Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Bộ Chính trị cơ bản nhất trí phương án nhân sự Đảng bộ Hà Nội khóa mới

Cập nhật lúc 13:02                  


Ngày 25/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

 

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV (nhiệm kỳ 2010-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo của Thành ủy Hà Nội khẳng định: Năm năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy, trọng tâm là nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV, lãnh đạo thực hiện tốt 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ.

Các đồng chí Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
 
Các đồng chí Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN 
Diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Phát huy vai trò Thủ đô của cả nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội không ngừng vững mạnh, trưởng thành và đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mục tiêu: Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp chiếm 4,5%. Các nhóm ngành đều có mức tăng trưởng khá. Thành phố phát triển mạnh các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, với nhiều hình thức hỗ trợ, có sự biến đổi tích cực về tỷ trọng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết tốt hơn. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Phát triển nông nghiệp và nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới đạt được những tiến bộ rõ rệt. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện và tiếp tục nâng cao. Chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định; an ninh quốc phòng, đối ngoại được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.
Sau 30 năm đổi mới và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ đô Hà Nội đã và đang thể hiện rõ vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đầu tàu của vùng Thủ đô, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Nhận định bối cảnh tình hình trong nước và thế giới trong những năm tới sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển của Hà Nội, Đảng bộ thành phố quyết tâm cao, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế và uy tín của Thủ đô được nâng cao.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí Bộ Chính trị và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Tổng Bí thư kết luận:
Các văn kiện trình Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và công tác nhân sự được chuẩn bị đúng nội dung, quy trình, theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy. Dự thảo Báo cáo Chính trị đã phản ánh khá đầy đủ, đánh giá, tổng kết được một số quan điểm, chủ trương lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết của Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Luật Thủ đô, làm cơ sở giúp Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII và ban hành các cơ chế, chính sách trong thời gian tới. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Về chủ đề Đại hội, Tổng Bí thư lưu ý: Cần thể hiện được bản sắc riêng, tính đặc thù của Hà Nội; đồng thời nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, đất nước, là địa danh tiêu biểu cho truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam; cần xác định rõ chủ đề của Đại hội là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động mọi nguồn lực xã hội (nội lực và ngoại lực, Trung ương và địa phương), đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Trên cơ sở phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế, bối cảnh tình hình, cần đánh giá đúng thực tế đã làm được gì và chưa làm được gì. Hà Nội cần tiếp tục quán triệt tinh thần các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các quy hoạch, chiến lược của Chính phủ để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 16 chỉ tiêu của Đảng bộ Hà Nội, Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Đó là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược, đặc biệt là cải cách hành chính, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa… tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao đời sống nhân dân, giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng, tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, phát huy vai trò đầu tầu, trung tâm của vùng và cả nước, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, trung tâm lớn về kinh tế, dịch vụ , du lịch...
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, từ xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, công tác cán bộ… chống cho được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn nhiều việc phải làm, 3 nội dung và 4 nhóm giải pháp; năng động, sáng tạo, quyết liệt nhưng phải kiên định, đặc biệt Thủ đô phải rất kiên định về chính trị.
Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa mới, đã được chuẩn bị công phu, dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình; bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng, hợp lý về cơ cấu, địa bàn, ngành, lĩnh vực…; đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy trình độ khá cao cả về chuyên môn và lý luận chính trị; tuy nhiên cần chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đại diện đồng bào dân tộc thiểu số...
(Theo TTXVN) Nguyễn Sự - Hương Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét