BỘ GIÁO DỤC MUỐN “KHAI TỬ” MÔN SỬ?
Cập nhật lúc 07:10
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tích hợp môn
lịch sử vào môn học mới trong khi các chuyên gia khẳng định lịch sử phải là
một môn học độc lập, không thể tích hợp
Những tranh luận xung quanh việc có nên để lịch sử thành
môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành
môn mới là công dân với Tổ quốc trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông
tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã trở thành chủ đề “nóng” trong
Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực”
do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức ngày 5-11 tại Hà Nội.
Tích hợp thành môn mới
Sở dĩ môn lịch sử trở thành chủ đề “nóng” bởi trước áp lực
của dư luận về việc Bộ GD-ĐT bỏ lịch sử là môn bắt buộc. Trước đó, Bộ GD-ĐT
đã làm việc với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Tuyên giáo trung ương, Liên
hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam… về dự thảo Chương trình giáo dục phổ
thông tổng thể, tập trung vào vấn đề vị trí của môn lịch sử trong hệ thống
các môn học ở bậc phổ thông.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP
HCM) trong giờ học lịch sử Ảnh: TẤN THẠNH
Đại diện ban soạn thảo Chương trình - Sách giáo khoa mới,
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho
rằng chương trình hiện nay môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa
chọn ít. Nhiều môn học không đưa vào không được nhưng đưa vào thì hiệu quả
không cao, vì thế cần tái cấu trúc lại hệ thống môn học. Nghiên cứu cho thấy
3 môn lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng an ninh gần gũi với nhau và có
chung mục tiêu là hiểu biết trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, thứ nữa đây
là sự nối tiếp nâng cao của các kiến thức đã học ở cấp THCS. Ông Thống cũng
nhấn mạnh việc lồng ghép 3 môn học này vào một môn là hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia và giáo viên tâm huyết với môn
lịch sử đã có những phản biện trước quyết định này. Một giáo viên của Trường
THPT Tứ Kỳ, Hải Dương cùng các đồng nghiệp tiến hành điều tra xã hội học từng
lớp học của cả 3 khối 10, 11 và 12. Kết quả trong số 1.167 học sinh được điều
tra và trả lời, có 939 em không đồng ý việc môn lịch sử là “môn tự chọn”, chiếm
tỉ lệ 80,4%. Giáo viên này cũng cho rằng trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT có
cách nhìn nhận không công bằng, đánh giá không đúng vai trò và vị trí của môn
lịch sử trong các môn học phổ thông. Và khi môn lịch sử chưa có cơ hội “phục
hưng” thì những người soạn thảo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng
thể của Bộ GD-ĐT đã và đang từng bước “khai tử” môn học này.
Dễ ôm đồm, quá tải
Trước đó, tại hội thảo “Môn công dân với Tổ quốc trong
chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức ở Đà Nẵng, đại diện
Bộ GD-ĐT cho hay việc xác định tên gọi môn học công dân với Tổ quốc nhằm xác định
trí thức, hiểu biết quan trọng và cần thiết đối với học sinh sắp trở thành
một công dân Việt Nam bao gồm những quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập
quốc tế.
Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết việc xây dựng chương trình phân
môn lịch sử trong môn công dân với Tổ quốc cần phải được đổi mới kết cấu môn
học, đổi mới nội dung chương trình, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch
sử, đánh giá, nhận xét, tránh ôm đồm, nặng nề. Đồng thời cần làm rõ và thống
nhất về thời lượng và nội dung giáo dục lịch sử ở môn khoa học xã hội, môn
lịch sử ở tự chọn 2 trong dự thảo và một số chuyên đề học tập mở rộng chuyên
sâu về lịch sử ở tự chọn 3.
Vì thế, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng môn học mới
phải giải quyết được những bất cập trên. Việc tích hợp 3 nội dung trên vào
môn công dân với Tổ quốc là hợp lý vì suy cho cùng đều nhằm mục đích giáo dục
đạo đức, kỹ năng sống, tình yêu Tổ quốc… cho học sinh. Nhưng thời lượng từng
nội dung, chọn lọc kiến thức, chủ đề nào đưa vào giảng dạy thì các nhà hoạch
định phải làm rõ và tính toán cẩn thận, nếu không dễ xảy ra tình trạng ôm
đồm, kiến thức nào cũng tham, cũng muốn tích hợp thì không những không thoát
được những hạn chế của chương trình cũ mà còn gây quá tải.
Giáo viên dạy lịch sử tại một trường THPT ở quận 3, TP HCM
thẳng thắn cho rằng chỉ với môn sử trong chương trình hiện nay, cả giáo viên
và học sinh đều quá tải vì khối kiến thức đồ sộ. Việc giảm tải suốt thời gian
qua không dễ vì giáo viên xem nội dung nào cũng quan trọng, cũng cần thiết.
Việc cắt gọt ở chương trình cũ đã khó khăn vì áp lực thi cử, kiểm tra. Nay
tích hợp bên cạnh 2 nội dung còn lại trong cùng một môn học sẽ thế nào? Coi
trọng và xem nhẹ nội dung nào đều không hợp lý.
Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt
(quận Tân Phú, TP HCM), nội dung giáo dục lịch sử, tình yêu Tổ quốc ở các
quốc gia khác được làm rất bài bản, việc tích hợp 3 nội dung cần cân đối
chính xác, phân chia hợp lý bởi ngay cả giáo viên khi giảng dạy cũng có thể “đụng”
kiến thức của nhau, như thế không phải là liên môn mà là ghép môn.
Không hợp lý!
Cũng tại hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng
thể từ tầm nhìn đến hiện thực”, các chuyên gia lịch sử cho rằng việc tích hợp
3 môn thành môn công dân với Tổ quốc là không hợp lý. Theo GS Nguyễn Quang Đạt,
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, công dân với Tổ quốc nghe hay nhưng lại rất
mơ hồ. GS sử học Phan Huy Lê đặt câu hỏi dựa vào lý luận nào để tích hợp 3
môn lịch sử, quốc phòng an ninh và giáo dục công dân vào một môn học? Trên
thực tế, đây là 3 lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác nhau, đối tượng khác
nhau. GS Lê cho biết Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo với
các nhà khoa học để đẩy vấn đề này đến tận cùng.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Thống tiếp tục khẳng
định các môn học đã đưa vào nhà trường đều quan trọng, chỉ có điều là mức độ
phù thuộc vào tính chất của từng môn. “Tất cả các văn bản không nói là lịch sử
không quan trọng. Từ tiểu học đến THCS đều bắt buộc phải học lịch sử. Ở bậc
THPT, bên cạnh môn công dân với Tổ quốc, học sinh bắt buộc phải chọn 1 trong
2 môn lịch sử hoặc khoa học xã hội. Nếu xét về tổng thời lượng các môn này
thì học sinh không học ít hơn so với chương trình hiện hành” - ông Thống nói.
Vị này cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét những đóng góp của các chuyên gia trước
khi đi đến quyết định cuối cùng.
Nội
dung môn công dân với Tổ quốc
Môn được thiết kế với 3 mạch
nội dung chính và một số chuyên đề tích hợp.Trong đó mạch giáo dục đạo đức -
công dân, chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách
mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ
năng sống cần thiết, chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam hội nhập
quốc tế với tư cách công dân. Giáo dục quốc phòng - an ninh bảo đảm cho học
sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân;
về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân
và nghệ thuật quân sự Việt Nam cùng một số nội dung mang tính thực hành như
kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng thủ dân sự... Trong khi đó, giáo dục
lịch sử đề cập chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lòng yêu Tổ quốc, tinh thần xả
thân vì nước, tinh thần tự cường dân tộc, tư tưởng và những bài học, nghệ
thuật quốc phòng, giữ nước của cha ông ta. Ngoài ra, sẽ có một số chuyên đề
tích hợp sâu và chủ yếu từ 3 mạch kiến thức trên.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống,
việc bố trí các nội dung đó trong chương trình thế nào thì phải đặt trong
tổng thể của toàn bộ chương trình, đáp ứng các yêu cầu mới. Hướng tích hợp 3
nội dung này không phải là coi nhẹ các nội dung này mà chỉ là cấu trúc lại
cho phù hợp yêu cầu mới và để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.
(Theo Người LĐ) YẾN ANH - ĐẶNG TRINH
|
Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét