Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Bị quan 'vòi vĩnh' vẫn chọn im lặng

 Cập nhật lúc 14:01    
 
Một xã hội khó đạt được sự văn minh nếu niềm tin luật pháp không trở thành nền tảng vận hành, bởi đó chính là động lực để người dân hành xử theo pháp luật.
Mới đây, có một thông tin trên báo chí không quá “nóng sốt” nhưng hẳn sẽ rất đáng suy ngẫm với nhiều người. Đó là bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Kiên Giang tuyên ngày 8/9, với phần thắng thuộc về anh tài xế “neo xe cá” Lương Hoàng Mỹ sau hành trình hơn 500 ngày theo đuổi công lý và lẽ phải để phản đối quyết định xử phạt hành chính vô căn cứ của CSGT.
Tạm gác lại tính đúng sai của bản án, điều tác giả muốn đề cập là những gì ẩn sau sự ủng hộ và hân hoan của dư luận trước phán quyết của một vụ việc vốn rất bình thường, không hề có tình tiết ly kỳ, “giật gân”. Phải chăng, bởi nó tựa như một cơn mưa nhỏ trên mảnh đất “hạn hán” về niềm tin luật pháp của người dân?
Mặt khác, khi theo dõi bình luận của độc giả dưới các bài báo đưa tin về vụ việc, cũng như những trao đổi trên các diễn đàn, tác giả nhận ra một thực trạng. Đó là, dường như có một cuộc khủng hoảng niềm tin pháp luật đang âm thầm diễn ra.
Pháp lý: lựa chọn không được ưu tiên
Từ trải nghiệm của cá nhân trong quá trình tham gia hỗ trợ pháp lý miễn phí cho công nhân tại các khu công nghiệp và người dân các vùng nông thôn tại miền Tây, người viết nhận thấy không ít người dân đang dần mất niềm tin vào vai trò của luật pháp.
Trong những giải pháp được tư vấn để họ lựa chọn giải quyết vấn đề của mình, pháp lý lại luôn là lựa chọn cuối cùng. Khi được hỏi lý do, câu trả lời là họ không tin vào sự công bằng của luật pháp và cảm nhận không an toàn khi tìm đến cơ quan công quyền. Một lượng lớn câu trả lời chúng tôi nhận được chứa đựng sự thành kiến với tòa án và những phán quyết từ chốn công đường.
Những nhận định mang tính cảm quan của tác giả lại trùng hợp với số liệu của Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 do UNDP tiến hành được công bố gần đây. Báo cáo thực hiện trên bình diện rộng trên toàn quốc với số lượng phiếu khảo sát rất lớn và phương pháp phân tích đáng tin cậy.
Theo kết quả khảo sát này, 100% số người được hỏi ở khoảng 30 tỉnh/thành phố cho biết họ đã không tố cáo sau khi bị cán bộ Ủy ban Nhân dân hoặc công an cấp xã/phường vòi vĩnh phải đưa hối lộ [1]. Trên bình diện cả nước, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ (2,96%) số người từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đòi đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó. Như vậy, có đến 97,04% người dân được hỏi đã không lựa chọn pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như chống lại hành vi phạm pháp.
Nguyên nhân dẫn đến ứng xử trên được người dân giải thích như sau: 56,33% trong số những người đã bị vòi vĩnh cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì; 7,72% sợ bị trù úm, trả thù; 9% cho rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà; và 7,3% không biết tố cáo thế nào. Qua kết quả khảo sát PAPI vừa qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy có đến 83,7% số người không tin vào vai trò của pháp luật trong việc trừng phạt hành vi xấu và bảo vệ người lương thiện.
Những thông tin vừa nêu không chỉ mới vừa xuất hiện gần đây, người viết cho rằng thực trạng này đã âm thầm diễn ra trước đó và trong một thời gian đủ dài để làm trầm trọng thêm một hiện tượng xã hội.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 11/2012, có vị đại biểu Quốc hội từng cảnh báo: “Chúng ta đang phung phí lòng tin của nhân dân” để nói về những vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội thời gian đó.
pháp luật, pháp quyền, CSGT, quốc hội, PAPI, tham nhũng 
Ảnh minh họa
Đừng để niềm tin vơi cạn
Một xã hội khó đạt được sự văn minh nếu niềm tin luật pháp không trở thành nền tảng vận hành, bởi đó chính là động lực để người dân hành xử theo pháp luật. Khi niềm tin vơi cạn, ứng xử của người dân có thể rơi vào hai chiều hướng tiêu cực như sau:
Một là, có những người lựa chọn im lặng, cam chịu và an phận. Họ chấp nhận chịu thiệt thòi trong các mối quan hệ chỉ với mong muốn yên lành trong cuộc sống. Theo Báo cáo PAPI năm 2014, khả năng chịu đựng sự “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong dân dường như đang gia tăng theo thời gian. Khi được hỏi về số tiền đòi hối lộ phải lớn tới mức nào thì người dân bắt đầu tố cáo cán bộ UBND xã/phường hoặc công an xã/phường “vòi vĩnh”, trung bình toàn quốc, mức tiền đó tăng mạnh từ 5,52 triệu đồng năm 2011 lên đến 8,89 triệu đồng năm 2014.
Sự cam chịu trong tình huống này mang tính tiêu cực và là mầm mống cho sự vô cảm, thờ ơ. Xã hội tất yếu sẽ thụt lùi khi thiếu đi những người biết trăn trở và phẫn nộ vì lợi ích chung. Như một nhận xét của GS Ngô Bảo Châu là: “Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.
Hai, bản năng có dịp lên ngôi trong quá trình định hình cách ứng xử của con người. Một số hiện tượng xã hội có thể coi như chỉ dấu cho hành vi ứng xử bản năng này. Một tên trộm chó có thể bị cả cộng đồng phẫn nộ tự “xử tử” thay vì vây bắt và đưa đến công an. Có trường hợp, dịch vụ đòi nợ bằng băng nhóm xã hội đen được ưa chuộng hơn hoạt động hợp pháp của cơ quan thi hành án. Hành vi “chạy án”, chống người thi hành công vụ diễn ra phổ biến hơn...
Đã đến lúc Nhà nước cần nghiêm túc suy nghĩ về biểu hiện vui mừng của dư luận khi thấy tài xế “neo xe cá” thắng kiện CSGT. Sẽ là nguy hiểm nếu để người dân hình thành nếp nghĩ rằng lợi ích của Nhà nước không song hành hoặc có khi đối nghịch với lợi ích của người dân. Nếp nghĩ này sẽ gây cản trở lớn cho con đường phát triển của quốc gia, bởi bất cứ chính quyền nào cũng phải dựa vào dân.
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 có đoạn:  “tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.
Người đứng đầu đất nước đã thật sự khách quan khi đưa vào bài diễn văn quan trọng về một thực trạng đầy trăn trở trước toàn thể quốc dân trong ngày trọng đại của đất nước. Nhưng, hơn hết, người dân mong đợi những nhìn nhận thẳng thắn này không dừng lại ở nội dung của một bài diễn văn, mà sẽ được biến thành những hành động thiết thực.
(Theo TuanVietNam) Lưu Minh Sang
(Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
-------
[1] Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014, trang 66.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét