Ấn tượng Quốc hội: Lời thật giật mình của Bộ trưởng
Vinh
Cập nhật lúc 07:44
(Tin tức thời sự)
- "Đại biểu có nhiều người kê khai cũng chưa đúng, nói gì nhân dân"
là phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Tại phiên thảo luận về dự án Luật thống
kê (sửa đổi) sáng 4/11, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ những băn khoăn về
số liệu thống kê: Có thể nói rằng chúng ta không quá nghi ngờ về số liệu,
chúng ta chỉ băn khoăn đầu vào đó có chính xác không. Anh em thống kê tính
toán phương pháp quốc tế không có vấn đề gì, họ cũng không bị áp lực nhiều về
chuyện phải tăng lên một chút hay giảm đi một chút, vì cán bộ thống kê không
có lợi ích gì trong việc đó.
Tôi đồng ý trong này phải chế tài rõ về
trách nhiệm của những người cung cấp cũng như tính toán số liệu thống kê,
luật phải quy định chặt. Các đại biểu biết có nhiều nhà khi đến kê khai họ
không khai gì, họ toàn đứng tên con cái, rồi đến con cái lại không khai nữa,
cho nên nhà ở tính toán chưa chắc đã đúng. Chính đại biểu chúng ta có nhiều
người kê khai cũng chưa đúng, nói gì nhân dân. Cho nên đầu vào không chính
xác thì đừng nói số liệu phải chính xác. Băn khoăn là ở chỗ đó.
"Trong luật quy định 185 chỉ tiêu
hệ thống quốc gia này số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê chỉ có khoảng
70, 80, còn lại là thống kê của các bộ ngành, mà bộ, ngành mỗi một bộ chỉ có
một, hai cán bộ thống kê, có bộ thì chuyên trách, có cơ quan kiêm nhiệm không
chuyên trách. Nghiệp vụ chuyên môn thì ông có, ông không, cho nên số liệu đó
độ chính xác cũng mức độ.
Nếu các đại biểu Quốc hội nói họ là
ngành chuyên môn số liệu của họ khách quan hơn tôi không đồng ý. Chính vì chúng
ta ông làm ra thành tích đó thường không khách quan, thường số liệu bao giờ
cũng thấy đẹp hơn, cần phải thẩm định lại cho chính xác, thông kê phải khách
quan, không liên quan lợi ích gì phải thẩm định lại, nếu không thẩm định lại
số liệu rất sai khác nhau", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ.
Ông
khẳng định: Tổng cục thống kê phải lập số liệu của các bộ, ngành để không thể
tự tung, tự tác được. Như thế thì Quốc hội và đất nước mới có được những số
liêu chính xác, không phải để cho các bộ tự công bố số liệu của mình thì chỉ
cao hơn, không mấy khi thấp hơn. Tôi làm Chủ tịch bao nhiêu năm, Cục thống kê
của tỉnh lúc nào cũng cãi nhau với các huyện về năng suất lúa. Huyện nào cũng
muốn năng suất của mình cao hơn nhưng người gặt mẫu bảo chỉ được 48 tạ nhưng
huyện nào cũng cãi là 53, 55 tạ, mâu thuẫn nhau thường xuyên, cho nên bệnh
thành tích hơi nặng nề.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Tính
toán học không chính xác, tính 'áng chừng' thì trúng
Cũng góp ý cho dự án Luật thống kê (sửa
đổi), Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ nỗi băn khoăn về số lao động có việc làm trong
nền kinh tế: "Đó là số gì, có phải việc làm mới tạo ra 1 năm hay không?
Bởi vì lâu nay Quốc hội quyết số này. Không hiểu việc số lượng giải quyết
việc làm trong năm có phải là việc làm mới không? Vì số này liên quan đến
tổng đầu tư. Khi đánh giá đầu tư tạo ra bao nhiêu số làm mới, chỉ tiêu này
rất quan trọng trên thế giới".
Ông Lịch cũng chỉ ra thực tế của con số
thống kê Việt Nam: "Tôi nhớ nhiệm kỳ trước khóa XII có chất vấn Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi hỏi con số này mỗi năm kinh tế thì bình bình
nhưng năm nào cũng 1,5 triệu, 1,6 triệu, đó là cái gì? Bộ trưởng lúc đó nói
Việt Nam không đủ điều kiện để tính chỗ làm mới tạo ra một năm, vì nền nông
nghiệp của ta lúc nông nhàn vừa làm cái nọ, vừa làm cái kia, nền kinh tế phi
chính thức quá lớn nên chưa tính được. Tôi không rõ lần này chúng ta đủ điều
kiện chưa?
Khi chúng tôi làm công tác phân tích
mối quan hệ giữa việc làm mới và đầu tư tính trên con số này bằng toán học nó
không chính xác. Chúng tôi tính bằng cách khoa học không có, gọi là phương
pháp AC tức là "áng chừng" thì lại trúng. Chỗ này là chỗ phải tính
toán làm rõ. Đây có phải là chỗ làm mới tạo ra một năm không? Đây là chỉ tiêu
rất quan trọng liên quan đến tổng đầu tư, đầu tư để tạo ra chỗ làm mới như
thế nào".
ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội): Các
địa phương có làm sạch, làm đẹp số liệu không?
Đó là câu hỏi được ĐBQH Bùi Thị An đặt
ra khi đề xuất thống nhất và cụ thể phương pháp tính từ trung ương đến địa
phương cho đến cấp xã để tránh sai lệch số liệu thống kê.
"...thời gian qua thực tế đã tồn tại như các ĐBQH trong các
nhiệm kỳ ở các kỳ trước cũng đã phát biểu vì sao GDP của tất cả các địa
phương thì cao hơn rất nhiều GDP của quốc gia, vì sao lại có sự khác biệt như
thế này thì trong điều tra xã hội học thường chúng tôi có tiết mục làm sạch
phiếu. Không biết trong thống kê của mình ở các địa phương, các nơi có chuyện
làm sạch số liệu hay làm đẹp số liệu hay không?
Tôi nghĩ để tránh hiện tượng này để làm sạch số liệu mà số liệu
chính xác như Quốc hội, Chính phủ yêu cầu thì tôi nghĩ là có khi phải đưa
điều cấm vào đây, mặc dù đã đưa yêu cầu chính xác nhưng nên cấm làm sạch, đẹp
số liệu vì thành tích của các nơi.
Chính vì vậy tôi vẫn muốn cơ quan Tổng cục thống kê nên trực
thuộc Quốc hội, vì sao? Vì tôi nghĩ hoàn toàn đồng tình, tức là cơ quan thống
kê này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như con người, tôi nghĩ cũng cần lựa chọn
đồng chí đứng đầu thống kê cho thật chuẩn. Tôi nghĩ trực thuộc Quốc hội là tách
riêng ra, không nên phình thêm bộ máy bởi vì theo tôi biết hiện nay trên 6
nghìn người, hệ thống thống kê dọc, chưa kể thống kê các ngành, tôi cho nên
trực thuộc Quốc hội, như thế sẽ tốt hơn", Đại biểu Bùi Thị An đề nghị.
(Theo Đất Việt)
Minh Thái
|
Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét