Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Tranh cãi EVN xung quanh phương án giá điện

Cập nhật lúc 08:15                  

 Các chuyên gia nói gì về ba phương án giá điện? Nhiều ý kiến cho rằng EVN không thể làm giá điện cho nhà nước và chỉ nên áp dụng điện đồng giá ở thị trường cạnh tranh...

 
   Ba phương án đề xuất của EVN - Đồ họa: Việt Anh - Võ Hương
Ba phương án đề xuất của EVN - Đồ họa: Việt Anh - Võ Hương
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đề xuất ba phương án giá điện bán lẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng EVN không thể làm giá điện cho nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nói: "Đúng ra phải là Bộ Công thương, vì EVN không thể làm giá điện cho nhà nước. EVN chỉ làm giá điện cho chính EVN chứ không nên làm giá cho cả ngành điện. Cần xem xét đúng chức năng, thẩm quyền của EVN ", ông Cung nói và đề nghị phải thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí…
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng EVN là đơn vị kinh doanh mà lại đi làm giá thì “không nên”.
Nên áp dụng giá điện đồng giá ở thị trường bán lẻ cạnh tranh
Trong ba phương án biểu giá điện bậc thang mới mà EVN đưa ra ngày 16-9 có hai phương án tính theo bậc thang và một phương án bán điện đồng giá 1.747 đồng/kWh. Các chuyên gia cho rằng phương án đồng giá chưa ổn và hai phương án còn lại cũng có vấn đề.
Ngay khi đề ra phương án bán điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh, EVN thừa nhận những người có mức sử dụng điện dưới 240 kWh/tháng sẽ chịu thiệt thòi vì không còn được hưởng giá thấp như trước đây. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người nghèo, người dùng ít điện không được hưởng lợi trong câu chuyện giá cả này. 
Về phương án này, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng chưa đảm bảo chính sách an sinh - xã hội khi người nghèo không được lợi, trong điều kiện xã hội còn có sự chênh lệch lớn giữa thu nhập của các đối tượng khác nhau.
“Không hợp lý và chưa nên áp dụng trong giai đoạn này” là nhận xét của giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản lý EVN về phương án tính điện đồng giá.
Giáo sư Trần Đình Long nhận định giá điện bậc thang là một trong những công cụ được sử dụng để điều khiển nhu cầu tiêu thụ điện, trên tinh thần những người nghèo, dùng ít tiền thì tính mức giá thấp, những người dùng nhiều phải trả giá cao.
“Việc áp dụng một giá đồng nhất chỉ có thể áp dụng khi nào chúng ta bước sang giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh”, ông Long kết luận.
Tranh cãi về các bậc thang
 
   Đồ họa khung giá điện, so sánh mức giá bình quân và tỉ lệ người sử dụng điện hiện nay - Đồ họa: V.Anh - Võ Hương
Đồ họa khung giá điện, so sánh mức giá bình quân và tỉ lệ người sử dụng điện hiện nay - Đồ họa: V.Anh - Võ Hương
Về phương án 1 mà EVN đề ra là giữ nguyên cách tính 6 bậc như hiện nay, tiến sĩ Ngô Trí Long nói thẳng vẫn thấy tồn tại sự bảo thủ.
“Người dân đã bức xúc, anh nói thay đổi mà vẫn đưa nguyên cái cũ vào thì rõ ràng có tư tưởng bảo thủ”, ông Long chia sẻ.
Nói về phương án 3 với cách tính 3 bậc như EVN đề xuất, giáo sư Trần Đình Long đánh giá “kém hơn nhiều về tác động điều chỉnh” so với cách tính sáu bậc.
Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra phương án có thể tính phương án 5 bậc nhưng mức điện năng của mỗi bậc phải nới lỏng ra.
Chẳng hạn bậc một là 100 kWh và mỗi bậc sau đó là 150kWh. Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, mức giá của từng bậc cũng phải giảm so với giá hiện hành và không được quá cao hơn giá bình quân mà EVN đã đưa ra.
Đồng tình với đề xuất này, giáo sư Trần Đình Long cũng cho rằng cách tính năm bậc là hợp lý nhất.
“Bậc một là từ 1-100kWh và cứ thế tăng 100kWh lại tính thêm một bậc. Cách tính này vừa dễ nhớ vừa đảm bảo tác động điều khiển của cách tính lũy tiến”, giáo sư Trần Đình Long nhận định.
Theo giáo sư Trần Đình Long, EVN co biết mỗi hộ dân Việt Nam sử dụng trung bình 150kWh/tháng.
Vậy mức giá của bậc hai (nghĩa là sử dụng từ 100-200kWh/tháng) sẽ tính theo mức giá trung bình mà EVN đã đưa ra. Đối với bậc một (sử dụng từ 1-100kWh/tháng) thì có thể tính giá thấp, bằng giá thành sản xuất hoặc thấp hơn để hỗ trợ người nghèo.
Người dân nói gì?
Hiện nay phần lớn khách hàng sử dụng 150kWh/tháng, sao không lấy mức 0-150kWh làm mức đầu tiên? (Nguyên)
Nên lấy mức sử dụng đầu tiên từ 0-250 kWh làm mức đầu tiên cho người có thu nhập thấp sử dụng. Mức thứ hai từ 251-500 kWh cho hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, và mức thứ ba từ 501kWh - nkWh là dành cho hộ gia đình khá giả trở lên. (Võ Tá Luân)
Giá bình quân 1.622 đồng/kWh hay 1.747 đồng/kWh là dựa vào đâu? Thực tế giá này vẫn cao vì phải gánh cả bộ máy khổng lồ của ngành điện lực! Vì vậy trước hết yêu cầu EVN phải tính lại "giá bình quân" cho sát thực tế.Trên cơ sở giá bình quân này chia theo bậc thang: những hộ dùng dưới 100kWh thì trả theo giá bằng khoảng 80% giá bình quân, những hộ dùng từ 100-300kWh thì trả bằng mức giá bình quân, những hộ dùng trên 300kWh trả bằng 120% mức giá bình quân ... (Trần Đông)
Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khách hàng cá nhân được chọn nhà cung cấp điện cho mình. Trong ảnh: người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. 
Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khách hàng cá nhân được chọn nhà cung cấp điện cho mình. Trong ảnh: người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

(Theo Tuổi trẻ) VÕ HƯƠNG - C.V.KÌNH - AN NHIÊN - TÀI PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét