Nhà ga trăm tỉ: Chuẩn quốc
tế, nhưng chỉ “buôn thúng, bán mẹt”
Cập nhật lúc 07:20
Tàu vừa về bến, ga biến thành chợ
Sự bất cập của hệ
thống đường sắt Yên Viên – Hạ Long và sự bùng nổ của giao thông đường bộ,
đường thủy là những lý do chính – những điều nằm trong tầm tính toán của các
cơ quan chức năng và ngành đường sắt – khiến ga Hạ Long hiện chỉ như chợ quê
chuyên “buôn thúng, bán mẹt”.
Mặc dù được đầu tư rất lớn – hàng trăm tỉ đồng, như báo Lao Động
đã phản ánh trong bài “Ga trăm tỉ mỗi ngày đón…vài chục khách”, ra ngày 24.9,
nhưng càng ngày lượng khách và hàng hóa thông qua ga Hạ Long càng giảm.
Khoảng 12h, ngày 24.9, như thường lệ, tàu R1 57 – R1 58 về tới ga
Hạ Long, sau một chặng đường không dài nhưng mất tới 7h20 phút từ ga Yên
Viên, Hà Nội.
Nhìn vào tổng thời lượng hành trình, có lẽ không du khách nào dám
bước chân lên bởi nếu đi ô tô từ Hà Nội về Hạ Long nhiều nhất cũng chỉ khoảng
4 tiếng.
Đoàn tàu gồm 4 toa cũ kỹ, được sản xuất vào đầu những năm
60 của thế kỷ trước. Tàu vừa dừng, người ôm rau, củ quả, người vác ngan, gà,
vịt… xuống sân ga.
Trong chốc lát, sân ga đạt chuẩn quốc tế biến thành chợ quê, với
tất cả những mặt hàng trên bày la liệt ngay cạnh đường tàu. Tiếng mặc cả,
tiếng mời chào mua hàng cùng tiếng gà, vịt kêu như sắp bị cắt tiết khiến
nhiều người không thể không xót xa cho hàng trăm tỉ đồng từ nguồn ngân sách
đầu tư cho ga này.
Khệ nệ kéo mấy bó rau muống từ trên toa tàu xuống, bà Lê Thị Yến,
người TP. Uông Bí, Quảng Ninh, cho biết ngày nào bà cũng bắt tàu từ Uông Bí
đem… rau muống ra ga Hạ Long bán. Hỏi sao không đi ô tô, bà bảo đi tàu rẻ hơn
và tiện hơn vì… chợ cũng là ga.
“Chiều đi tôi phải trả 15.000 đồng tiền vé tàu và 18.000 cước phí
3 bó rau muống. Chiều về đi người không, nên chỉ phải trả 15.000 đồng. Tổng
chi phí mỗi chuyến là 48.000 đồng. Không buôn thế này tôi cũng chẳng biết làm
gì nữa” – bà Yến than thở.
Khi tàu mới về bến, người bán còn cò kè mặc cả nhưng sau đó thì
nhiều người phải bán tống bán tháo vì 13h20 tàu phải khởi hành về Yên Viên.
Số lượng khách lượt đi và lượt về hầu như không thay đổi, bởi
phần lớn khách đều là những người buôn bán. Tuy nhiên, doanh thu chiều về của
tàu giảm hẳn bởi tàu chỉ chở người mà không có hàng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng tàu R1 57 – R1 58 – cho biết “Những
năm 2011, 2013, mỗi chuyến thường có 6 toa, gồm 2 toa khách và 4 toa hàng.
Tuy nhiên, sau đó, vì ít khách, ít hàng nên để cắt lỗ, tàu chỉ còn 4 toa như
hiện nay, trong đó có 1 toa khách”.
Theo anh Tuấn, sở dĩ tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long ảm đạm là
do tàu cũ, tốc độ quá chậm, sự kết nối giao thông kém, trong khi đường bộ
ngày càng thuận lợi.
Dưới đây là một số hình ảnh "chợ quê" tại ga Hạ Long:
Tàu vừa về bến, ga biến thành chợ
Một toa chở hàng
Đoàn
tàu cũ kỹ, bắt đầu hoạt động từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước
(Theo LĐO) NGUYỄN
HÙNG
|
Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét