Ngân sách - nhìn từ phía tượng đài
Cập nhật lúc 07:20
Lại thêm một đề xuất xây tượng đài bằng 100% vốn từ ngân
sách trung ương (tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ tại Cần Thơ),
khiến không ít người phải nghĩ suy trong hoàn cảnh gieo neo của ngân khố quốc
gia.
Mô hình tượng đài Bác Hồ mà Sơn La dự kiến xây dựng
Nợ công, thâm hụt ngân sách và bội chi là những từ ngữ
được sử dụng với tần suất cao, là sự trăn trở đến day dứt trong phát biểu của
nhiều vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách vào
chiều 3-11.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh không phải lần đầu tiên Quốc
hội, Chính phủ chưa trả được “món nợ” tăng lương. Khó khăn đến mức năm 2016
phải đi vay nước ngoài để đảo nợ, phải bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước lấy 30.000
tỉ đồng đưa vào cân đối ngân sách...
“Không tăng lương đáp ứng đủ mức sống tối thiểu là không
thực hiện đúng quy định tại điều 91 Bộ luật lao động” - đại biểu Đặng Ngọc
Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - bức xúc.
Nhưng, “không thể đi vay tiền về để tăng lương” - đại biểu
Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách, băn
khoăn.
Trong khi đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về
các vấn đề xã hội, đề nghị “bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước là để đầu tư,
chứ không phải để tiêu dùng”, còn đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì yêu
cầu chi tiêu khoản tiền này “phải có địa chỉ cụ thể như xây bệnh viện nào, trường
học nào”.
Ngân sách quốc gia giống như chiếc bánh giới hạn về khối
lượng mà có nhiều người cầm dao, đĩa muốn chia phần.
Tình trạng bội chi ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp đã
làm nhiều người lo lắng cho an ninh tài chính quốc gia. Việc siết chặt chi
tiêu công vì thế đang là mệnh lệnh khẩn thiết, nếu chúng ta không muốn đi vào
con đường khốn đốn của các quốc gia vỡ nợ.
Tinh giản bộ máy, giảm họp hành, khánh tiết, giảm đi nước
ngoài, giảm xe công... đang là những giải pháp buộc Quốc hội, Chính phủ phải
kiên quyết thực hiện. Tượng đài, vì thế, cũng chỉ là phần nổi của một tảng
băng dày.
Tất nhiên không ai phủ nhận ý nghĩa văn hóa, tinh thần,
giá trị lịch sử của các tượng đài, công trình văn hóa. Nhưng đề xuất xây dựng
tượng đài vào thời điểm này, chắc hẳn sẽ làm không ít người thấy xót xa, day dứt.
Ngân sách là một phần nguồn lực tạo nên sức mạnh quốc gia,
nó chỉ có thể lành mạnh, bền vững nếu mọi công dân, đặc biệt là đội ngũ cán
bộ công chức có ý thức tiết kiệm, vun vén.
Còn nếu cứ xài ngân sách theo lối tư duy được việc của
mình, mạnh ai nấy xà xẻo, cha chung không ai khóc thì cái ngày mà ngân sách
khánh kiệt sẽ không còn dừng lại ở nguy cơ nữa.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN
|
Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét