Vì sao người nói tiếng Trung Quốc ồ ạt
mua đất VN?
Cập nhật lúc 07:00
Người nước ngoài núp
bóng người Việt mua lại nhiều lô đất ven biển Đà Nẵng, là việc tiềm ẩn nguy
cơ rất lớn, là khẳng định của ông Nguyễn Điểu,giám đốc Sở Tài nguyên -
môi trường TP Đà Nẵng.
Cũng tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng, ông
Trần Thọ - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nhấn mạnh việc người nước ngoài đứng sau
lưng người Việt để mua đất là chuyện cực kỳ nguy hiểm.
Chị Hồng Thắm (TP.HCM) lo lắng:
"Việc làm này có thể là mối hiểm họa tiềm ẩn, nhiều mục đích.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn
chặn kịp thời".
Ông Hoàng Dũng (Đồng Nai) nêu ý kiến:
“Phải làm rõ và xử lý việc người nước ngoài núp sau lưng người Việt để sở hữu
đất. Đây là chuyện cực kì nguy hiểm nên phải làm nhanh và mạnh”.
Anh Duy Nguyễn cho hay: “Việc hiện tại
cần làm là giám sát chặt chẽ, có chế tài về mục đích sử dụng và chuyển nhượng
đất, kinh doanh hay làm bất cứ điều gì khác giữa người trong nước và người
nước ngoài”.
Bạn Dũng Tình cho biết, không chỉ riêng
Đà Nẵng, chính quyền các nơi khác cũng phải kiểm tra chặt chẽ thường xuyên
vấn đề này. Nếu cần thiết, nên định ra luật dành riêng cho các trường hợp
người nước ngoài núp bóng người Việt làm những việc ảnh hưởng đến an ninh quốc
phòng.
Phải cẩn thận
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật
sư TP.HCM) cho rằng: “Người nước ngoài mượn người VN đứng tên mua đất thì rất
khó biết được, trừ phi có sự chứng minh quan hệ như khi giữa người nước ngoài
và người VN có tranh chấp, thưa kiện thì lúc đó mới biết và xử lý. Pháp luật
không cấm công dân VN buôn bán bất động sản”.
Theo luật sư Trạch, nhà nước cho phép
người nước ngoài đầu tư 100% ở một số lĩnh vực nhưng đối với đầu tư đất thì
chắc chắn không cho phép.
Ông Trạch nhận định: “Trường hợp người
nói tiếng Trung Quốc núp bóng, cấu kết với người VN đầu tư quỹ đất thì vấn đề
đầu tiên cần nói là một số người VN đã vì những lợi nhuận trước mắt mà quên
đi tinh thần dân tộc. Thứ hai, hành vi này đã vi phạm pháp luật và tiềm ẩn
nhiều nguy cơ bởi về pháp lý, người VN đứng tên nhưng quyền sử dụng đất ven
biển lại thuộc về người nước ngoài. Họ xây dựng, kinh doanh với nhiều hình
thức có thể ảnh hưởng an ninh chính trị cho VN”.
Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng
Nghĩa cho biết: “Pháp luật hiện nay về cơ bản thì người nước ngoài không được
mua đất. Dù trên giấy tờ họ không đứng tên nhưng họ có thể dựa vào người VN
đang nợ họ và thế chấp. Nếu họ muốn có quyền sử dụng đất thì phải thông qua
các dự án. Đôi khi, họ chấp nhận đi đường vòng, chịu bất hợp pháp một thời
gian để đạt mục đích sau cùng”.
Theo ông Nghĩa, hiện nay, ngay cả việc
mua nhà, người nước ngoài cũng phải mua trong những khu vực nhất định. Cách
đây nhiều năm, từng có chuyện đầu tư chui, trên giấy tờ họ không có quyền gì
cả nhưng với nhiều áp lực khác nhau, họ có quyền chi phối.
Hiện nay, có thể những người này cũng
làm theo cách đó để mua đất chui. Hợp pháp thì không hợp pháp nhưng vị thế
giữa hai bên, tiền của họ đưa ra “ép” người Việt làm chuyện này chuyện khác.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề,
dù biết không đúng luật mà họ vẫn cố tình làm và làm ồ ạt thì phải chăng có ý
đồ gì khác? Khi họ đã làm như vậy, chúng ta nên rà soát lại quy định của pháp
luật, truy rõ ngọn nguồn để dễ quản lý.
Chú ý khu vực nhạy cảm
PGS.TS Trần Nam Tiến - phó giám đốc
Trung tâm nghiên cứu biển và đảo, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV
TP.HCM) cho biết: “Đà Nẵng là một trong những cảng trung tâm của cả nước đang
trong xu hướng phát triển tích cực. Xét về mặt chiến lược, Đà Nẵng là một
trong những trung tâm và cảng biển rất quan trọng. Khu vực này nếu bị thao
túng, sử dụng vào mục đích liên quan đến an ninh quốc gia thì rất nguy hiểm”.
Ông Tiến cho rằng, về pháp lý, nhà nước
có thể quản lý được vì người VN vẫn đang đứng tên, nếu sau này có sang nhượng
thì cũng phải qua nhà nước.
“Đại thể là không sao, pháp lý mình vẫn
nắm trong tay nhưng về lâu dài, đặc biệt là các vấn đề về an ninh trật tự thì
đây là quá trình xâm nhập của họ vào hệ thống đất đai VN. Họ có quyền sử
dụng, mặc dù không trực tiếp đứng tên nhưng họ bỏ tiền ra, đó mới là việc
nguy hiểm. Vấn đề lúc này sẽ là họ sử dụng vào mục đích gì?”, ông Tiến nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch
Hội luật gia TP.HCM cho rằng, xét trên luật đất đai và luật nhà ở hiện
hành, người nước ngoài không được phép mua đất và phải hội đủ những yêu cầu,
điều kiện theo quy định pháp luật thì mới được sở hữu nhà ở. Do vậy, đây là
hành vi lách luật tương tự như trước đây khi luật nhà ở chưa cho phép cá nhân
nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại VN.
"Chính quyền địa phương cần xác
minh làm đối tượng mua là ai, phải giám sát chặt chẽ việc kinh doanh khu đất
đó và người có liên quan để xác định người mua có thực sự là chủ hay không,
điều tra họ có năng lực để mua và triển khai sử dụng hay không", LS Hậu
nói.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết
thêm, người mua phải chứng minh được nguồn vốn, cơ quan nhà nước cần xác minh
tài sản, nhân thân của họ. Các cơ quan phòng ban phải rốt ráo tìm hiểu vấn đề
này.
Ông Trần Nam Tiến cho rằng phải có cơ
chế kiểm soát và kiểm tra chặt chẽ những người này.
Ông Tiến cho biết: “Lẽ ra, nhà nước phải
quản lý rất chặt những vùng biển có tính chất quan trọng như thế này. Không
thể đem ra kinh doanh tùy tiện được vì đó là một mối hiểm họa. Phải đánh giá
được vùng nào có vị trí chiến lược như thế nào để đưa ra chính sách phù hợp.
Trường hợp ở Đà Nẵng là bài học cho các vùng khác khi hiện nay vẫn có rất
nhiều vùng đang diễn ra hiện tượng như vậy. Luật bao giờ cũng được hoàn thiện
qua những sự việc, biến tướng cụ thể”.
(Theo Tuổi trẻ) ĐẶNG TƯƠI -
MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Cảnh giác chiêu đổi mới hình
thức xâm lăng. Dần dần sẽ hình thành các khu phố Tàu, rồi Phường Tàu, Quận Tàu. Ma-lai-xi-a cũng
đang gặp rắc rối với một khu phố Tàu.
Thương Giang
|
Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét