Dân
không còn nữa thì chủ vào đâu? (…) Lý luận không đi sát thực tế, thi hành thì
chỉ là một việc tai hại”.
Có nước, mới có dân. Nước mất rồi chỉ có nô lệ thôi. Là nô
lệ thì “chủ vào đâu”! Nô lệ mà đánh đổ chuyên chế, dựng lên chính quyền “dân
chủ”, thì chính quyền đó cũng chỉ là bù nhìn và thân nô lệ cũng vẫn chỉ y
nguyên thân nô lệ. Phải tập trung giải phóng dân tộc trước đã, dựng gì đấy
thì dựng sau; mọi cải cách sớm chỉ nên tiến hành nếu có lợi cho kháng chiến,
như sau này Đảng Cộng sản tiến hành cải cách ruộng đất để động viên nông dân
dốc sức tiếp tục đánh thực dân Pháp. Còn tại sao “tai hại”? Bởi Phan Chu
Trinh đã đặt một lý thuyết chính trị lên trên độc lập của Tổ quốc, làm cho
một số người Việt Nam hoang mang, không tập trung được vào công cuộc giành
độc lập. “Không đi sát thực tế” là nói hết sức nhẹ nhàng. Nói cho chính xác,
Phan Chu Trinh đã phiêu diêu trên những cõi trời lý luận mà xa lìa hẳn thực
tế phũ phàng của quê hương Việt Nam khi đó…
Về cuối đời, cụ cổ vũ giáo dục trẻ em Việt Nam bằng tiếng
Pháp! Cái sai này khiến ngay một trí thức hợp tác chặt chẽ với Pháp là Phạm
Quỳnh cũng phải gay gắt phê phán: “Thái độ bất ngờ của nhà ái quốc Phan Chu
Trinh ... hoàn toàn ủng hộ tiếng Pháp và hy sinh hẳn tiếng Việt Nam … ông nói
ông phản đối sự dạy bằng quốc ngữ ở các trường tiểu học ... Ðối với một việc
dễ dàng như việc này mà còn có người ngộ nhận như thế ... nghĩ cũng tiếc và
cũng ngán thay! Việc dễ, việc nhỏ còn thế, việc lớn, việc khó thời thế nào?”.
Lúc cụ Phan gần mất, người Việt nói tiếng Việt, viết tiếng Việt là quyết định
hiển nhiên mà cụ còn nghĩ sai thì gánh vác việc cứu nước là gánh thế nào, vác
thế nào?!... Đây tâm sự của đông đảo học sinh Việt Nam độ mười năm sau khi
Phan Chu Trinh qua đời: “Trong chương trình của ban học thành chung, mỗi tuần
chỉ có một giờ dạy tiếng Việt ... chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người
con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường. Lòng yêu
quốc văn của chúng tôi lúc đó … là một biểu hiện của lòng yêu nước” (Huy Cận,
Hồi ký song đôi tập 2, NXB Hội Nhà văn, H.2003).
Về sự đẹp đẽ, sang giàu của tiếng Việt, Nguyễn Tuân từng
viết: “có những lúc tôi… lặng cúi xuống mặt trang giấy trắng tinh … mà nói
bật lên những lời biết ơn đối với đất nước, ông bà, tiên tổ … đã truyền cho
tôi thứ tiếng nói đậm đà … Trong hương hoa thừa hưởng đấy, lẫn vào với vô số
thanh âm từ điệu, thấy như biểu hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và
máu huyết của đời sống ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở cõi, giữ nước chống
giặc, tiến lên tới đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di
sản nhiệm màu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thật là
thiêng liêng, vô giá … không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu
cơ, cái tiếng Việt Nam linh diệu ấy được” (Nguyễn Tuân, Về tiếng ta, đăng
trên tạp chí Văn học số 3-1966, in lại trong Các nhà văn nói về văn, NXB Tác
phẩm mới, tập I, H.1985).
Tố Hữu có câu thơ “Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu”. Lòng cụ
Phan không bao giờ lạc ra khỏi con đường yêu nước, nhưng trí óc của cụ thì có
bị cái “trời Âu” lung lạc. Trong khi bôn ba rất lâu năm ở Tây phương, mà Nguyễn
Ái Quốc trước sau cả lòng lẫn óc không hề “lạc”. Ngay sau khi lên làm Chủ
tịch nước, Hồ Chí Minh quyết định lập tức đánh “giặc dốt”, cấp tốc dạy cho
toàn dân biết đọc biết viết tiếng Việt. Trong kháng chiến chống thực dân
Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lần phát biểu: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu
nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị
xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh
mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ
cướp nước và lũ bán nước!”. Do đó dân tộc Việt Nam đặc biệt quý những người
yêu nước.
Chỉ nói riêng thời Pháp thuộc cho đến năm Phan Chu Trinh
qua đời, bao nhiêu tên tuổi đã đi vào lòng dân, được mãi mãi ghi nhớ. Đám
tang cụ Phan to hơn đám tang những nhà ái quốc khác không phải vì người Việt Nam
quý cụ hơn những người kia, mà chủ yếu vì ba lý do này: Thứ nhất, Phan Bội
Châu mới bị giặc Pháp bắt. Danh sĩ thiết tha với nước và còn đang hoạt động
giờ còn hết sức ít nên dân có ý trông mong nơi Phan Chu Trinh, nào ngờ hồi
hương chưa được bao lâu cụ đã mất, khiến lòng dân thê thảm, trong cái khóc
một người có chen bao nhiêu nước mắt rơi cho vận nước. Thứ hai, nhiều người
Việt Nam muốn nhân cơ hội bày tỏ nhiệt tình ái quốc. Tức cái đám này vừa là
một đám khóc vừa là một cuộc biểu tình có trật tự để phản đối thực dân. Thứ
ba, đám tang Phan Chu Trinh to là vì đã có điều kiện để tổ chức to. Có phải
dân ta không muốn đi đám tang Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám hay Nguyễn Thái
Học đâu, chẳng qua có đám đâu mà đi!... Thời Pháp thuộc, bao nhiêu Nho sĩ
chống giặc Pháp đều là vì ái quốc chứ đâu phải vì trung quân (cho nên các cụ
mới nghe lời ông vua yêu nước mà không đếm xỉa đến cái bù nhìn làm nhục nước!).
Nho giáo Việt Nam khác với Nho giáo Trung Quốc trước tiên chính là ở cái chỗ
đặt nước trên vua, mọi người đều biết cả đấy cơ mà…
Nghĩ về Phan Chu Trinh, làm sao khỏi nhớ lời trăng trối của
nhà ái quốc tiền bối Lương Văn Can: “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”. Giữ hồn nước,
rửa nhục nước, hai việc nước căn bản nhất, thế mà có người yêu nước lại đi chủ
trương không đặt ưu tiên! Ấy bởi vì Phan Chu Trinh đã lấy làm quá quan trọng dân
chủ, là chẳng qua cái triết lý chính trị hãy còn non trẻ của một bộ phận của nhân
loại. Triết lý ấy kể cũng có chỗ hay, nhưng đáng lẽ ra cụ chỉ nên để bụng để
sau này nếu có dịp thì cô đúc cái hay vào chính thể riêng của nước Việt Nam độc
lập, chứ cụ đâu có được phép đi say sưa nó đến mức “tai hại” thế! Bấy giờ thất
thế vô cùng nhục nhã, nhưng thực ra trong không biết bao nhiêu đời cái truyền
thống tinh thần riêng của dân tộc ta đã bền bỉ duy trì được một nền đạo lý
hết sức cao và “đẻ” ra được vô số nhân cách đáng quý mà chính cụ là một! Và tuy
không dẫn tới máy móc tối tân nào nhưng về nghệ thuật nó đã lập được những thành
tích từ không kém ai cho đến hơn hẳn mọi dân tộc khác. Chỉ biết cái mới của
Tây (làm sao đã thực biết được, vì nó còn mới!), không biết cái cũ của Đông (tuy
cũ nhưng có những chỗ rất hay), mà cứ khăng khăng đòi đổi trọn gói ngay lập tức
cho bằng được, “thương ôi”!
Bây giờ mới nói tới cái thiểu số đang công kênh Phan Chu Trinh
với ý đồ “thay đổi chế độ”. Thời cụ Phan, ở Tây phương dân chủ còn chừng mực,
nhưng từ khá lâu dân chủ phương Tây đã trở nên quá độ, dẫn tới những kết quả
cực xấu: văn hóa tinh thần tụt dốc thê thảm, quan hệ giữa người với người sa sút
vô phương cứu chữa,… Dân chủ vô hạn làm cho ở Tây phương con người lành mạnh
đang giãy chết. Thế mà lại có những người Việt Nam hăm hở đòi rước cho bằng được
thứ “dân chủ” ấy về! Họ yêu nước mà mù, họ yêu tham vọng hơn là yêu nước, họ
căm thù chế độ vì lẽ riêng, họ vô tư a dua,… Chỉ cần biết, vì sự thật lịch
sử, vì tình yêu Tổ quốc, ta phải hết sức ngăn chặn thói a dua ấy.
(Theo Nhân dân) THU TỨ
|
Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét