Đừng quyết thay
người dân
Cập nhật lúc 08:13
96% ý kiến người phát biểu phản đối và yêu cầu
phải hủy ngay dự án lấn sông Đồng Nai mà Mạng lưới sông ngòi VN
(VRN) vừa công bố là cái tát mạnh vào ý chí của những người có trách nhiệm
liên quan khi vẫn muốn bảo lưu dự án này, trước bức xúc của dư luận.
Trong khi đó, thông tin mới nhất liên quan đến
dự án là Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ
TN-MT, ngày 9.9 đã họp và đề nghị cho phép UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực
hiện một ĐTM mới, trên cơ sở ĐTM cũ “không đủ cơ sở khoa học”.
Đây thực sự là điều rất khó hiểu, khi mà dự án
lấn sông Đồng Nai không chỉ thực hiện chưa chặt chẽ, đánh giá thiếu khoa học
mà còn có dấu hiệu vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật. Chẳng hạn
như vi phạm các quy định cấm của pháp luật liên quan đến đảm bảo dòng chảy và
chế độ thủy lực; vi phạm về ĐTM; vi phạm quy định về lập quy hoạch dự án...
Trong đó đáng nói nhất là chính quyền và chủ đầu tư đã thực hiện không đúng
các bước lấy ý kiến cộng đồng về ĐTM và quy hoạch dự án.
Việc lấy ý kiến cộng đồng về ĐTM là yêu cầu bắt
buộc của bất cứ dự án nào, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của dự án. Nhưng
đáng tiếc dự án lấn sông Đồng Nai đã bỏ qua bước này. Theo phản ánh thì việc
lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch chi tiết dự án (căn cứ mà tỉnh
Đồng Nai nại ra để lý giải cho việc không lấy ý kiến cộng đồng về ĐTM) theo
khoản 1, điều 18 luật Quy hoạch đô thị cũng rất hình thức, không đúng quy
định pháp luật. Tất cả những điều này gây ảnh hưởng tới tính tin cậy của dự
án.
Con số 96% người cho ý kiến phản đối dự án mà
VRN công bố một lần nữa khẳng định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư của Đồng
Nai là chưa trung thực. Nếu thật sự cầu thị, thật sự vì mục tiêu “chỉnh trang
đô thị” phục vụ cộng đồng dân cư thì UBND tỉnh Đồng Nai nên chủ động tuyên bố
lấy ý kiến rộng rãi người dân về dự án này. Họ - người dân Đồng Nai và các
địa phương liên quan có thực sự muốn có dự án này hay không, sẽ tốt hơn là
một Hội đồng thẩm định ĐTM họp kín rồi đưa ra quyết định thay cho họ.
Chúng ta đã có rất nhiều bài học về việc thất
bại của những chính sách, dự án được xây dựng từ sự chủ quan của bộ phận tham
mưu chứ không phải từ thực tiễn, không được kiểm nghiệm đầy đủ, không xin ý
kiến nhân dân, tham vấn các nhà chuyên môn. “Bỏ qua” người dân dẫn đến những
con đường xuyên khu dân cư bị ách tắc, không hiệu quả hay những dự án treo
hàng chục năm, trong khi dân không còn đất canh tác hay nhà máy gây ô nhiễm
môi trường, những dòng sông chết, môi trường bị hủy hoại...
Luật pháp quy định dự án, chính sách nào ảnh
hưởng đến cuộc sống, việc làm của người dân thì cần xin ý kiến của họ. Cơ
quan công quyền sinh ra để phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng nhưng khi đưa
ra quyết định hay phớt lờ ý kiến của người dân, là điều không thể chấp nhận.
(Theo Thanh niên) An Nguyên
|
Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét