“Con kiến” và lẽ công bằng
Cập nhật lúc 07:10
Không có “con kiến”, cũng chẳng có “củ
khoai” nào, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, lẽ phải, sự công bằng thuộc
về những ai chấp hành pháp luật.
Nhìn những giọt nước mắt rơi trên gương mặt tài xế Lương Hoàng Mỹ
khi Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên cho ông Mỹ thắng
kiện trưởng Công an
huyện U Minh Thượng trong vụ kiện “neo xe cá” mà ông theo suốt 18 tháng qua
mới thấy hành trình đi tìm công lý của người dân khó khăn như thế nào.
Vụ kiện hành chính kéo dài gần 500 ngày,
tổng số tiền bồi thường không lớn (gần 100 triệu đồng cho cả tài xế và chủ
hàng) nhưng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan nhà nước khi làm trái
pháp luật và cũng là tiếng chuông thúc giục người dân nên giành lấy cơ hội
thực hiện quyền của mình.
Trước đó, tháng 6-2013, Công an tỉnh Hải
Dương cũng nhanh chóng bồi thường 650 triệu đồng cho chủ hàng bạch tuộc ở Cần
Giờ (TP.HCM) sau hai tháng bắt giữ sai xe hàng chở gần 2 tấn bạch tuộc. Chủ
hàng đã bay từ TP.HCM ra Hải Dương để khiếu nại.
Vụ việc này cũng làm tốn khá nhiều công
sức của chủ hàng nhưng nhanh chóng được khép lại vì có sự đồng hành của báo
chí cũng như thái độ cầu thị, tôn trọng pháp luật của cơ quan Công an Hải
Dương.
Kết quả của hai vụ việc trên được dư
luận quan tâm và ủng hộ, dù hành trình đi tìm công lý quá khác nhau, nhưng
cũng là tín hiệu, cũng có thể là một lối ra cho những người dân đang “ôm
những bộ hồ sơ dày” của mình tiếp tục đi tìm lẽ công bằng.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là
tâm lý “con kiến kiện củ khoai” đã làm nhiều người dân đang cảm thấy oan ức
phải buông xuôi mà không khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính
của người thi hành pháp luật gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của
mình.
So sánh dễ thấy là trong báo cáo sáu
tháng đầu năm 2015 của Tòa án nhân dân TP.HCM, số lượng án hành chính thụ lý
của tòa thành phố và tòa cấp huyện là 1.073 vụ trong tổng số 40.570 vụ.
Đã đến lúc phải thoát khỏi tâm lý “con
kiến”, người dân cần chủ động đòi công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình khỏi sự xâm phạm của người áp dụng pháp luật.
Chỉ như thế, hành xử của người áp dụng
pháp luật sẽ được điều chỉnh cho chuẩn mực theo quy định - là nền tảng cho xã
hội thượng tôn pháp luật, của nhà nước pháp quyền. Được như thế, những vụ oan
sai, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ giảm đi.
Không có “con kiến”, cũng chẳng có “củ
khoai” nào, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, lẽ phải, sự công bằng thuộc
về những ai chấp hành pháp luật.
Điều này càng thuận lợi hơn khi Luật tố
tụng hành chính sửa đổi sắp được thông qua, với rất nhiều quy định mới thuận
tiện hơn cho người dân khởi kiện vụ kiện hành chính, cũng như các biện pháp
đảm bảo cho bản án hành chính được thực hiện trong thực tiễn.
Theo Tuổi trẻ
Tiến sĩ THÁI THỊ TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)
|
Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét