Chuyện không nhỏ
Cập
nhật lúc
09:30
Gần đây, báo chí và dư luận rộ lên việc các cây
xăng gian lận. Hầu như tỉnh nào cũng có, với những chiêu trò tinh
vi lẫn công khai trắng trợn. Cộng đồng mạng dậy sóng, vạch mặt chỉ tên, kêu
gọi tẩy chay nhưng nhà nước cứ đủng đỉnh do “dân cần nhưng quan chưa vội”.
Tình trạng trên tồn tại nhiều năm nay dù báo
chí tốn khá nhiều giấy mực, dư luận rất bức xúc. Gần đây nhất là sự kiện cây
xăng 61 Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) thuộc Công ty Trần Thiên. Ngay tại trung
tâm thành phố, nhân viên cây xăng thản nhiên móc túi người tiêu dùng, thách
thức dư luận và nhà nước. Nhiều nạn nhân biết mình bị gian lận, vẫn ngậm đắng
nuốt cay. Có thể chỉ năm, mười ngàn (khoảng 15 - 30%) tiền đổ xăng, không
đáng kể. Số đông hơn thì sợ liên lụy, bị chửi bới nên đành chọn thái độ “im
lặng là vàng”. Không ít nạn nhân đã lên tiếng thì đổi lại là thái độ khiêu
khích, đe dọa hành hung.
Nhưng đáng buồn hơn cả là thái độ thờ ơ và vô
cảm của các cấp quản lý. Cứ đùn đẩy với điệp khúc “Chưa nghe báo cáo”, “Phải
có bằng chứng cụ thể”... đánh đố người tiêu dùng. Những tiêu cực này ngang
nhiên lộng hành từ năm này sang năm khác, phải chăng là có người chống lưng
hoặc bảo kê? Có người bi quan chép miệng: “Hết thuốc chữa. Không phải vì bệnh
nặng mà bởi thầy thuốc vô lương tâm”.
Chuyện tưởng nhỏ nhặt nhưng có tác hại lớn bởi
làm mất lòng tin của người dân và vô tình khuyến khích hành vi sai trái. Số
tiền gian lận không lớn nhưng thường xuyên, công khai, liên tục với hàng ngàn
lượt người mỗi ngày. Cứ nhân lên thì nguy hại khôn lường. Mất tiền còn kiếm
được. Mất niềm tin là mất cả cuộc đời. Hiện nay, việc xử phạt như gãi ngứa,
lại còn đòi bằng chứng, cố tình đẩy cái khó và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Không chỉ riêng xăng dầu gian lận, mà an ninh
đô thị đang bị bủa vây bởi nhiều tồn tại: từ rải đinh, móc túi, bán hàng rong
chèo kéo và trấn lột, cân thiếu… đến vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường…
Chúng không thể ngang ngược công khai, nếu không được chống lưng, bảo kê,
chia chác quyền lợi. Hoặc chí ít là làm ngơ. Tuy nhiên, dù lý do gì, người
dân và xã hội đều không thể chấp nhận.
Những tồn tại trên, trước hết thuộc trách nhiệm
của chính quyền, công an sở tại và quản lý thị trường tại chỗ. Oái oăm thay,
kết quả giải quyết thì thi thoảng mới là “phê bình”, “rút kinh nghiệm sâu
sắc”. Chưa thấy ai có trách nhiệm bị cách chức. Chưa có cá nhân hoặc cơ sở
nào bị rút giấy phép, cấm hành nghề.
Trong khi đó, chỉ nhậm chức từ tháng 3.2015, nữ
cán bộ trẻ Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng Đồng Nai, đã trở thành nữ tướng dẹp xăng gian lận. Chỉ từ tháng 3 -
7.2015, chị và các đồng nghiệp đã bắt quả tang 53 cây xăng gian lận, thu phạt
hơn 5 tỉ đồng. Sau đợt vi hành hiệu quả, 530 cây xăng tự nguyện xin kiểm định
lại các trụ bơm vì không muốn nhân viên qua mặt, không muốn bị phạt vì gian
lận, cả cố ý lẫn vô tình. Nữ cán bộ trẻ mới nhận chức làm được, thì hà cớ gì
những cán bộ dạn dày kinh nghiệm lại ngồi im để dư luận “ném đá”.
Nếu muốn dứt điểm, cần phải mạnh tay hơn nữa và
quy trách nhiệm cá nhân. Rút giấy phép, cấm kinh doanh vĩnh viễn với doanh
nghiệp tái phạm. Cách chức cán bộ quản lý địa bàn và buộc thôi việc nếu chống
lưng hoặc thỏa hiệp với tệ nạn. Bài toán không quá khó, nếu thật lòng muốn
giải.
(Theo TNO) Nguyễn Văn Mỹ
|
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét