Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

'Đập thủy điện trên Mekong đe dọa an ninh lương thực VN'

Cập nhật lúc 07:01                 

(Tin tức thời sự) - Chuyên gia quốc tế khẳng định các dự án thủy điện trên dòng Mekong đe dọa an ninh lương thực trong khu vực.

Straits Times (Singapore) nhận định, 11 dự án đập thủy điện trên sông Mekong đang được xây dựng, hầu hết là ở Lào, đã chặn dòng sông này đồng thời với tình trạng khai thác cát quá đà đẩy nhanh tốc độ xói mòn bờ sông và hiện tượng nguồn nước ngầm dành cho sinh hoạt của con người đang cạn kiệt đã làm phát sinh tình trạng đất lún, trong bối cảnh mực nước biển cứ tăng khoảng 5 mm/năm.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, sản lượng cá do sông Mekong mang lại đang dần cạn kiệt.
Ước tính lượng cá ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong có giá trị lên đến 7 tỉ USD/năm. Hơn một nửa trong số cá này nằm ở Việt Nam và Campuchia. Lượng tiêu thụ cá trung bình tính trên đầu người ở mức 46 kg mỗi năm.
 'Dap thuy dien tren Mekong de doa an ninh luong thuc VN'
Bản đồ các đập thủy điện trên sông Mekong.
Các chuyên gia tham gia vào nghiên cứu kể trên cảnh báo tại Diễn đàn sông Mekong Mở rộng về Nước, Lương thực và Năng lượng tại Phnom Penh ngày 20/10 nhận định, lượng cá hiện hữu nhiều khả năng sẽ giảm mạnh trong nhiều năm tới và điều này làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh lương thực trong khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng từ việc xây thủy điện của Lào.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã lên tiếng cảnh báo ảnh hưởng từ các đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Lào trên thượng nguồn sẽ khiến hạ lưu sông Mekong sớm cạn sạch cá và tình trạng xói mòn dọc bờ biển sẽ càng tồi tệ hơn, xâm nhập mặn sẽ làm mất nhiều diện tích canh tác lúa tại Việt Nam.
Straits Times dẫn lời ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và sông ngòi, người đang làm việc với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWFN) tại Việt Nam cho biết: "Hiện thực này đang rõ ràng hơn bao giờ hết".
Nước biển đang âm thầm ngấm vào trong đất liền của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa 13.500 héc ta diện tích canh tác lúa. Hậu quả là bờ biển trải dài 600 km ở phía nam Việt Nam đang bị rút ngắn lại với tốc độ từ 4-12 m/năm.
Trong khi đó, Lào đang tiếp tục thực hiện dự án xây đập thủy điện khổng lồ Don Sahong tại địa điểm gần biên giới với Thái Lan và Campuchia trong vài tuần tới, báo BangkokPost ngày 4/11 đăng tải bài viết phản đối việc thực hiện dự án này.
Lào xây dựng đập thủy điện nhằm biến quốc gia này thành "bình ắc-quy của Đông Nam Á" và dự tính bán điện cho Thái Lan. Tờ báo này không hề phản đối việc Lào muốn trở thành nước xuất khẩu điện song nhắc tới những hệ quả mà thủy điện này gây ra với hạ lưu con sông Mekong và ảnh hưởng rõ rệt tới người dân Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan.
 'Dap thuy dien tren Mekong de doa an ninh luong thuc VN'
Người dân Thái Lan giăng băng-rôn phản đối dự án xây đập thủy điện Xayaburi của Lào - Ảnh: EPA
"Vientiane dự kiến sẽ gửi quan chức sang Hà Nội, Phnom Penh và Bangkok trong vài tuần tới để thông báo rằng dự án xây đập thủy điện Don Sahong sẽ được bắt đầu trước tháng 12 năm nay", BangkokPost thông tin.
Hồi tháng 6, cuộc đàm phán về đập Don Sahong giữa 4 nước thành viên Ủy hội Sông Mekong (MRC), gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
"Mặc dù chia sẻ chung dòng sông Mekong với Lào, nhưng không có quốc gia nào trong 3 nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan được hỏi ý kiến hay được mời tranh luận hay cung cấp giải pháp thay thế dự án gây tranh cãi trên", tờ BangkokPost viết.
Tờ báo cho biết thêm: "Sau khi đã công khai ngừng lắng nghe ý kiến về đập Xayaburi từ các nước láng giềng, Lào đã tiến hành xây dựng. Và mặc dù khiến các nước phản đối dữ dội, trừ chính phủ Lào và Thái Lan, dự án xây con đập này sắp hoàn thành".
Cũng theo tờ báo Thái, hình ảnh và lời kể từ khách tham quan công trình xây đập Xayaburi mới đây cho thấy con đập khổng lồ này đã làm thay đổi dòng sông và cuộc sống của người dân trong vùng, dù nó vẫn chưa được vận hành.
(Theo Đất Việt) Cúc Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét