Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Người làm chứng tố tòa “viết thêm” ở biên bản xác minh

Cập nhật lúc 20:23

 
Biên bản xác minh của TAND TP. Đông Hà bị người làm chứng tố "viết thêm". Ảnh: HT

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" của TAND TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 25.8, anh Trần Ngọc Thắng - người làm chứng - "té ngửa" vì trong biên bản xác minh của tòa có một số nội dung gây bất lợi cho bị đơn mà anh không hề hay biết.

Ngay tại tòa, anh Thắng không chấp nhận những nội dung này, nhưng không được HĐXX xem xét. Điều kỳ lạ rằng, sau phản ứng của người làm chứng, HĐXX vẫn "lờ" đi như chưa từng có chứng cứ này và căn cứ vào bằng chứng "nửa nạc nửa mỡ" khác để ra phán quyết.
Người làm chứng phản ứng, tòa "lờ" bằng chứng
Ngày 22.4, anh Trần Ngọc Thắng (trú tại khu phố 6, phường 1, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã gửi đơn khiếu nại liên quan đến biên bản xác minh ngày 22.4.2015 của TAND TP.Đông Hà. Anh Thắng cho biết, ông Trần Quốc Huy - thẩm phán và ông Nguyễn Trí Diện - thư ký TAND TP.Đông Hà đã đến tại nhà riêng của anh để lập "Biên bản xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc vay tài sản giữa bà Trần Thị Ngọc Mai và ông Nguyễn Thanh Đình, Nguyễn Thị Minh". "Tôi là em trai bà Mai, tôi chỉ biết chị gái tôi có vay tiền, nhưng không rõ vay thời gian nào, bao nhiêu tiền. Biết chừng nào tôi khai chừng đó. Vậy mà trong biên bản xác minh của tòa, ghi ngày, tháng, năm chị tôi đi vay cụ thể. Cái ngày vay tận vào năm 2010 thì làm sao tôi biết được, vô lý quá", anh Thắng nói.
Ngoài ra, anh Thắng đưa ra một số vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ: Biên bản xác minh được lập tại nhà riêng của anh, có 2 nhân viên và vợ của anh Thắng chứng kiến, nhưng lại ghi nơi lập biên bản là tại trụ sở TAND TP.Đông Hà. Thời điểm ngày 22.4, anh Thắng chưa được đưa vào đối tượng nào trong vụ án TAND TP.Đông Hà đang thụ lý, nên việc anh Thắng tham gia vào vụ án với tư cách là người làm chứng trái với quy định tại Điều 85, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
Biên bản xác minh của TAND TP.Đông Hà lập không có chữ ký của người được lấy lời khai tại các trang, không có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND phường khi lấy lời khai ngoài trụ sở TAND. Anh Thắng không chứng kiến việc vay mượn giữa bà Mai và ông Đình, bà Minh, vì thế không thể biết ngày tháng vay, trả tiền cụ thể như trong biên bản xác minh. Ví dụ như đoạn: "Vay ngày 27.6.2010", câu này ở sau dấu chấm phẩy của một câu rất dài. "Rồi đoạn: "Vay ngày 27.6.2010 cho ông Đình, bà Minh..." lại được viết tràn xuống phía dưới rất buồn cười. Cái này tòa tự viết thêm chứ tôi có biết gì đâu mà nói", anh Thắng bức xúc.
Bất chấp việc anh Thắng phản ứng tại phiên tòa về những điểm bất hợp lý trong biên bản xác minh người làm chứng, HĐXX vẫn sử dụng chứng cứ do chính thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Trần Quốc Huy - đi thu thập. "Nhưng đến lúc tuyên án, HĐXX lại lờ đi như chưa từng có biên bản xác minh lời khai của tôi" - anh Thắng cho biết thêm.
Ông Trần Quốc Huy - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa TAND TP.Đông Hà - cho biết, có đến nhà anh Thắng, nhưng việc lập biên bản lại được tiến hành tại tòa. "Anh Thắng chịu sự tác động của người khác và trình bày mâu thuẫn với nhau. Việc nói rằng tòa viết thêm vào biên bản là không đúng, vì cuối biên bản có chữ ký và lời cam đoan của chính anh này", ông Huy nói.
HĐXX dựa vào đâu để tuyên án?
Trở lại vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Đình, bà Nguyễn Thị Minh với bị đơn là bà Trần Thị Ngọc Mai đã được TAND TP.Đông Hà đưa ra xét xử và có bản án số 21/2015/DS-ST. Theo đó, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả số tiền 860 triệu đồng. Phía nguyên đơn cung cấp cho tòa một giấy vay số tiền 100 triệu đồng do bị đơn đứng tên và một giấy xác nhận nhờ vay tiền có nội dung bị đơn nhờ nguyên đơn vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày, đã cho bị đơn vay 12 lần trong năm 2009 và 2010 với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Do bị đơn không trả lãi đúng cam kết, nên hai bên đã lập văn bản "Giấy xác nhận nhờ vay tiền". Nguyên đơn khẳng định, thực chất giấy xác nhận nhờ vay tiền này là tổng hợp 12 lần vay trước đó, chứ không có chuyện đi vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng cho bị đơn như trong nội dung giấy xác nhận. Năm 2014, bị đơn có trả số tiền 250 triệu đồng, nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả nốt số tiền 860 triệu đồng còn lại.
Phía bị đơn cho biết, do có nhu cầu cần tiền lo cho các con đi du học và xin việc, nên đã nhờ nguyên đơn vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, giấy nhờ vay đã làm xong nhưng nguyên đơn chưa giao tiền cho vay theo thỏa thuận. Phía nguyên đơn cho rằng, bị đơn có trả số tiền 250 triệu đồng, tuy nhiên bị đơn cho rằng chỉ có việc giao nhận tiền cho nhau, còn trả hay không thì không thể xác định được. Nếu có trả tiền thì cũng là trả cho các khoản vay khác, không có cơ sở nào chứng minh đây là món tiền trả liên quan đến vụ việc này. Vì thế, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Sau khi nghe các bên trình bày, đại diện VKSND TP.Đông Hà đặt câu hỏi đối với nguyên đơn rằng: Trong 12 lần cho bị đơn vay, có bằng chứng gì không. Nguyên đơn chỉ đưa ra được một giấy cho vay viết tay ngày 27.10.2008 với số tiền 100 triệu đồng và nói 11 lần còn lại "chỉ nói miệng với nhau".
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung "lãi thanh toán hàng tháng tính từ ngày vay là 27.6.2010" trong giấy xác nhận nhờ vay tiền, HĐXX cho rằng, "đã thể hiện rõ thời điểm bên vay là bà Trần Thị Ngọc Mai vay tiền của ông Đình, bà Minh với số tiền vay hơn 1,1 tỉ đồng". Vì vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đình, bà Minh, buộc bà Mai phải trả số tiền 860 triệu đồng.
Không đồng tình với phán quyết của HĐXX, bà Trần Thị Ngọc Mai đã làm đơn kháng cáo. Theo bà Mai, HĐXX đã không khách quan khi chỉ căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, chứ không căn cứ vào bằng chứng cụ thể để kết luận. "Nguyên đơn khẳng định chưa chuyển tiền cho tôi theo thỏa thuận, thực tế tôi cũng chưa ký nhận bất cứ khoản tiền nào từ phía nguyên đơn. Bên cạnh đó, bản án dân sự sơ thẩm xác định quan hệ vay tiền phát sinh giữa tôi với ông Đình, bà Minh là không phù hợp với lời khai và chứng cứ ở chỗ, giao dịch giữa chúng tôi là nhờ vay tiền, và điều này thể hiện rõ tại giấy xác nhận nhờ vay tiền được lập vào ngày 27.6.2010" - dựa vào những lý do này mà bà Mai đã làm đơn kháng cáo.
Theo luật sư Trần Đức Anh - Văn phòng luật sư Trần và cộng sự (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị): Trong vụ án này, chứng cứ là “giấy nhờ vay tiền” nguyên đơn đã xuất trình để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đòi bị đơn trả tiền nhưng không hề có “chứng cứ giao nhận tiền”. HĐXX căn cứ vào chứng cứ này để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở. Đây là loại hợp đồng dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 518 Bộ Luật Dân sự, còn hợp đồng vay tài sản thì pháp luật quy định rất cụ thể tại Điều 474 Bộ Luật Dân sự. Đây là hai loại giao dịch hoàn toàn khác biệt nhau và được pháp luật dân sự điều chỉnh ở hai điều luật khác nhau không thể xem là giống nhau và cùng bản chất được. Theo đó, bên nhận thực hiện nghĩa vụ chưa thực hiện nghĩa vụ thì không thể có quyền yêu cầu bên kia trả tiền. Tất cả đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật và tại thời điểm các bên xác lập quan hệ giao dịch các bên đã không tuân thủ đúng những gì pháp luật quy định về loại quan hệ giao dịch mà các chủ thể muốn xác lập, thì khi rủi ro xảy ra các chủ thể phải chịu hậu quả tương ứng với việc không tuân thủ pháp luật của mình. Chứ không thể cho rằng tôi giao dịch là “cho vay” nhưng xác định quan hệ pháp luật nhầm nên xác lập với nhau là “nhờ vay giúp”.
(Theo LĐĐS) HƯNG THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét